Nghị trường 'nóng' với vụ án cưa gỗ khô ở Kon Tum

Sáng nay, 5-11, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao năm 2019.
Đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP.HCM) gửi tới Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình một số băn khoăn, quan ngại trong vụ án cưa gỗ khô.
Theo ông Nghĩa, trong xét xử án hình sự, có biểu hiện gò ép việc áp dụng pháp luật theo ý của HĐXX. Điển hình là vụ án cưa gỗ trắc chết khô ở Kon Tum.
TAND tỉnh Kon Tum xét xử phúc thẩm (lần ba) ngày 12-8 đã xử tội trộm cắp tài sản là trái với Thông tư liên tịch số 19, trái với văn bản hướng dẫn chính thức của Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình (nay là Phó Thủ tướng thường trực).
Kết quả này cũng trái với quan điểm của Cục Kiểm lâm, nhiều luật gia, luật sư, cựu Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ, các thẩm phán cao cấp, kỳ cựu.

Bị TAND tỉnh Kon Tum (xét xử phúc thẩm lần ba) kết tội, gia đình các bị cáo ôm nhau khóc. Ảnh: NGÂN NGA

Đặc biệt, theo đại biểu Nghĩa, TAND tỉnh Kon Tum (phúc thẩm lần ba ngày 12-8-2019, do Phó Chánh án tỉnh Đỗ Thị Kim Thư làm chủ tọa) xét xử năm bị cáo về tội trộm cắp tài sản là trái ngược với thực tiễn xét xử nhiều năm của chính ngành tòa án.
“Vụ án này đã được Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng và nhiều ĐBQH, trong đó có tôi, chính thức kiến nghị Ủy ban Thường vụ QH, Ủy ban Tư pháp xem xét, tổ chức giám sát” - ông Nghĩa nêu.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn cũng cho rằng ngày 25-10, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng có văn bản kiến nghị QH xem xét đưa vào diện giám sát đối với ba vụ án trong đó có vụ gỗ khô và vụ án đường Hồ Chí Minh.
Theo ĐB Sơn: “Một vấn đề lớn rút ra từ các vụ án này là vi phạm tố tụng trong hoạt động của mình thì có phải khôi phục trật tự tố tụng đó hay không?”.

Trước đó, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng có văn bản gửi tới Ủy ban Thường vụ QH, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, trưởng Ban Dân nguyện, chánh án TAND Tối cao kiến nghị tiến hành giám sát và xem xét lại án cưa gỗ khô.

Qua nghiên cứu, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng nhận thấy quá trình giải quyết vụ án tồn tại nhiều điểm bất hợp lý, không phù hợp với quy định của pháp luật.

Cụ thể, tại phiên họp Ủy ban Tư pháp của QH ngày 8-8, đại diện cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT khẳng định cho đến thời điểm xử lý vụ án nói trên, đã có trên 1.500 vụ việc có hành vi tương tự và đều đã được xử lý về hành vi vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, riêng vụ cưa gỗ khô thì tòa án lại cáo buộc các bị cáo về tội trộm cắp tài sản.

“Như vậy, ngay sau khi vụ án này được đưa ra xét xử thì đã làm nảy sinh hệ quả pháp lý mang tính tất yếu, đó là đã có hơn 1.500 vụ đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội.

Việc này nếu đúng thì cần phải được QH giám sát ở cấp độ tối cao để có kết luận đầy đủ và các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải khôi phục trình tự tố tụng đối với 1.500 vụ nói trên” - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng nêu.

Kiểm lâm Phan Tiến Dũng đã đi thi hành án phạt tù. Ảnh: NGÂN NGA

Từ đó Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng kiến nghị chánh án TAND Tối cao xem xét lại việc đánh giá chứng cứ buộc tội đối với năm bị án trong vụ án này để đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội theo trình tự giám đốc thẩm.

Trước đó ĐBQH Nguyễn Đức Sáu (Đoàn TP.HCM) cũng có văn bản kiến nghị gửi Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm (lần ba) kết tội năm bị cáo.

Ba thẩm phán tuyên không phạm tội bị kiểm điểm

Như PLO phản ánh, tháng 4-2016, kiểm lâm Phan Tiến Dũng để cho Lê Quốc Khánh, Nguyễn Ngọc Bình, Nguyễn Văn Thụ và Nguyễn Văn Bảy vào rừng đặc dụng Đăk Uy cưa 0,123 m3 cây gỗ trắc đã chết khô (trị giá hơn 19 triệu đồng).

Theo Thông tư liên tịch số 19/2007 thì hành vi này chưa tới mức bị xử lý hình sự mà chỉ có thể xử phạt hành chính theo Nghị định 157/2013. Dù vậy, hai lần xử sơ thẩm TAND huyện Đăk Hà vẫn phạt các bị cáo 11-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản.

 

Ngày 12-8, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm lần ba giữ nguyên tội danh về tội trộm cắp tài sản đối với năm bị cáo và có giảm nhẹ hình phạt cho năm bị cáo. Sau đó ba thẩm phán trong HĐXX từng tuyên năm bị cáo không phạm tội trước đó phải làm kiểm điểm.

Cụ thể ông Nguyễn Minh Thành - Chánh án TAND huyện Kon Rẫy (chủ tọa) nhận hình thức xử lý là miễn nhiệm chức danh chánh án, ông Phạm Hữu Luân - Chánh án TAND huyện Đăk Glei nhận hình thức xử lý là hạ một cấp bậc chức vụ xuống làm phó chánh án và ông Trần Phú Lợi - Chánh án TAND huyện Ia H’drai nhận hình thức kiểm điểm về mặt Đảng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm