Chiều 28-4, TAND Tối cao tổ chức phiên họp hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng vua Lý Thái Tông và cố chánh án TAND Tối cao qua các thời kỳ. Kết thúc phiên họp, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình kết luận là chưa xây dựng tượng, tương lai nếu có làm thì cũng sẽ không dùng ngân sách mà bằng sự đóng góp của ngành tòa án.
Lắng nghe vì các ý kiến đều thiện chí
Tại phiên họp, ông Bình nói việc dựng tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng của ngành tòa án và hoạt động xét xử đã được tiến hành từ lâu. Gần đây công luận, dư luận cũng rất nhiều ý kiến phong phú, đa dạng.
Chánh án Bình cho rằng dư luận rất quan tâm đến việc này nên cần phải lắng nghe và thuyết phục được người dân. “Tất cả ý kiến đều thiện chí và chúng ta phải lắng nghe. Hôm nay, chúng ta nghe ý kiến các nhà chuyên môn, tham khảo ý kiến các thành viên hội đồng, các nhà sử học. Sau đó sẽ có báo cáo cấp có thẩm quyền để quyết định” - Chánh án nói.
Ông Nguyễn Hòa Bình giải thích năm lý do TAND Tối cao lựa chọn vua Lý Thái Tông làm nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam. Theo đó, vua Lý Thái Tông là người ban hành bộ “Hình thư” - bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, khai mở nền pháp luật thân dân Đại Việt. Ông đã xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, thiết lập và thi hành chế độ xét xử theo pháp luật chứ không phải kiểu “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”.
Vua Lý Thái Tông cũng trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ của vị hoàng đế rất mực thương yêu dân. Ông cho đúc chuông lớn đặt ngay trước cửa chính điện Thiên An để người dân trong nước nếu có oan ức thì đến đánh chuông, bày tỏ lên hoàng đế để được thấu xét.
Ông cũng là vị vua chăm lo rèn dạy, tin giao toàn bộ việc xử kiện và đào tạo Khai Hoàng Vương trở thành vị quan xử án mẫu mực và lừng danh trước khi lên ngôi hoàng đế. Đây là bài học thành công trong đào tạo người thi hành pháp luật, bảo vệ công lý cho thời đại.
Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường trình bày cạnh ba mẫu tượng vua Lý Thái Tông do ông phác thảo. Ảnh: CHÂN LUẬN
Tác giả bức tượng chịu áp lực lớn
Chánh Văn phòng TAND Tối cao Ngô Tiến Hùng trình bày báo cáo cho hay: Việc lựa chọn và xây dựng tượng hoàng đế Lý Thái Tông làm nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam được tiến hành trong hai năm qua. TAND Tối cao đã phối hợp với nhiều cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học và có 75% các chuyên gia, nhà sử học, nhà khoa học lựa chọn vua Lý Thái Tông. Tương tự, có 82% ý kiến ngành tòa án lựa chọn như vậy.
Hội đồng nghệ thuật và TAND Tối cao đã mời nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường sáng tác ba mẫu tượng phác thảo. Ông Cường là tác giả của tượng Lê Chân (TP Hải Phòng) và tượng người phụ nữ Việt Nam ở trụ sở Hội Phụ nữ, được đánh giá rất cao.
Tuy vậy, khi thuyết minh về ba mẫu hình vua Lý Thái Tông, ông Phú Cường bày tỏ mình chịu rất nhiều áp lực. Bởi như đại diện Tòa Tối cao trình bày thì bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình, đánh giá cao, còn có nhiều ý kiến không đồng thuận, phản đối việc dựng tượng vua Lý Thái Tông làm nhân vật tiêu biểu của hoạt động xét xử.
Ông Cường nói rất bất ngờ vì dư luận quan tâm lớn đến việc xây dựng tượng vua Lý Thái Tông. “Bình thường làm nghệ thuật điêu khắc thì cũng chỉ trong nội bộ ý kiến thôi. Nhưng lần này cả nước bàn. Điều đó làm tôi thực sự… choáng” - ông Cường nói.
Ông thừa nhận các ý kiến làm cho ông thấy rất áp lực. Ý kiến ủng hộ cũng nhiều, ý kiến phản ứng cũng lắm nên đây là một sức ép với ông. “Tôi năm nay ngoài 70 rồi. Làm việc này thì là vì vui và trách nhiệm mà làm, còn nếu bị sức ép quá khéo bị… tăng xông” - ông Cường tiếp.
Chưa tiến hành!
Sau khi ông Nguyễn Phú Cường trình bày, các thành viên hội đồng nghệ thuật đã phát biểu góp ý. Đa số ý kiến đều đồng tình việc dựng tượng vua Lý Thái Tông và chọn mẫu phác họa số 1. Các góp ý đa số mang tính kỹ thuật và cố gắng truyền tải ý nghĩa về một vị vua công minh, có nhiều công trạng trong xét xử.
Tuy nhiên, cuối cùng Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã đưa ra kết luận theo hướng khác. Theo Chánh án, việc xây dựng tượng vua Lý Thái Tông không giống việc xây dựng tượng hàng ngàn tỉ, cũng không phải việc làm vô ích mà là giáo dục truyền thống, nâng cao vị thế của dân tộc, đất nước trong lịch sử cũng như trong thời hiện tại.
Theo Chánh án, ý kiến góp ý của người dân và dư luận xã hội là rất tích cực, Tòa Tối cao đã lắng nghe và tiếp thu. Ông lưu ý các thành viên hội đồng tiếp thu ý kiến của người dân một cách sáng suốt, minh mẫn để công việc chất lượng cao nhất. Ông Bình cũng thông báo việc lấy ý kiến đông đảo người dân trên mạng xã hội đến 28-4 là kết thúc. Về ý kiến đóng góp của các thành viên hội đồng nghệ thuật, Chánh án đề nghị tác giả bức tượng tiếp thu và điều chỉnh hình mẫu.
Cuối cùng, ông Nguyễn Hòa Bình nói: “Trước mắt, trong thời gian COVID-19 đang diễn ra, ngành tòa án chưa đặt ra vấn đề xây dựng tượng đài vua Lý Thái Tông mà dành thời gian tiếp tục hoàn thiện, sáng tác”.
“Việc xây dựng tượng vua Lý Thái Tông, nếu tiến hành trong tương lai, vào thời điểm thích hợp sẽ không dùng ngân sách mà là bằng sự đóng góp của toàn thể ngành tòa án. Đây là việc ngành tòa án tự nguyện làm để ghi nhận, tôn vinh công trạng của vị hoàng đế Lý Thái Tông” - ông Nguyễn Hòa Bình kết thúc.
Dư luận từng băn khoăn Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, theo công văn của TAND Tối cao thì từ ngày 23 đến 28-4, cơ quan này tổ chức lấy ý kiến của TAND các cấp về lựa chọn mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông để đặt tại trụ sở TAND Tối cao, trụ sở Tòa án quân sự và TAND các cấp. Trước đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã thống nhất tôn vinh hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử. Dự kiến chất liệu tượng và khối phụ trợ được đúc bằng đồng đỏ nguyên khối. Tuy nhiên, ý tưởng này đã khiến dư luận và ý kiến của nhiều người và giới chuyên môn khá băn khoăn… |