Xử vụ lừa đảo liên quan đến chủ tịch công ty xi măng Việt Nam

Ngày 11-1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Lan (47 tuổi, trú tại Thanh Hóa) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lừa đảo gần 300 tỉ bằng “ba tấc lưỡi”

Theo cáo trạng, Lan không có nghề nghiệp ổn định, nhưng với mục đích kiếm nhiều tiền, bị cáo nói với những người xung quanh rằng mình có quan hệ với Tổng Giám đốc Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) và các quan chức trong ngành xi măng.

Lan “nổ” có thể mua máy móc thanh lý ở các nhà máy xi măng với giá rẻ rồi đem bán ra ngoài với lợi nhuận cao. Nếu ai muốn đầu tư kiếm tiền thì góp vốn cho Lan để bị cáo mua máy móc, khi bán lời sẽ được chia phần trăm.

Bị cáo Nguyễn Thị Lan tại tòa. Ảnh: TP

Tin tưởng vào lời bị cáo, nhiều người đưa tiền cho Lan. Ban đầu, Lan trả tiền gốc và chia lợi nhuận cho đối tác rất đúng hẹn. Sau đó, Lan tiếp tục hỏi vay hoặc huy động vốn từ họ với số tiền lớn hơn nhằm chiếm đoạt.

Đặc biệt, trong quá trình lừa đảo, Lan giới thiệu tài khoản Zalo tên “buiminh” với các bị hại là của ông Bùi Hồng Minh (Tổng giám đốc, nay là Chủ tịch HĐTV VICEM), sau đó nhắn tin cho bị hại, dụ lập các hợp đồng mua bán khống...

Bằng thủ đoạn trên, từ năm 2014 đến tháng 9-2017, Lan đã lừa đảo chiếm đoạt của 31 bị hại với tổng số tiền 291 tỉ đồng. Trong đó, người bị lừa đảo nhiều nhất lên tới hơn 101 tỉ đồng.

Theo tìm hiểu, đa số các bị hại đều là bạn bè, người thân quen với Nguyễn Thị Lan. Thậm chí, theo lời bị cáo thì có những nạn nhân đã chơi với mình hơn 20 năm nay.

Về phía bị hại, họ cho biết vì là chỗ thân quen nên hoàn toàn tin tưởng vào lời của Lan. Có nhiều người đưa hàng tỉ đồng cho bị cáo mà không có bất cứ một giấy tờ biên nhận nào.

Số tiền bị chiếm đoạt, ngoài vốn liếng, đất đai mang đi cầm cố, các bị hại còn đi huy động từ chính các thành viên trong họ hàng. Khi vụ án vỡ nở, tiền mất, gia đình lục đục, có người phải ly dị chồng, có người bị họ hàng trách móc, xa lánh…

Lời khai liên quan đến chủ tịch VICEM

Đáng chú ý, ở giai đoạn điều tra, Lan khai đã dùng một phần trong số tiền lừa đảo đưa cho hai người đàn ông, trong đó đưa cho ông Bùi Hồng Minh hơn 129 tỉ đồng để làm ăn. Tuy nhiên, ông Minh phủ nhận. Cơ quan tố tụng đã cho đối chất nhưng hai bên vẫn giữ nguyên lời khai, do vậy không có căn cứ xử lý đối với ông Minh.

Tại tòa, khi được thẩm vấn, Lan tiếp tục giữ nguyên lời khai của mình đối với ông Bùi Hồng Minh. Lan nói thông qua một người quen biết ông Minh, được giới thiệu có thể mua phế liệu, động cơ cũ sản xuất xi măng giá rẻ, từ đó quyết định huy động vốn của bạn bè.

Chủ tọa hỏi Lan biết những gì về ông Minh? Nữ bị cáo đáp chỉ biết năm sinh của ông này, trước đây là Giám đốc Công ty Xi măng Bỉm Sơn, sau làm lãnh đạo VICEM. Bị cáo chưa đến phòng làm việc của ông Minh bao giờ.

Hôm nay, được triệu tập tới tòa, ông Bùi Hồng Minh có đơn xin xét xử vắng mặt. Trước tình huống này, một bị hại đề nghị HĐXX có biện pháp triệu tập bằng được ông Minh cùng một số người khác để làm sáng tỏ các lời khai của bị cáo liên quan đến việc sử dụng tố tiền có được từ lừa đảo.

Ngoài ông Bùi Hồng Minh, Lan còn khai đưa tiền cho một cá nhân khác là ông Nguyễn Sỹ An (56 tuổi, trú tại Nghệ An) với tổng số hơn 42 tỉ đồng. Cũng giống ông Minh, ông An phủ nhận việc nhận số tiền này từ Lan.

Có mặt tại tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, ông An còn cho rằng Lan có nhiều lời khai bịa đặt, vu khống đối với mình…

Bộ Xây dựng kết luận tố cáo là sai

Tháng 11-2020, Bộ Xây dựng ban hành kết luận các nội dung tố cáo đối với ông Bùi Hồng Minh, Chủ tịch HĐTV VICEM, trong đó có một nội dung liên quan đến vụ án Nguyễn Thị Lan.

Theo đó, Bộ Xây dựng giao Thanh tra Bộ thành lập tổ xác minh có hay không việc ông Minh nhận 129 tỉ đồng từ Lan.

Qúa trình làm việc cũng như văn bản trả lời của các cơ quan (Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, VKSND Tối cao…) đều thể hiện ông Minh trình báo không quen biết và không có quan hệ làm ăn gì với Lan; ngoài lời khai của Lan thì không có chứng cứ nào chứng minh ông Minh đã nhận tiền.

Do vậy, Bộ Xây dựng kết luận nội dung tố cáo trên là sai. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm