Theo Tiến sĩ Siegfried Bank, truy xuất nguồn gốc sản phẩm là một trong những chứng nhận bắt buộc đối với thủy sản xuất khẩu sang EU. Việc truy xuất nguồn gốc giúp xác định nguyên nhân của những trường hợp có vấn đề về an toàn phát sinh đối với thủy sản. Trường hợp bị nhiễm khuẩn sản phẩm sẽ bị thu hồi. Do đó, truy xuất nguồn gốc sẽ đáp ứng nguyện vọng của người tiêu dùng về an toàn và chất lượng thủy sản.
Các chuyên gia cho rằng DN Việt Nam lựa chọn xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc thường khá dễ dàng, đặc biệt là xuất khẩu qua biên mậu, doanh nghiệp không cần lo lắng vấn đề bị kiểm tra về chất lượng, các thủ tục đàm phán… Thế nhưng, giá thấp chỉ bằng ½ so với giá mua so với mức đối tác EU chi trả. Tuy nhiên để đưa sản phẩm vào thị trường EU, doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục về đàm phán, mở L/C, kiểm tra chất lượng sản phẩm, dư lượng hóa chất kháng sinh… Lựa chọn thị trường nào, đó là quyết định của doanh nghiệp, nhưng xét về lâu dài, rõ ràng việc lựa chọn thị trường mang lại giá trị gia tăng cao luôn là động lực của doanh nghiệp.
Thủy sản Việt Nam cần chứng minh được nguồn gốc xuất xứ
Để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang EU, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần đảm bảo vấn đề tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm rõ ràng để tránh bị phạt tiền. Đồng thời, doanh nghiệp tự định hướng theo các tiêu chuẩn tự nguyện khi làm việc với khách hàng. Nếu sản phẩm là thủy sản khai thác, doanh nghiệp cần liên hệ Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) để có xác nhận việc khai thác bền vững…
Hiện EU đang duy trì vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, chiếm 18% giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong năm 2015, xuất khẩu sang thị trường này đạt 1,2 tỉ USD, trong đó tôm chiếm 46%, cá tra chiếm 25%, cá ngừ 8,8%,...