Nhiều tỉnh, TP trong cả nước đã triển khai các giải pháp thu hút khách nội địa trong những tháng cuối năm 2020.
Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch TP.HCM chuẩn bị triển khai chương trình kích cầu du lịch. Chương trình đề xuất miễn phí vé vào cổng các điểm tham quan do Nhà nước quản lý; các điểm do tư nhân quản lý giảm 50% giá vé vào cổng. Các cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch sẽ giảm từ 30% trở lên so với giá niêm yết…
Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Võ Thị Ngọc Thúy cho hay TP.HCM tiếp cận kích cầu theo hai hướng: Mức giá và nhu cầu của người dân. Hơn nữa, TP.HCM kích cầu bằng cách khuyến khích người dân TP.HCM đi du lịch trong TP và người nơi khác đến TP. Cùng đó là hướng ra ngoài bằng cách khuyến khích người dân từ TP.HCM đi ra các tỉnh, địa phương khác thông qua việc liên kết với 13 tỉnh ĐBSCL, năm tỉnh Đông Nam bộ, tám tỉnh Tây Bắc, tám tỉnh Đông Bắc và năm tỉnh miền Trung.
“Kích cầu phải tạo động lực để du lịch có sức sống trở lại, không chỉ nhắm đến một địa phương nào” - bà Thúy nêu ý kiến. Bà Thúy cũng cho biết thêm, TP.HCM sẽ phát huy thực chất nhất liên kết vùng để tạo ra sản phẩm hấp dẫn, có sự kết nối giữa các địa phương, trong đó TP.HCM chỉ là một mắt xích.
Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành gói kích cầu khoảng 100 tỉ đồng, giảm 50% giá vé thu phí vào điểm tham quan và tham quan lưu trú trên vịnh Hạ Long; giá vé thu phí tham quan cho khách du lịch tại các điểm Bảo tàng Quảng Ninh, Khu di tích
và danh thắng Yên Tử cho đến ngày 31-12. Đồng thời, Quảng Ninh giảm 100% giá vé thu phí vào điểm lưu trú trên vịnh Hạ Long vào một số ngày đặc biệt.
Tuy vậy, nhiều ý kiến góp ý chương trình kích cầu du lịch nội địa lần hai cần có nhiều điểm mới. Bởi giá tour không còn là yếu tố quá hấp dẫn, quan trọng là sản phẩm mới lạ, độc đáo, mang lại nhiều trải nghiệm khác biệt cho du khách.
Bên cạnh đó, thay vì tập trung ồ ạt tất cả tuyến, doanh nghiệp cần đưa ra các lựa chọn điểm đến an toàn, đặc sắc nhất và xây dựng dòng sản phẩm chuyên biệt phù hợp với từng đối tượng khách hàng.
Ông Đặng Thanh Thủy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, cho biết để kích cầu du lịch hiệu quả, Vingroup đã xây dựng chiến lược mới, xác định phát triển khách nội địa là mục tiêu chiến lược. Vingroup áp dụng 10 tiêu chí vệ sinh phòng dịch - “Safe to stay” để đảm bảo an toàn trong quy trình đón tiếp khách du lịch.
Giai đoạn 2020-2021, Vinpearl hướng đến mức tăng trưởng 2-2,5 lần khách nội địa so với đỉnh khách năm 2019. Tập trung phát triển các dịch vụ và sản phẩm riêng biệt để thu hút thị phần du khách đặc thù.