Tại Warsaw, Tổng thống Trump phát biểu ủng hộ lập trường chống làn sóng nhập cư của chính phủ Ba Lan. Đến Hamburg, ông lại một mực phản đối đồng thuận G20 về biến đổi khí hậu. Nhà lãnh đạo Mỹ quay lại niềm nở thân thiện với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông cũng bắt đầu cân nhắc áp hàng rào thuế quan lên thép của châu Âu. Tất cả động thái này đều mang đậm dấu ấn của nhóm cố vấn “cánh hữu”. TờPoliticonhận định dường như các thành phần chủ trương “toàn cầu hóa” như cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster và trưởng cố vấn kinh tế Gary Cohn đã một lần nữa đánh mất sức ảnh hưởng.
Tờ Wall Street Journal đánh giá Tổng thống Trump đã tiếp tục “gây sốc tại Washington” trong chuyến công du vừa qua. Cựu đại sứ Mỹ Stephen Sestanovich bày tỏ lo ngại nước Mỹ sẽ ngày càng cô lập nếu Tổng thống Trump tiếp tục đi theo lập trường nước Mỹ “mạnh mẽ hơn nếu đi một mình”. Điều này có thể đẩy nước Mỹ rơi ra khỏi quỹ đạo toan tính chiến lược của các nước, ông nhận định.
Nhiều vị trí cấp cao mà Tổng thống Trump đã bổ nhiệm trong chính phủ như ông McMaster, Cohn, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis hay Ngoại trưởng Rex Tillerson đều tin tưởng rằng hệ thống đồng minh và nền tảng hợp tác thương mại vô cùng quan trọng với Mỹ. Nhóm này từng có những chiến thắng ngắn ngủi khi Tổng thống Trump chấp nhận không rút Mỹ khỏi Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), hay cho phép tướng Mattiss cùng Phó Tổng thống Mike Pence đưa ra các cam kết ủng hộ NATO và EU.
Thế nhưng kể từ tháng 5, phe “toàn cầu hóa” thất bại liên tiếp tại Nhà Trắng. Tổng thống Trump không tái cam kết sự bảo hộ quân sự của Mỹ cho NATO và vài ngày sau cũng quyết định rút khỏi thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu. Richard Haass, chủ tịch cơ quan nghiên cứu Hội đồng Quan hệ đối ngoại, nhận định: “Nhìn toàn cục, chuyến đi cổ súy chủ nghĩa quốc gia hơn là chủ nghĩa liên quốc gia. Thương mại tự do bị chối bỏ nhiều hơn, biến đổi khí hậu bị ngó lơ, tự do truyền thông bị xem thường và tạo một bước lùi cho những nỗ lực đối đầu Nga vì can thiệp vào chính trị Mỹ”.