Đó là những gì có thể thấy được sau khi nghe bài phát biểu chúc mừng năm mới của ông Kim. Nhà lãnh đạo Triều Tiên lập lại rằng các biện pháp trừng phạt quốc tế phải được dỡ bỏ trước khi Triều Tiên từ bỏ một vũ khí hạt nhân, phá dỡ một cơ sở tên lửa hoặc ngừng sản xuất vật liệu hạt nhân.
Theo báo The New York Times, danh sách các đòi hỏi mới đây của Triều Tiên là một chỉ dấu rõ ràng về việc cuộc họp thượng đỉnh ở Singapore đã thay đổi cách cảm nhận về mối quan hệ giữa hai bên rõ như thế nào.
Những đòi hỏi đó tương tự như những cuộc đối đầu trước đây: rằng tất các các hoạt động huấn luyện quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc phải dừng lại, khả năng hạt nhân và quân sự của Mỹ có thể chạm đến Triều Tiên phải được rút đi, và rằng một hiệp ước hòa bình nhằm chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên phải được hoàn tất.
“Công bằng mà nói thì chẳng có thay đổi gì nhiều, dù chúng ta đã hiểu rõ ràng hơn liên quan đến kết quả cuối cùng của Triều Tiên”, ông Evans J.R. Revere, nhà ngoại giao kỳ cựu và cựu chủ tịch Hội Triều Tiên, viết trong một email.
“Bình Nhưỡng đã từ chối chấp nhận định nghĩa của Mỹ về ‘phi hạt nhân hóa’ ở cuộc họp thượng đỉnh Singapore”, ông viết. Với Mỹ, điều đó có nghĩa Triều Tiên phải từ bỏ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân; còn theo theo quan điểm của miền Bắc, điều đó bao gồm việc rút lại tương ứng bất kỳ khả năng nào của Mỹ nhằm đe dọa Bình Nhưỡng bằng vũ khí hạt nhân. “Hai cách nhìn so kè nhau về phi hạt nhân hóa đã không thay đổi kể từ thời điểm trên”, nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Hai nhà lãnh đạo tại cuộc gặp lịch sử ở Singapore. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã tranh luận về các kết luận trên. Họ cho rằng luận điệu của một trong những cuộc đối đầu vũ trang nguy hiểm nhất thế giới đã cải thiện. Tình hình có cải thiện, và cả hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ mong muốn tái ngộ.
Trong một bài đăng trên Twitter vào tối 1-1, Tổng thống Trump đã viện dẫn những lời ngỏ không sản xuất hay phổ biến vũ khí, đồng thời cho biết thêm rằng ông trông đợi “gặp Chủ tịch Kim người nhận biết rõ rằng Triều Tiên sở hữu tiềm năng kinh tế lớn”.
Trong khi đó, thông điệp của ông Kim không có những lời đe dọa kiểu cũ như biến Seoul thành “biển lửa” hoặc tấn công nước Mỹ bằng “thanh kiếm hạt nhân công lý”.
Đó toàn là những "nhành ô liu". Điểm cứng rắn nhất mà ông Kim đưa ra là lời cảnh báo rằng “nếu Mỹ không giữ lời hứa” và tiếp tục bằng “các biện pháp trừng phạt và sức ép” chống lại Triều Tiên, “thì chúng tôi cũng không có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm một con đường mới vì chủ quyền của đất nước chúng tôi”.
Đến lượt mình, Tổng thống Trump chưa từng quay trở lại lời cảnh cáo hồi năm 2017 rằng bất kỳ động thái thù địch nào của miền Bắc sẽ được đáp lại bằng “lửa và cuồng nộ” mà thế giới chưa từng chứng kiến.
Ông lại đánh đu sang một cực đoan khác khi tuyên bố tại Singapore rằng mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên đã chấm dứt, và rằng ông và nhà lãnh đạo Kim đã “phải lòng nhau”.
Bài phát biểu của ông Kim được phát trực tiếp trên truyền hình ngày 1-1. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Theo những cách đo lường nào đó, đã có một sự tiến triển khiêm tốn. Đã 13 tháng trôi qua kể từ khi Triều Tiên tiến hành thử một vũ khí hạt nhân hay tên lửa tầm xa, một sự thay đổi mà cả Tổng thống Trump lẫn Ngoại trưởng Pompeo đều viện dẫn là những kết quả đầu tiên mà một số quan chức giờ đây thừa nhận sẽ là một nỗ lực kéo dài.
Quan hệ giữa hai miền Triều Tiên cũng đang ấm lại, dù có bằng chứng nói rằng ông Kim xem việc chìa cánh tay với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là một cách chia rẽ Seoul với đồng minh Washington.
Nhưng mục tiêu chiến lược của ông Trump là chấm dứt mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, chứ không phải đình chỉ nó ở nguyên trạng.
Ông Trump đã phái Ngoại trưởng đầu tiên dưới thời ông là Rex Tillerson đến Seoul hồi tháng 3-2017 để tuyên bố rằng một sự đóng băng hạt nhân đơn thuần sẽ không đủ. Khi đó, ông Tillerson tuyên bố sẽ không có đàm phán và không dỡ bỏ trừng phạt cho đến khi việc phá dỡ của miền Bắc bắt đầu.
Quyết định mà Tổng thống Trump phải đưa ra là liệu ông có trở lại mục tiêu không có vũ khí hạt nhân Triều Tiên ngay cả nếu điều đó có nghĩa chấp nhận quốc gia này như một nhà nước hạt nhân, như Washington đã từng làm với Pakistan, Ấn Độ và Israel.
Với những người có quan điểm cứng rắn như Cố vấn An ninh Quốc gia John R. Bolton, người chỉ trích gắt gao các chính phủ trước về việc đưa ra những nhượng bộ trước khi giải giáp, việc “đầu hàng” ông Kim trong vấn đề này là sự nguyền rủa.
Nhưng với những người xem “sức ép tối đa” của ông Trump là một chiến lược sẽ thất bại, đề xuất của ông Kim về cách tiếp cận từng bước một là lộ trình thành công duy nhất, dù đó có thể là thành công trong việc kìm hãm, thay vì loại bỏ, các tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Cũng theo báo The New York Times, ông Trump dường như đã thực hiện bước đi đầu tiên theo hướng đó bằng cách ca ngợi Triều Tiên đóng băng việc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, vốn ngăn chặn nước này giải quyết những vấn đề kỹ thuật cuối cùng của việc đưa vũ khí hạt nhân ngang qua Thái Bình Dương và nhắm vào các thành phố của Mỹ.
Nay, đối mặt với một nước Triều Tiên hiện đã có 20-60 vũ khí hạt nhân, ông Trump phải quyết định xem tốt hơn nên kìm hãm đà phát triển hay tiếp tục bám víu quan điểm mà ông bảo vệ quyết liệt từ khi còn là ứng viên tổng thống đến nay.
Một số cố vấn của ông Trump tin rằng số lượng vũ khí không phải là chuyện lớn với Tổng thống Trump mà nhà lãnh đạo này muốn là nhân vật kết thúc Chiến tranh Triều Tiên. Đó là lý do tại sao chủ nhân Nhà Trắng không dưới một lần nói bóng gió rằng ông có thể giành được giải thưởng Nobel Hòa bình.