"Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc là trung tâm của các ý kiến và quan điểm khác nhau, nếu chúng ta muốn gây ảnh hưởng lên quan điểm của các nước khác (về vấn đề biển Đông, chúng ta nên bắt đầu từ đó" - đài ABS-CBN hôm 31-10 dẫn lời ông Carpio cho biết.
Đề cập phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016, cựu Phó Chánh án Carpio cho rằng sẽ có hai trường hợp Trung Quốc chịu tuân thủ phán quyết. Trường hợp thứ nhất, Bắc Kinh hoàn toàn tự nguyện chịu tuân thủ. Ông khẳng định đây là khả năng gần như không thể xảy ra.
"Trường hợp thứ hai là Bắc Kinh bị các nước trên thế giới buộc phải chấp hành phán quyết. Liệu việc bị lên án có quan trọng cho Trung Quốc không? Câu trả lời là có vì nước này cũng cần phải thông thương với các nước khác để tồn tại" - ông Carpio giải thích.
Cựu Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio. Ảnh: CNN
Hồi tháng 9, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario cũng đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Rodrigo Duterte mang tranh chấp biển Đông ra kỳ họp thứ 74 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ông Rosario cho biết Bộ Ngoại giao Philippines nên vạch ra một chiến lược vận động sự hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế cùng sự ủng hộ cho một trật tự dựa trên luật pháp và ủng hộ Philippines.
"Người dân Philippines phải biết rằng có rất nhiều phương án khi đấu tranh với Trung Quốc, chứ không chỉ gói gọn ở câu hỏi rằng liệu chúng ta sẽ đánh nhau với họ hay chịu khuất phục họ. Có nhiều cách để thực thi phán quyết" - ông Rosario khẳng định.
Trong một diễn biến có liên quan, cựu Phó Chánh án Carpio mới đây đã xảy ra bất đồng với Phó Tổng thống Leni Robredo về việc liệu có cần buộc Trung Quốc công nhận chủ quyền Philippines khi hai bên tiến hành hợp tác khai thác chung trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này hay không.
Theo đó, bà Robredo ngày 28-10 phát biểu rằng kế hoạch khai thác chung hiện tại chưa thật sự "công bằng" với Philippines khi Trung Quốc vẫn không công nhận chủ quyền trên biển của đối tác. "Điều này cần phải là yêu cầu cơ bản đầu tiên của chúng ta (khi hợp tác với Trung Quốc): Họ cần phải công nhận chủ quyền của chúng ta trên vùng biển mà họ sắp tiến vào khai thác" - Phó Tổng thống Philippines tuyên bố.
Được biết bà Robredo lâu nay luôn chỉ trích kịch liệt việc đồng ý cho Trung Quốc vào khai thác trong EEZ của Philippines, cho rằng điều này đi ngược lại phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài, trong khi lợi ích kinh tế đánh đổi được không đáng kể.
Phản biện phát ngôn của Phó Tổng thống Leni Robredo, ông Carpio nói việc buộc Trung Quốc phải công khai thừa nhận chủ quyền của Philippines là không cần thiết. Ông viện dẫn hợp đồng khai thác chung Philippines - Trung Quốc là hợp động dịch vụ bao gồm một bên thuê dịch vụ (Philippines) và một bên cung ứng (Trung Quốc). Dạng hợp đồng này qua đó đã hoàn toàn công nhận khu vực khai thác chung thuộc chủ quyền Philippines.
"Chúng ta không cần phải tuyên bố, cũng không cần yêu cầu Bắc Kinh phải thừa nhận chủ quyền của chúng ta bởi lẽ họ tiến vào EEZ Philippines trong danh nghĩa là bên cung ứng dịch vụ và điều này đồng nghĩa với việc họ đã ngầm công nhận dầu khí ở đây là tài nguyên của người dân Philippines" - ông Carpio chia sẻ.
Bên cạnh đó, nội dung biên bản ghi nhớ (MOU) ký kết trong chuyến thăm Trung Quốc hồi năm 2018 của Tổng thống Duterte và điều khoản tham chiếu (TOR) về khai thác chung được hai bên ký kết ngày 28-10 cũng ngầm khẳng định lập luận trên.
"Chúng ta không thể trông đợi Trung Quốc thẳng thừng công nhận chủ quyền của chúng ta được. Tuy nhiên, họ sẽ phải giải trình với người dân của họ về hai văn bản MOU và TOR và chúng ta có lẽ nên giúp Bắc Kinh tìm một giải pháp giữ thể diện cho họ" - cựu Phó Chánh án Carpio nói.
Tuy vậy, ông Carpio cũng cảnh báo chính quyền Manila không được đi lệch khỏi những gì đã thỏa thuận trong MOU và TOR nếu muốn việc Trung Quốc ngầm công nhận chủ quyền có hiệu lực.
Trong cuộc phỏng vấn với đài CNN Philippines ngày 22-11-2018, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đã mang theo một bản sao của bản MOR và đọc một số nội dung. Quan chức này khẳng định những câu chữ trong MOR là do chính ông viết cho cả Philippines lẫn Trung Quốc.
"Đó là lý do tôi cần sự cho phép của Bắc Kinh nếu muốn công bố toàn văn bản ghi nhớ. Họ đã tin tưởng giao cho tôi việc soạn thảo thỏa thuận" - Ngoại trưởng Philippines giải thích. Trước sự chứng kiến của ông Locsin, nhà báo Pinky Webb đã đọc đoạn mở đầu biên bản ghi nhớ.
"Nhắc lại Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) năm 2002.
Nhận thấy thông qua các cuộc đối thoại tích cực và hợp tác thực tế, ở đây mang ý nghĩa giữa hai chính phủ, đã tạo ra những bước tiến đáng kể và có ý nghĩa trong việc tìm kiếm các cơ hội và những phương cách hợp tác trong lĩnh vực hàng hải, đóng góp to lớn cho hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.
Tất cả câu này có ý nghĩa gì vậy, thưa ông?" - bà Webb hỏi ngoại trưởng Philippines.
"Nó có nghĩa là chúng ta đang xem xét thỏa thuận dựa trên Hiến chương Liên Hiệp Quốc, UNCLOS và DOC. Có nghĩa chúng ta nhận thức đầy đủ những hạn chế, những gì các quốc gia có và không thể làm trong khu vực này. Theo sau đó là các nguyên tắc cơ bản như tôn trọng lẫn nhau, công bằng, cùng có lợi và tính linh hoạt" - ông Locsin trả lời.