Công tố viên Janet Morecho-Francisco thuộc Cục Điều tra quốc gia Philippines (NBI) cho hay các đợt truy quét tội phạm trong thời gian vừa qua cho thấy có nhiều cha mẹ và hàng xóm bị phát hiện móc nối cho các đối tượng tội phạm ấu dâm nước ngoài lạm dụng tình dục chính con cháu của mình.
“Nghề gia đình” kinh hoàng
Vị công tố viên cũng cảnh báo hiện vẫn còn hàng ngàn trẻ em tại Philippines đang bị lạm dụng tình dục và khai thác trục lợi nhẫn tâm. “Xu hướng này ngày một gia tăng. Ngày càng có nhiều gia đình nhúng tay vào môi giới xâm hại tình dục trẻ em vì đây là cách thức kiếm tiền quá dễ dàng. Cũng chính vì vậy, hoạt động trái pháp luật này đã trở thành một dạng “nghề gia đình” tại nhiều khu vực” - bà Morecho-Francisco cho biết. Trả lời phỏng vấn của hãng tin Sky News, một bé gái từng bị lạm dụng từ năm 12 tuổi kể lại: “Mỗi ngày khi vừa thức dậy, tôi phải cởi hết quần áo đứng trước camera và người ta làm đủ điều với cơ thể tôi. Hàng xóm chụp ảnh khỏa thân của tôi rồi đưa tôi đến gặp khách hàng từ Mỹ, Anh và Úc”.
Hình thức môi giới lạm dụng tình dục phổ biến nhất hiện nay tại Philippines là livestream (quay trực tiếp trên các công cụ Internet) hay gửi hình ảnh và clip khỏa thân của trẻ em lên các trang mạng ấu dâm. Theo tờ The Guardian, một trong các vụ án đầu tiên của hiện tượng này được phát hiện vào năm 2011. Cảnh sát Philippines bắt giữ một người phụ nữ ép hai con gái cùng cháu gái mình (bé nhỏ nhất chỉ mới ba tuổi) mở “show” diễn khỏa thân trên mạng cho ba đối tượng ấu dâm nước ngoài xem. Đó là lần đầu tiên cơ quan điều tra Philippines nghe đến chuyện cha mẹ “kinh doanh” con cái mình. Thế rồi ngày càng nhiều trường hợp livestream khỏa thân trẻ em dần xuất hiện tại Philippines.
Theo tờ The Guardian, loại hình “nghề gia đình” này đang phát triển nhanh chóng tại Philippines, thậm chí nuôi sống nhiều cộng đồng. Việc cải thiện tốc độ đường truyền Internet, công nghệ ghi hình bằng điện thoại ngày một phát triển, cũng như các hình thức chuyển tiền xuyên quốc gia ngày một dễ dàng khiến loại hình phạm tội này nổi lên như “nấm mọc sau mưa”. Số vụ án liên tục tăng trong nhiều năm qua, từ 57 vụ (2013) lên hơn 167 vụ (2015). Tuy nhiên, theo đại diện đội điều tra của cảnh sát Úc tại Manila, con số thực tế có thể còn kinh hoàng hơn nhiều. Riêng trong năm 2015, cơ quan điều tra Mỹ đã chuyển hơn 15.000 đầu mối thông tin tố giác trẻ em bị đe dọa, trong đó gần 80% là xâm hại tình dục trẻ em trên mạng.
Một tấm biển kêu gọi chấm dứt tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em tại TP Cebu, Philippines với nội dung “Con không phải để bán”. Ảnh: THE GUARDIAN
Một bé gái được giải cứu và đưa về chăm sóc tại bệnh viện đa khoa Philippines. Ảnh: UNICEF
Ám ảnh cái nghèo
Năm 2016, Liên Hiệp Quốc cảnh báo có hàng chục ngàn trẻ em đang bị lôi vào “ngành công nghiệp đen” này tại Philippines với tổng giá trị giao dịch gần 1 tỉ USD, theo The Guardian. Nhiều trẻ bị bắt phải diễn “show” cả ngày trời, chạy theo múi giờ của nhiều châu lục. Buổi sáng là cho các “khách hàng” châu Âu và Mỹ, còn chiều tối là cho những đối tượng ở Úc.
Loại hình “nghề gia đình” này có thể sinh sôi nhanh như vậy tại Philippines phần lớn cũng vì tình trạng đói nghèo dai dẳng tại nhiều vùng trên đất nước này. Theo tổ chức USAID, hiện còn gần 18,4 triệu người Philippines sống trong tình trạng nghèo cùng cực với thu nhập chưa tới 1,25 USD/ngày. Cái nghèo ám ảnh buộc nhiều cha mẹ lựa chọn con đường môi giới cho con mình bị lạm dụng tình dục trên mạng để nuôi sống gia đình. Theo tờ The Guardian, mức tiền mà các đối tượng ấu dâm nước ngoài chi trả cho một “show” dao động từ 5 đến 200 USD. Cách thức tổ chức cũng quá dễ dàng: Quay phim tại nhà và không sợ các nhóm tội phạm bảo kê. “Đây là một số tiền quá lớn, một kiểu kinh doanh quá hời” - Stephanie McCourt, đại diện khu vực Đông Nam Á của Cơ quan tội phạm quốc gia Vương quốc Anh, cảnh báo về sức cám dỗ của loại hình phạm pháp này đối với các cộng đồng nghèo khó tại Philippines.
Trong khi đó, hiện có gần 10 triệu người Philippines, tức gần 1/10 dân số đất nước, phải xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Phần nhiều người xuất khẩu lao động sẵn sàng chấp nhận làm các công việc lao động tay chân như chăm sóc sức khỏe hay người giúp việc để gửi tiền về nuôi gia đình thoát cảnh nghèo. Điều này đồng nghĩa rằng gần chín triệu trẻ em tại Philippines đang thiếu đi sự chăm sóc của cha hoặc mẹ, khiến các em có nguy cơ bị lạm dụng cao hơn bởi những người hàng xóm được gửi gắm hay do người thân không đủ quan tâm, theo tạp chí The New Yorker.
Bà McCourt nhận định bên cạnh cái nghèo và sự phát triển của công nghệ, việc phần đông người Philippines dễ dàng giao tiếp bằng tiếng Anh cũng khiến loại hình tội phạm xuyên biên giới này phát triển mạnh tại đất nước Đông Nam Á.
Những nghịch lý
Các hoạt động xâm hại tình dục trên mạng ngày càng khó bị phát hiện và truy tố bắt giữ vì công nghệ của các đối tượng ấu dâm cũng ngày càng tối tân. Các phần mềm mã hóa và các hệ thống mạng “đen” khiến việc truy lùng dấu vết và thu thập thông tin ngày càng khó khăn hơn cho các cơ quan điều tra. Tuy nhiên, công nghệ không phải là thách thức lớn nhất để giải quyết tình trạng cha mẹ môi giới con cái tại Philippines.
Các chiến dịch giải cứu trẻ em bị kinh doanh xâm hại tình dục tại Philippines đã không ít lần rơi vào những tình huống giằng xé đau lòng. Trong một chiến dịch được phối hợp thực hiện bởi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và NBI, các đứa trẻ được giải cứu đã kêu khóc đòi mẹ dù cho bà đã môi giới cho các tội phạm ấu dâm người nước ngoài xâm hại chính con mình. Bà Morecho-Francisco cho biết nhiều trẻ mới một tuổi đã bị cha mẹ đẩy vào tình cảnh bị xâm hại. “Các bé nghĩ rằng những gì xảy ra với mình là hoàn toàn bình thường, vì vậy chúng mới cư xử như thể cha mẹ chúng chẳng làm gì sai trái cả” - công tố viên Morecho-Francisco của NBI cho biết.
Không những thế, nhiều trường hợp chính con cái lại đóng vai trò là “đồng phạm” với cha mẹ. Một số em nhìn thấy bạn bè mình kiếm được tiền cho gia đình nhờ hình thức này và về nhà gợi ý cho cha mẹ mình làm theo. Trong vụ án được phát hiện vào năm 2011 đã nêu trên, chính người con gái lớn nhất của gia đình (13 tuổi) đã gợi ý mẹ mình kiếm tiền bằng cách này. Khi thấy cảnh sát ập vào bắt giữ mẹ mình, cô bé không cảm thấy “được giải cứu” mà cảm thấy mình bị “phản bội”, tờ The Guardian dẫn lại mô tả của nữ cảnh sát tham gia chiến dịch trên. Vòng luẩn quẩn giữa cái nghèo và tội ác khiến các cơ quan chính phủ Philippines đau đầu không tìm ra lời giải nhiều năm qua.
Mồi câu kẻ ấu dâm Hợp tác quốc tế giữa các cơ quan điều tra từ Mỹ, Anh, Úc và châu Âu đã giúp phá nhiều vụ án lạm dụng tình dục trẻ em xuyên quốc gia thời gian qua. Tuy nhiên, trước tình trạng các đối tượng tội phạm ấu dâm ngày một chuộng sử dụng Internet để tìm kiếm “con mồi” nhiều hơn, tổ chức Terre De Hommes của Hà Lan đã cho phát triển một chương trình “mồi câu” để tăng cường truy lùng và theo dõi các đối tượng này. Chương trình “Sweetie” được khởi động vào năm 2013, là một phần mềm nhắn tin trực tuyến tự động bao gồm cả hình ảnh giả lập của trẻ em để hiện thị lên webcam của người dùng. Phần mềm này có thể thâm nhập vào các diễn đàn “đen”, tự giao tiếp với các đối tượng tìm kiếm trẻ em để chèo kéo lạm dụng tình dục và thu thập thông tin của đối tượng. Nếu đối tượng nào bị phát hiện có dấu hiệu muốn gạ gẫm trẻ em, phần mềm này sẽ lập tức phân loại và đưa vào danh sách đen rồi thông báo cho các cơ quan điều tra. Tổ chức Terre De Hommes sắp tung ra thêm phiên bản nâng cấp “Sweetie 2.0” có khả năng thực hiện cùng lúc hàng trăm cuộc hội thoại với các đối tượng tình nghi. |