Phó Chánh án TAND Tối cao: Xử án trực tuyến đã thể hiện tính nhân văn

(PLO)- Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du, việc xét xử bằng hình thức phiên tòa trực tuyến đối với một số vụ án đã thể hiện được tính nhân văn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-9, tại Hội trường Diên Hồng (Hà Nội), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai Luật, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV.

Hội nghị cũng được kết nối trực tuyến tới 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành trên cả nước. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị từ điểm cầu tại Văn phòng Đoàn ĐBQH TP.HCM. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Các đại biểu tham dự hội nghị từ điểm cầu tại Văn phòng Đoàn ĐBQH TP.HCM. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Tại hội nghị, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du đã trình bày tham luận về công tác triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Theo đó, tính từ ngày 1-1-2022 đến nay, các tòa án đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức xét xử trực tuyến được 9.263 vụ án.

Việc triển khai các phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội.

Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh COVID-19 thì hình thức xét này đã giúp hạn chế tập trung đông người tại phòng xử án, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh; giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định.

Theo ông Du, việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến trong nhiều trường hợp đảm bảo tính nhân văn trong quá trình giải quyết vụ án (đối với vụ án hình sự có liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục hoặc bị hại là trẻ em thì người bị hại không cần xuất hiện trực tiếp tại phiên tòa); tiết kiệm chi phí dẫn giải, thuận lợi cho việc bảo vệ phiên tòa.

Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến còn khắc phục tình trạng người bị kiện không tham gia phiên tòa. Từ đó, góp phần hạn chế việc phải hoãn phiên tòa nhiều lần trong giải quyết các vụ án hành chính; tiết kiệm chi phí cho người dân...

“Kết quả trên cho thấy chủ trương của Quốc hội cho phép TAND tổ chức phương thức xét xử bằng hình thức trực tuyến là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quan điểm của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước; đáp ứng yêu cầu tình hình thực tiễn hoạt động của các Tòa án…”, Phó Chánh án TAND Tối cao cho biết.

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Du chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Cụ thể, Nghị quyết số 33 của Quốc hội có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022. Tuy nhiên, việc bố trí nguồn lực, kinh phí thực hiện trang bị cơ sở vật chất để tổ chức phiên tòa trực tuyến còn chậm, dẫn đến nhiều khó khăn khi tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật tố tụng, ngoài việc giải quyết các vụ án bằng các phiên tòa xét xử thì tòa án còn có thẩm quyền giải quyết các việc dân sự hay xem xét áp dụng các biện pháp xử lý hành chính bằng các phiên họp.

Đây là những vấn đề pháp lý không phức tạp, có thể áp dụng hình thức giải quyết bằng trực tuyến.

Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị quyết số 33 thì hình thức xét xử trực tuyến mới được áp dụng cho việc tổ chức phiên tòa xét xử các vụ án mà chưa áp dụng cho các phiên họp để giải quyết các việc khác thuộc thẩm quyền của tòa án.

Từ đó, TAND Tối cao đề nghị cần hoàn thiện pháp luật về tổ chức phiên tòa trực tuyến theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng…

Mặt khác, TAND Tối cao cũng cho rằng quy định phiên tòa trực tuyến được kết nối tối đa không quá ba điểm cầu thành phần như hiện nay là chưa phù hợp. Theo TAND Tối cao, không nên giới hạn số lượng điểm cầu thành phần trong các phiên tòa trực tuyến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm