Phó Chủ tịch Đắk Lắk: Tạo nguồn thu từ 'đất vàng' không phải giải pháp lâu dài

(PLO)- Đánh giá việc bán các khu đất "vàng", tạo nguồn thu chỉ là nhất thời, bán mãi rồi cũng hết, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng cần phải có giải pháp lâu dài.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 10-12, trao đổi với PLO, ông Bùi Văn Yên, Giám đốc Sở Tài chính Đắk Lắk cho biết kế hoạch thu tài chính của tỉnh trong năm 2024 là trên 8.500 tỉ đồng, trong đó thu tiền đất hơn 2.900 tỉ đồng.

tỉnh.jpg
Tỉnh Đắk Lắk đang hoàn thiện hồ sơ để bán khách sạn Dakruco. Ảnh: VŨ LONG

Tiếp tục bán đất “vàng” để tăng nguồn thu

Giám đốc Sở Tài chính Đắk Lắk thông tin, tỉnh đang hoàn chỉnh hồ sơ để thực hiện bán đấu giá đất và tài sản trên đất “vàng” thuộc khách sạn Dakruco thuộc Công ty CP cao su Đắk Lắk (dù đã cổ phần hóa, nhưng vốn Nhà nước vẫn nắm tới hơn 99% ở công ty).

“Khu đất này đang trong giai đoạn hoàn chỉnh hồ sơ vì liên quan đến việc điều chỉnh diện tích đất một con đường đi qua phần đất của công ty. Nếu khách sạn Dakruco bán được thành công, ngoài việc thu hút đầu tư, còn mang nguồn lợi cho ngân sách ước tính khoảng 500 tỉ đồng”, ông Bùi Văn Yên nói.

Vẫn theo ông Yên, hiện tỉnh Đắk Lắk có các nguồn thu cố định, mang lại nguồn thuế lớn. Đó là nhà máy bia Sài Gòn, dự kiến mỗi năm nộp ngân sách khoảng 1.000 tỉ đồng; công ty thủy điện trên dưới 300 tỉ đồng/năm.

Thực tế cho thấy, năm qua đã có nhiều tác động như nền kinh tế suy thoái, nhiều tác động khác làm cho doanh số hai doanh nghiệp trên sụt giảm, đã kéo theo nguồn thu nộp ngân sách cũng sụt giảm mạnh.

Theo ông Yên, hụt thu nặng nhất trong năm 2023 hụt thu tiền sử dụng đất với số tiền khoảng hơn 2.000 tỉ đồng (chỉ tiêu đặt ra trong năm 2023 là thu tiền sử dụng đất khoảng 3.900 tỉ đồng).

Việc hụt thu làm cho tỉnh Đắk Lắk gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện vốn đầu tư công. Sở Tài chính là cơ quan tham mưu cũng đã có nhiều cố gắng điều hành trên tinh thần tiết kiệm chi thường xuyên, sử dụng nguồn tiết kiệm chi năm 2021, nguồn tăng thu năm 2022 để bù một phần lại nguồn hụt thu của năm 2023.

Nguồn này tiết kiệm được khoảng 450 tỉ đồng chủ yếu dành bù vào nguồn giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án cao tốc Buôn Ma Thuột-Khánh Hòa.

Vẫn theo ông Yên, năm 2024, tỉnh xây dựng thu 8.500 tỉ đồng, trong đó thuế phí là 5.100 tỉ đồng (Trung ương giao 4.900 tỉ đồng), tiền sử dụng đất hơn 2.900 tỉ đồng (Trung ương giao 1.700 tỉ đồng); nguồn từ xổ số kiến thiết dự kiến cũng tăng khoảng mấy chục tỉ.

“Tôi đánh giá khả năng hoàn thành nguồn thu năm 2024 là hiện hữu”, ông Bùi Văn Yên nói.

Cần giải pháp tạo nguồn thu lâu dài

Sau khi kỳ họp lần thứ 7 của HĐND tỉnh Đắk Lắk kết thúc, người dân đã có nhiều ý kiến khác nhau. Trong bối cảnh khó khăn, tỉnh Đắk Lắk vẫn thực hiện được nguồn thu vượt chỉ tiêu Trung ương giao và nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt là điều đáng ghi nhận.

“Theo tôi lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cần phải xây dựng được một kịch bản để có nguồn thu đảm bảo, vững chắc. Không nên quá lệ thuộc nguồn thu cố định như nhà máy bia, thủy điện, đặc biệt là từ bán đất "vàng".

Khó khăn là chung của cả nước, nhưng nhìn qua tỉnh Khánh Hòa thì, tỉnh này có nguồn thu ngân sách vượt chỉ tiêu đề ra. Điều này cho thấy lãnh đạo tỉnh bạn đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng để vượt thu. Nên nhớ rằng tỉnh Khánh Hòa đã và đang xử lý rất nhiều cán bộ sai phạm, còn nặng hơn cả Đắk Lắk”, anh Nguyễn Minh Đức (ngụ TP Buôn Ma Thuột) cho hay.

Đắk Lắk.png
Ông Lê Văn Cường phát biểu tại kỳ họp lần thứ 7. Ảnh: DRT

Phát biểu tại kỳ họp lần thứ 7, ông Lê Văn Cường, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Đắk Lắk đánh giá, thu biện pháp tài chính là không ổn định lâu dài. Bởi vì, quỹ đất, nhất là đất “vàng” bán nhiều rồi cũng hết.

“Để đảm bảo thu có tính chất ổn định lâu dài đó là từ nguồn thuế. Muốn làm được điều này phải thu hút dự án đầu tư. Còn biện pháp tài chính (thu tiền sử dụng đất) chỉ là biện pháp tạm thời”, ông Lê Văn Cường nêu giải pháp.

Đắk Lắk.png
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà giải trình tại kỳ họp lần thứ 7 của HĐND tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: LDRT

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng ý kiến của ông Lê Văn Cường là hoàn toàn chính xác.

“Chúng ta cũng đã nói với nhau nhiều rồi. Những vị trí đất “vàng”, “kim cương”, “bạc” bán rồi cũng hết. Lâu dài thì vẫn là thu thuế và thu từ lệ phí. Tức là thu từ nền kinh tế, chứ không phải thu từ những tài sản mà chúng ta đang có. Thực tế, theo báo cáo thì năm 2024 cũng không có nơi nào mới cả”, ông Nguyễn Tuấn Hà nói.

Nhiều mục tiêu dự báo sẽ không đạt

Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Yên cho biết mục tiêu trong giai đoạn 5 năm (nhiệm kỳ 2021-2025, theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh), tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu thu ngân sách khoảng hơn 53.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đã trải qua 3/4 chặng đường, nhưng tỉnh mới chỉ thu được 47% kế hoạch.

“Những năm trước dịch bùng phát, tăng trưởng của tỉnh vẫn đạt đều và với mức thu 53.000 tỉ cho giai đoạn 5 năm là đạt được. Sau khi dịch bùng phát, cùng các yếu tố khác tác động như suy thoái kinh tế… nguồn thu bị chững lại. Dự báo, đến năm 2025 chỉ thu được khoảng 43.000 tỉ đồng, đạt khoảng 80% kế hoạch”, ông Bùi Văn Yên cho hay.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk nhận định, mục tiêu đề ra của tỉnh Đắk Lắk trong nhiệm kỳ 2021-2025 là tăng trưởng hơn 7%/năm. Tuy nhiên, năm nay chỉ số tăng trưởng là 4,39%, sẽ không đạt cho cả thời kỳ 2021-205. Mục tiêu chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Nhưng hiện tại tỉnh Đắk Lắk vẫn đứng ở giữa 30-33 tỉnh thành; chỉ tiêu này cũng không đạt…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm