Cải cách nhỏ, hiệu quả lớn - Bài cuối

Phó chủ tịch TP.HCM nói về 'cải cách nhỏ-hiệu quả lớn'

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến (ảnh) nói: “Lãnh đạo Thành ủy và UBND TP quyết tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và có những hành động rất cụ thể. Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP, HĐND TP đều có những kênh để lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp (DN) trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực mà người dân và DN bức xúc để kịp thời có những hành động chấn chỉnh cụ thể”.

Tiết kiệm thời gian, hạn chế nhũng nhiễu

. Phóng viên: Mới đây, theo đánh giá của VCCI về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, TP.HCM vẫn được xem là địa phương có môi trường đầu tư hấp dẫn nhất. Điều rất đáng ghi nhận là chi phí “bôi trơn” đã được kéo giảm so với trước đây. Có phải việc áp dụng các dịch vụ trực tuyến công, qua đó hạn chế dần các giao dịch tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, DN với cán bộ đã góp phần vào sự chuyển biến tích cực này?

+ Ông Trần Vĩnh Tuyến: Đúng thế, dịch vụ công trực tuyến là xu thế của một đô thị phát triển, là điều tất yếu trong xây dựng chính quyền điện tử. Điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian và hạn chế tối đa tiếp xúc giữa cán bộ, công chức với người dân và DN. Qua đó, thông tin được công khai, minh bạch, giảm phiền hà, nhũng nhiễu, thậm chí tiêu cực.

Đánh giá của VCCI vừa rồi cũng là kênh để TP lắng nghe và tham khảo. Trong 10 tiêu chí của VCCI đưa ra, có những tiêu chí có sự tiến bộ đáng mừng như chi phí không minh bạch hay còn gọi là chi phí “bôi trơn” đã có giảm, đồng thời những phiền hà, nhũng nhiễu cũng giảm.

Niềm tin của DN với TP cũng tăng lên. Minh chứng rõ ràng nhất là khi lựa chọn TP hấp dẫn đầu tư nhất thì TP.HCM vẫn là đơn vị được nhiều DN bình chọn nhất.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta đã làm tốt.

. Cụ thể thế nào, thưa ông?

+ Có nhiều vấn đề TP làm chưa tốt. Cụ thể là trách nhiệm của người đứng đầu một số nơi chưa cao, chưa quyết liệt, không xây dựng được những cơ chế kiểm soát cán bộ thừa hành. Nhiều DN đánh giá lãnh đạo, người đứng đầu thì rất nhiệt tình nhưng cấp dưới thì hầu như khó khăn.

Thực tế có tình trạng là hồ sơ của người dân và DN cứ bị trả đi trả lại nhiều lần không theo một nguyên tắc nào nhưng không có ai kiểm soát, không ai nhắc nhở, gây phiền hà, nhũng nhiễu, thậm chí tiêu cực.

. TP sẽ làm gì để chấn chỉnh điều này?

+ TP đã thành lập tổ công tác kiểm tra công vụ của cán bộ cấp cơ sở từ chuyên viên các sở/ngành đến công chức, viên chức cấp quận/huyện/phường/xã. Tổ công tác sẽ trực tiếp xuống kiểm tra đột xuất và sẽ xử lý nghiêm để răn đe nếu phát hiện có sai phạm.

Cán bộ quận Bình Thạnh hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ trực tuyến. Ảnh: VIỆT HOA

Nhân rộng mô hình tốt, tiến tới buộc phải làm

. Trở lại vấn đề áp dụng dịch vụ trực tuyến công, có thể nói lợi ích nó mang lại là rất nhiều. Tuy nhiên, sau một năm triển khai, tỉ lệ sử dụng dịch vụ này chỉ chiếm 1%-2%. Đó là do người dân chưa mặn mà hay cơ quan nhà nước làm chưa tốt?

+ Nguyên nhân đầu tiên là do khâu tuyên truyền còn yếu. Các hoạt động tư vấn, hướng dẫn cho người dân và DN biết về các tiện ích của dịch vụ công trực tuyến chưa được triển khai đồng bộ. Nếu quận/huyện làm đồng bộ thì sẽ nhanh và hiệu quả hơn.

Trước vấn đề này, TP.HCM cũng đã chỉ đạo các sở/ngành, quận/huyện tổ chức các tổ tư vấn trực tiếp tại 322 phường/xã trên địa bàn TP để người dân và DN được biết.

Thứ hai là chưa pháp lý hóa bằng quy chế để bắt buộc phải làm đối với sở/ngành, quận/huyện. Đồng thời, phải đưa vào tiêu chuẩn đánh giá thi đua để các đơn vị đều phải thực hiện. Vấn đề này TP cũng đã chỉ đạo Sở Nội vụ soạn thảo và sẽ làm quyết liệt.

Bên cạnh đó, muốn có chính quyền điện tử phải có công dân điện tử, tuy nhiên hiện nay mặt bằng chung của người dân về trình độ công nghệ thông tin chưa đồng đều. Để có sự thuần thục, nhuần nhuyễn và phát huy hiệu quả cao nhất thì đòi hỏi rất nhiều thời gian nhưng dù sao cũng phải bắt đầu từ bây giờ. Vì đây là một trong những giải pháp căn bản nhất để xây dựng chính quyền phục vụ dân.

. Một số quận đã chủ động trong việc áp dụng dịch vụ trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, DN và phát huy hiệu quả khá tốt. Tuy nhiên, mỗi nơi còn làm một kiểu. Tới đây TP có chọn ra những mô hình tốt nhất để áp dụng, vừa nhân rộng và cũng để tránh lãng phí không?

+ Cái yếu của ta là làm không đồng bộ, hiện nay chưa có dịch vụ công trực tuyến nào được triển khai trên toàn 24 quận/huyện. Ngoài ra, còn chậm nhân rộng những mô hình làm tốt như tại quận 1, 3, 8, Bình Thạnh. Có thể thấy những nơi nào mà giám đốc sở/ngành hoặc chủ tịch quận/huyện quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin thì dịch vụ rất tốt. TP đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị có liên quan phải làm quyết liệt trong thời gian tới.

TP cũng đã giao Sở TT&TT hằng tháng phải chủ trì giao ban với các sở/ngành, quận/huyện để lắng nghe các đơn vị báo cáo. Trên cơ sở đó, chọn và thẩm định những mô hình hiệu quả nhất để xem xét nhân rộng cho tất cả các quận/huyện còn lại. Đây là điều bắt buộc, vì không nhân rộng thì sẽ rất lãng phí ngân sách. Nếu không nhân rộng được thì Sở TT&TT,  lãnh đạo của các sở/ngành và chủ tịch của các quận/huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND TP.

. Xin cám ơn ông.

Chấm dứt gửi công văn bằng văn bản giấy

TP.HCM đang thực hiện kế hoạch liên thông nội bộ, theo đó hiện nay đã chấm dứt thư mời bằng giấy, tiết kiệm được rất nhiều chi phí và thời gian đi lại.

Trong tháng 4, TP cũng sẽ chính thức ban hành chữ ký điện tử liên thông trong nội bộ từ TP đến các sở/ngành và các địa phương. Trong vòng hai tháng sau sẽ chấm dứt việc gửi văn bản lấy ý kiến qua lại lẫn nhau giữa các đơn vị. Thay vì cách làm thủ công như hiện nay, khi có chữ ký điện tử, mỗi sở/ngành, quận/huyện đều được cấp mã số. Văn bản điện tử gửi đến, chỉ cần xác nhận bằng chữ ký điện tử (mã số) là xong. Trước đây, văn bản từ sở này tới sở kia có khi phải mất năm ngày mới tới, khi có chữ ký điện tử thì chỉ mất vài phút là đến ngay.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM TRẦN VĨNH TUYẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm