Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, về hồ sơ chủ trương đầu tư dự án bến cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn - cảng Cần Giờ.
Theo đó, lãnh đạo Chính phủ giao Bộ GTVT, UBND TP.HCM và các bộ, ngành liên quan thẩm định hồ sơ dự án trên đảm bảo chặt chẽ, đầy đủ, đúng thẩm quyền.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chính quyền Thành phố hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư đề xuất dự án nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến bằng văn bản và ý kiến phát biểu tại cuộc họp diễn ra vào cuối tháng 8-2024 của các Bộ, cơ quan. Từ đó, các bên liên quan bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề xuất theo quy định pháp luật.
Khi nhận được hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành thẩm định, trình Thủ tướng xem xét, quyết định trong tháng 9-2024.
Trong đó, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quá trình thẩm định phải chỉ rõ các điều kiện, mục tiêu và yêu cầu về đầu tư, khai thác cảng Cần Giờ, trong đó tập trung xác định các yếu tố cho giai đoạn 5 năm tới. Song song đó, việc đầu tư xây dựng cảng Cần Giờ chỉ thực hiện khi đáp ứng yêu cầu vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thêm vào đó, dự thảo quyết định chủ trương đầu tư trình Thủ tướng phê duyệt phải tuân thủ quy định pháp luật, bảo đảm lựa chọn được nhà đầu tư có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm trong việc đầu tư xây dựng, khai thác, phát triển cảng đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới.
Việc đầu tư phát triển cảng cũng được Thủ tướng lưu ý đảm bảo phân kỳ hợp lý cho từng giai đoạn, phù hợp với quy hoạch cảng biển và nhu cầu theo kết quả dự báo hàng hóa thông qua cảng. Cạnh đó, hồ sơ phải thể hiện đầy đủ định hướng các khu chức năng chính của cảng, trường hợp cần thiết có thể mời đơn vị tư vấn nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm tham gia tư vấn.
Thêm vào đó, việc xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án kiên quyết không “hy sinh” môi trường, chỉ rõ khu vực, diện tích cần chuyển mục đích sử dụng rừng ở đâu, tác động thế nào?.
“Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Ngoại giao phải nêu ra đầy đủ, cụ thể và có chính kiến rõ ràng liên quan đến tác động của môi trường đến dự án…” - Phó Thủ tướng lưu ý.
Cuối tháng 8-2024, Bộ GTVT gửi Thủ tướng kết quả thẩm định đề án nghiên cứu xây dựng cảng Cần Giờ (TP.HCM). Đây là bước quan trọng để cấp thẩm quyền xem xét thông qua chủ trương xây dựng dự án cảng biển trung chuyển lớn nhất Việt Nam này.
Theo Bộ GTVT, tại hai cuộc họp vào tháng 6 và tháng 8 vừa qua, tất cả thành viên hội đồng thẩm định đều thống nhất về sự cần thiết lập đề án và bỏ phiếu thông qua đề án.
Đối với việc nhận diện sơ bộ tác động môi trường, Bộ GTVT cho biết do dự án đang ở bước lập đề án, nên Bộ GTVT cơ bản thống nhất về việc chỉ xây dựng nội dung nhận diện sơ bộ tác động môi trường.
Tuy nhiên, Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận, nên tại các bước tiếp theo, Bộ GTVT đề nghị UBND TP.HCM nghiên cứu, nhận diện, đánh giá đầy đủ, toàn diện và đề xuất các giải pháp cụ thể để thực hiện đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, hệ sinh thái. Ngoài ra, phát triển khu bến cảng Cần Giờ cần đảm bảo yêu cầu về cảng biển xanh, giảm phát thải, thân thiện với môi trường…
Theo đề án do TP.HCM lập, cảng trung chuyển Cần Giờ được đề xuất đặt tại khu vực cù lao Phú Lợi, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ.
Cảng có tổng chiều dài mặt sông là 7,2 km, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay 24.000 Teus.
Tổng mức đầu tư dự kiến gần 5,4 tỉ USD. Dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn, dự kiến hoàn thành vào năm 2045. Trong đó, giai đoạn 1 dự án sẽ xong vào năm 2027.
Đây là dự án do Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn (đơn vị thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - VIMC) và Terminal Investment Limited Holding S.A-TIL (đơn vị thành viên của hãng tàu biển lớn bậc nhất thế giới là Mediterranean Shipping Company – MSC) đề xuất.