Ngày 11-8, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã có chuyến công tác, thị sát, kiểm tra tình hình sạt lở bờ biển ở hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.
Sau khi đi thực tế các điểm sạt lở bờ biển ở xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau và khu vực sạt lở ven đê biển Đông tỉnh Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã có buổi làm việc với lãnh đạo hai tỉnh này.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu đã báo cáo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang về thực trạng sạt lở đáng báo động. Cả hai tỉnh trong năm nay đều đã có công bố tình trạng khẩn cấp, tình huống khẩn cấp về thiên tai.
Thiệt hại do thiên tai tại hai tỉnh này đã lên hàng chục tỷ đồng, trong khi hai tỉnh đều không đủ kinh phí để thực hiện khắc phục hậu quả, phòng chống thiên tai.
Sạt lở nghiêm trọng ở Cà Mau
Theo ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, tổng chiều dài các đoạn bờ biển sạt lở đặc biệt nguy hiểm và sạt lở nguy hiểm trên địa bàn tỉnh này là 83,85km. Trong đó, bờ biển Tây đang bị sạt lở nguy hiểm dài 22 km, bờ biển Đông đang bị sạt lở ở mức độ đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 61,85 km.
Trên địa bàn tỉnh Cà Mau có đến 355 điểm sạt lở bờ sông, trong đó, có đến 82 điểm sạt lở nghiêm trọng với tổng diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng lên đến 3.724 ha.
Tổng chiều dài các đoạn bờ sông, rạch bị sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở khoảng 425/8.118 km, trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm khoảng 120 km, chủ yếu xảy ra ở các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân, Cái Nước, Đầm Dơi.
Sạt lở đã làm hư hỏng, sụp đổ xuống sông gần 28km lộ giao thông, 334 căn nhà, có nguy cơ ảnh hưởng đến khu vực có diện tích hơn 3.700ha bao gồm nhà cửa, tài sản của người dân và nhiều hạ tầng quan trọng khác. Tổng thiệt hại sạt lở đã gây ra cho tỉnh ước gần 1.120 tỷ đồng.
Riêng mùa khô năm 2023-2024, vùng ngọt hoá tỉnh Cà Mau có trên 700 điểm sạt lở, gần 20 km đường giao thông nông thôn bị sụt lún, trên 2.600 hộ gia đình gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, ước tổng thiệt hại về tài sản trên 28 tỷ đồng. Tỉnh Cà Mau đã công bố thiên tai mức độ 2 tại vùng ngọt hoá huyện U Minh và Trần Văn Thời.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét các đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách, làm cơ sở để các địa phương thực hiện về hợp tác đầu tư trong xây dựng công trình phòng, chống sạt lở ven biển. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng xem xét cho phép tỉnh sử dụng nguồn kết dư từ Chương trình nguồn phục hồi kinh tế - xã hội và nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 để tiếp tục đầu tư kè phòng, chống sạt lở tại những vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Với bối cảnh sạt lở như trên, tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí để khắc phục sạt lở bờ biển khoảng 1.693 tỷ đồng, hỗ trợ khắc phục hậu quả sạt lở bờ sông khoảng 684 tỷ đồng; Hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng tại vùng ngọt khoảng 200 tỷ đồng và đầu tư hệ thống nước nối mạng khoảng 241 tỷ đồng.
Bạc Liêu cần thực hiện 5 dự án cấp bách
Về phía tỉnh Bạc Liêu, theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh, trong vòng 10 năm qua, hầu như năm nào cũng xảy ra các vụ sạt lở và sụt lún đất tại các khu vực ven bờ sông và đê biển Đông. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 38 đợt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài gần 3,5 km. Các đợt sạt lở đã làm thiệt hại 126 căn nhà, gần 300 căn nhà bị ảnh hưởng, ước tổng kinh phí thiệt hại hơn 23,5 tỷ đồng. Đáng lưu ý là trong năm 2023 và từ đầu năm 2024 đến nay, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra nghiêm trọng hơn.
Qua thống kê đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 77 khu vực sạt lở bờ sông, 6 khu vực sạt lở bờ biển, tổng chiều dài sạt lở gần 600 km và tỉnh đã xác định có 50 danh mục dự án, công trình cần đầu tư đến năm 2030, với tổng nguồn kinh phí dự kiến là 28.000 tỷ đồng. Đây là giải pháp mà tỉnh đề ra để khắc phục trước mắt cũng như lâu dài.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu kiến nghị trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí cho Bạc Liêu để thực hiện dự án đầu tư với 5 khu vực sạt lở xung yếu, cấp bách và phòng chống triều cường, bảo vệ sản xuất, với tổng chiều dài gần 80 km.
Cụ thể: Dự án xây dựng đoạn kè G6, địa bàn thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, chiều dài 3 km; Dự án xây dựng kè bờ sông Cà Mau - Bạc Liêu khu vực thị xã Giá Rai, chiều dài 5 km; Dự án xây dựng kè 02 bên bờ kênh 30/4 thuộc Phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, chiều dài 5,2 km; Dự án Xây dựng hệ thống đê sông và công trình để phòng chống triều cường cho 5 xã phía Tây huyện Đông Hải, chiều dài đê sông 66 km; Dự án xây dựng kè bảo vệ đoạn đê giáp ranh Sóc Trăng để phòng chống sạt lở, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, chiều dài tuyến kè 474 m…
Tỉnh Bạc Liêu cần hơn 3.4000 tỷ đồng để thực hiện 5 dự án cấp bách như kè sông, đê, tái định cư.
Theo lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, đây là 5 dự án tại khu vực sạt lở xung yếu, cấp bách và phòng chống triều cường, bảo vệ sản xuất...mà tỉnh Bạc Liêu đang rất cần sự hỗ trợ từ Trung ương để sớm tiến hành đầu tư xây dựng, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản và bảo vệ đời sống của nhân dân trong khu vực.
Di dời người dân ở vùng sạt lở, chăm lo sinh kế
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, chia sẻ khó khăn với các địa phương đang đối mặt với những thiên tai như sạt lở, sụt lún...
Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, khu vực ĐBSCL được đánh giá là khu vực nhạy cảm, dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, cần phải tính tổng thể, căn cơ, bền vững, lâu dài, đồng bộ cả Trung ương và địa phương.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng yêu cầu phải dự báo tình hình sạt lở càng sớm càng tốt, chính xác sẽ có giá trị. Việc này không tốn nhiều tiền nhưng nếu làm không tốt sẽ rất thiệt hại, kể cả sinh mạng của người dân.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý việc di dời người dân ở vùng sạt lở, nguy cơ là cấp thiết, bên cạnh đó là chăm lo sinh kế.
Trước kiến nghị hỗ trợ kinh phí của Cà Mau và Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các Bộ, ngành trung ương làm đúng nguyên tắc, trong đó xếp thứ tự ưu tiên dự án nào cấp bách hơn thì làm trước.