Phòng chống tham nhũng (PCTN) thường là chủ đề nóng trên diễn đàn Quốc hội (QH) nhưng ở kỳ họp thứ hai, QH khóa XV này, không nhiều đại biểu QH đăng đàn. Và phần thảo luận về chủ đề này, cùng các vấn đề khác thuộc báo cáo lĩnh vực tư pháp, thi hành án, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2021 tại phiên họp toàn thể của QH kết thúc gọn trong một buổi sáng, thay vì cả ngày Chủ nhật (24-10) như chương trình làm việc.
Nhưng điều ấy không có nghĩa là cuộc chiến với “giặc nội xâm” đang hạ nhiệt.
Theo con số trong báo cáo của Chính phủ, đã được Ủy ban Tư pháp của QH thẩm tra, trong năm đầu tiên chuyển tiếp của nhiệm kỳ bộ máy nhà nước, cơ quan điều tra hình sự công an các cấp - lực lượng chính xử lý theo tố tụng tội phạm tham nhũng đã khởi tố mới 310 vụ, 665 bị can, tăng 20 vụ, 49 bị can so với kỳ báo cáo năm trước.
Kỳ báo cáo năm trước thuộc về năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Con số ở kỳ báo cáo ấy cho thấy dù tập trung vào công tác chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc, công tác PCTN vẫn được đẩy mạnh, với số vụ tham nhũng được phát hiện tăng so với năm trước nữa, cả về vụ và bị can.
Các con số trong sự so sánh ấy cho thấy đặt cùng với kết quả bảy kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các quyết định của Ban bí thư, Ban chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật nghiêm khắc với hàng loạt quan chức, tướng lĩnh thì có thể khẳng định: Ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ Đại hội XIII, công tác PCTN đã được Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ.
Công tác ấy gắn liền với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà Hội nghị Trung ương 4 của ba nhiệm kỳ đại hội liên tiếp bàn tới, đúng như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: Không dừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Công tác ấy dưới sự dẫn dắt của người đứng đầu - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, sự ủng hộ, thống nhất cao của Ban chấp hành Trung ương, ngay từ năm đầu nhiệm kỳ này đi vào chiều sâu hơn. Không chỉ PCTN theo pháp luật mà còn cả phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Công cuộc ấy nhấn mạnh yêu cầu nêu gương của đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, mà cao nhất là các ủy viên trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban bí thư. Đặt yêu cầu ấy bên cạnh quy định những điều đảng viên không được làm vừa được Hội nghị Trung ương 4 sửa đổi, bổ sung thì càng thấy rõ nguyên tắc: Đối với đảng viên, quy định của Đảng cao hơn pháp luật của Nhà nước. Đã vào Đảng là phải chấp hành, phục tùng tổ chức.
Quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước là căn cứ, là khuôn khổ vận hành của công tác PCTN, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhìn vào các đầu mục công tác hoàn thiện thể chế thì thấy trong thời gian tới chưa có nhiều thay đổi.
Đợi chờ nhất và có thể được ban hành sớm, có thể là quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực PCTN, do Bộ Chính trị ban hành, tương tự như quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, đã ban hành năm 2019.
Ngoài ra, để triển khai một cách đầy đủ Luật PCTN năm 2018, Bộ Chính trị có thể phải ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong kiểm soát tài sản, thu nhập. Có như vậy kiểm soát tài sản thu nhập - phần mới nhất của Luật PCTN năm 2018 so với Luật PCTN trước đó, mới có thể vận hành.
PCTN những năm tới, dù quan điểm là không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ thì sẽ tiếp tục là một quá trình tiệm tiến. Bởi những cơ chế, những vấn đề lớn được kỳ vọng tạo đột phá thì vẫn cần phải có quá trình nghiên cứu, chuẩn bị thận trọng.
Đó là việc nghiên cứu mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách PCTN mà Ban Nội chính Trung ương đang chủ trì. Là ba đề án nghiên cứu vấn đề như xử lý hình sự về hành vi làm giàu bất hợp pháp; đánh giá chuyên sâu về cơ chế thực thi, điều kiện đảm bảo thi hành, tính khả thi và hiệu quả thực hiện của cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội, đảm bảo phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; khả năng quy định trách nhiệm chứng minh của đối tượng nghi vấn phạm tội trong việc chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản - cả ba do Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu.
Tất cả đề án nghiên cứu ấy dù phức tạp, mới mẻ thì cũng còn rất nhỏ nếu đặt cạnh đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 mà Chủ tịch nước được Bộ Chính trị giao làm trưởng ban chỉ đạo, mà nếu suôn sẻ, phải tới Hội nghị Trung ương 6, tháng 10-2022 mới xem xét, thông qua.