Phụ nữ có bị xử tội giao cấu với trẻ em không?

(PLO)- Vụ việc một phụ nữ có con khi chồng chỉ mới hơn 13 tuổi, xảy ra từ hơn 14 năm trước đã đặt ra các vấn đề pháp lý về chủ thể tội phạm cũng như thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trên số báo ngày 21-4, Pháp Luật TP.HCM đã đăng tải bài viết “Sinh con khi chồng chỉ mới hơn 13 tuổi: Có xử hình sự người vợ?” của tác giả Sông Ba, đây là một vụ giao cấu với trẻ em mà nạn nhân là nam, chỉ mới hơn 13 tuổi.

Hiện nay, các cơ quan tố tụng vẫn đang xem xét hồ sơ và cân nhắc việc có xử lý hình sự người vợ này về tội giao cấu với trẻ em hay không.

Còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Theo TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM: Thời điểm anh T và chị N có con chung vào năm 2008 thì hành vi của chị N có dấu hiệu của tội giao cấu với trẻ em theo Điều 115 BLHS năm 1999.

Tranh cãi về việc có xử lý hình sự người vợ trong vụ “sinh con khi chồng chỉ mới hơn 13 tuổi” hay không.
Tranh cãi về việc có xử lý hình sự người vợ trong vụ “sinh con khi chồng chỉ mới hơn 13 tuổi” hay không.

Hiện nay, hành vi phạm tội này được quy định tại Điều 145 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, mức hình phạt của tội này tại Điều 145 BLHS năm 2015 không khoan hồng hơn so với Điều 115 BLHS năm 1999 nên theo nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội thì phải áp dụng luật tại thời điểm thực hiện tội phạm, tức BLHS năm 1999.

Về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS), TS Tuấn nhận định nếu cơ quan tiến hành tố tụng xác định đây là trường hợp phạm tội tại khoản 1 Điều 115 BLHS năm 1999 có mức cao nhất của khung hình phạt là năm năm tù thì đây là tội phạm nghiêm trọng.

Theo b khoản 2 Điều 23 BLHS năm 1999 (hiện BLHS năm 2015 cũng quy định tương tự) thì thời hiệu truy cứu TNHS đối với tội phạm nghiệm trọng là 10 năm. Đến thời điểm hiện nay là năm 2022 thì hành vi phạm tội nêu trên đã hết thời hiệu truy cứu TNHS.

Tuy nhiên, TS Tuấn cũng cho biết việc xác định hết thời hiệu truy cứu TNHS nêu trên chỉ đúng khi có đủ hai yếu tố.

Một là, tại thời điểm quan hệ tình dục để sinh con thứ hai, anh T đã trên 16 tuổi.

Hai là, các cơ quan chức năng không chứng minh được sau khi sinh con thứ nhất, giữa anh T và chị N tiếp tục có quan hệ tình dục với nhau.

Ngược lại, sau khi sinh con thứ nhất, nếu giữa anh T và chị N tiếp tục quan hệ tình dục thì thời hiệu truy cứu TNHS sẽ được tính lại kể từ ngày hai bên phát sinh quan hệ tình dục lần cuối trước khi anh T đủ 16 tuổi.

Bởi khoản 3 Điều 23 BLHS năm 1999 quy định thời hiệu truy cứu TNHS được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn truy cứu TNHS, người phạm tội lại phạm tội mới được BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên một năm tù thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày phạm tội mới.

Chủ thể các tội phạm về tình dục có thể là nữ?

Ông Huỳnh Minh Khánh, cán bộ TAND huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, cho biết: Thông thường các loại tội phạm về tình dục như hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em thì người thực hiện hành vi phạm tội đều là nam giới. Nhưng trong vụ việc nói trên thì người thực hiện hành vi (chị N) lại là phụ nữ nên các cơ quan chức năng còn lúng túng trong việc áp dụng pháp luật.

Sở dĩ có quan điểm người phạm tội tình dục chỉ là nam giới vì xuất phát từ hướng dẫn của TAND Tối cao về đường lối xét xử của loại tội hiếp dâm từ năm 1967.

Từ đó đến nay, theo lối mòn tư duy và tiền lệ trước đó, cũng như từ thực tiễn xét xử (đều xét xử nam hiếp dâm nữ) nên mọi người đều mặc nhiên thừa nhận chủ thể của tội hiếp dâm là nam giới.

Bản tổng kết của TAND Tối cao số 329/HS2 ngày 11-5-1967 đã đề cập đến khái niệm “giao cấu” như sau: “Giao cấu chỉ cần có sự cọ xát trực tiếp dương vật vào bộ phận sinh dục của người phụ nữ (bộ phận từ môi lớn trở vào) với ý thức ấn vào trong không kể sự xâm nhập của dương vật là sâu hay cạn, không kể có xuất tinh hay không là tội hiếp dâm được coi là hoàn thành, vì khi đó nhân phẩm, danh dự của người phụ nữ đã bị chà đạp”.

Như vậy, khái niệm về giao cấu tại thời điểm năm 1967 đã mặc nhiên thừa nhận người bị hại trong tội hiếp dâm đều là phụ nữ nên người phạm tội bắt buộc phải là nam giới.

Tương tự tội hiếp dâm, tội giao cấu với trẻ em cũng không thoát khỏi lối mòn tư duy đó nên trong trường hợp của chị N và anh T đã nêu còn xuất hiện quan điểm trái chiều.

Tuy nhiên, các quy định của BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015, cũng như hướng dẫn tại Nghị quyết 06/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đều không loại trừ người phạm tội là phụ nữ. Các điều luật đều xác định người phạm tội là “người nào”.

Do vậy, phụ nữ cũng có thể là chủ thể của các tội phạm về tình dục, trong đó có tội giao cấu với trẻ em tại BLHS năm 1999.

Vụ việc xảy ra từ 14 năm trước

Chị N (sinh năm 1990) và anh T (sinh năm 1995) đăng ký kết hôn vào năm 2014 theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, trước khi kết hôn, hai người có hai con chung là LKT (sinh năm 2008) và LHT (sinh năm 2012), đến năm 2021 thì sinh thêm bé LTK.

Đến ngày 18-2-2022, hai bên thuận tình ly hôn theo quyết định của TAND huyện H, tỉnh Phú Yên. Chị N trực tiếp nuôi ba con.

Qua công tác kiểm sát giải quyết việc ly hôn giữ chị N và anh T, kiểm sát viên phát hiện lúc hai người có con chung đầu lòng là bé LKT (sinh ngày 20-10-2008) thì anh T mới hơn 13 tuổi, còn chị N đã 18 tuổi.

Vụ việc làm phát sinh những tranh cãi về việc chị N có phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giao cấu với trẻ em hay không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm