Phương Nga im lặng - phép thử cho tòa

Nó gay cấn đến độ tính cho đến ngày mai (26-6) người ta vẫn chưa biết cái nút thắt bí mật mà bị cáo Nga đang nắm giữ có được tháo gỡ, vỡ òa, hay nó vẫn cứ từng bước lên nấc thang mới của cao trào. Phần lớn kịch tính của vụ án này nằm ở chỗ: Bị cáo Nga đã sử dụng quyền im lặng.

Thật ra chuyện bị cáo ra tòa “im như thóc” không phải là điều mới mẻ ở chốn pháp đình. Nhưng im lặng mà nói rõ ra là tôi im lặng, tôi đang sử dụng quyền im lặng như bị cáo Nga thì có lẽ đây là trường hợp lần đầu. Và đặc biệt, lần đầu tiên người ta nghe một bị cáo - chứ không phải là luật sư - nói rành rọt trước tòa: Nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng!

Đã có người bình luận rằng đồng ý bị can, bị cáo có quyền sử dụng quyền im lặng (mà bốn điều luật trong BLTTHS 2015 đã cụ thể hóa) nhưng là ở giai đoạn điều tra; còn khi ra tòa bị cáo nên khai báo, tranh luận để bảo vệ sự vô tội (nếu có) của mình. Trước tòa, nếu anh im lặng là anh đã khước từ quyền (và cơ hội) được nói ra sự thật để bảo vệ mình, tức gián tiếp anh gây bất lợi cho mình…

Tuy nhiên, cũng có nhiều người, nhất là các luật sư, lại cho rằng bị cáo Nga làm vậy là đúng, là tốt, là bảo vệ mình một cách hữu hiệu. Bởi anh bảo tôi có tội thì anh phải chứng minh, tôi có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh sự vô tội của tôi, như Hiến pháp và BLTTHS đã minh định. Đó là chưa nói biết đâu quá trình khai báo tại tòa, vô tình bị cáo nói hớ, tạo tình huống bất lợi cho chính bản thân mình thì “toi”…

Lý lẽ, lập luận nào cũng hợp lý, cũng đúng với quy định của pháp luật hiện hành. áp trong vụ án này, có lẽ người biết rõ nhất cái nào lợi, cái nào hại cho bản thân mình trong việc “mở miệng” hay im lặng, đó chính là bị cáo Nga.

Vậy người tiến hành tố tụng (và luật sư) phải làm gì khi bị cáo im lặng? Thì làm theo luật chứ còn biết làm gì! Nghĩa là ai buộc tội thì phải “ráng” dùng các biện pháp mà pháp luật cho phép để chứng minh bị cáo có tội bằng những nguồn chứng cứ khác; ai gỡ tội thì tìm bằng chứng, lập luận gỡ tội; còn tòa án thì căn cứ vào chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và tại tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng của hai bên buộc và gỡ tội để ra phán quyết…

Nói theo luật thì đơn giản như vậy nhưng thực tiễn thì phức tạp vô cùng. Và nếu không đủ chứng cứ chứng minh bị cáo có tội thì tòa án phải tuyên vô tội, như BLTTHS quy định. Nhưng điều quan trọng là từ vụ án này có thể sẽ mở ra một tiền lệ thú vị: Trong tiến trình tố tụng, có thể bị can, bị cáo sẽ sử dụng quyền im lặng của mình một cách tuyệt đối. Khi đó cơ quan buộc tội sẽ phải vất vả hơn nhiều trong việc chứng minh tội phạm, ngay cả khi họ nắm trong tay nhiều chứng cứ khác chống lại bị can, bị cáo. Nó cũng là phép thử, là thử thách cho việc tòa mạnh dạn áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội khi ra phán quyết thấu lý đạt tình. Và như vậy đây cũng là dấu hiệu tích cực cho tiến trình cải cách tư pháp khi chúng ta tiệm cận với những nguyên tắc tố tụng tiến bộ mang tính phổ quát, được luật hóa trong BLTTHS 2015.

Trở lại vụ án hoa hậu Phương Nga, tại phiên tòa, luật sư đã công bố hai bản khai của người bị hại Cao Toàn Mỹ và bị cáo Nga giống nhau như “sinh đôi”, từ dấu chấm, dấu phẩy đến câu cú trả lời. Sự trùng hợp này khiến người viết nhớ lại vụ án võ sư Nguyễn Văn Vạn cách đây hơn 15 năm về trước. Đó là lời khai của bốn nhân chứng nói về sự ngoại phạm của võ sư Vạn (không có mặt tại hiện trường lúc vụ án xảy ra) cũng giống nhau đến kỳ lạ. Đây chính là một trong những lý do khiến tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Nhờ đó cơ quan tố tụng sau đó chứng minh được võ sư Vạn đã chủ mưu giết người…

Phải chăng trong vụ án Phương Nga, sự thật cũng sẽ được phơi bày từ sự giống nhau kỳ lạ giữa hai lời khai của bị cáo và người bị hại! Chúng ta chờ xem kết quả phiên tòa sắp tới để củng cố thêm niềm tin rằng: Mọi sự sắp xếp, đạo diễn (nếu có) trong tố tụng hình sự cuối cùng sẽ bị vạch trần.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm