Phương Tây làm áp lực, Trung Quốc tăng 'ngoại giao chiến lang'

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 5-4 (giờ địa phương), Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc (TQ) Vương Nghị tuyên bố cứng rắn rằng nước này sẽ không lùi bước và “bình tĩnh đối phó mà không sợ hãi” nếu Mỹ muốn đối đầu. Bắc Kinh cũng sẽ không chấp nhận chuyện Mỹ đưa ra một loạt yêu sách, theo tờ South China Morning Post.
Theo giới chuyên gia, phát biểu của ông Vương là một dấu hiệu nữa cho thấy giới lãnh đạo TQ đã bắt đầu quay lại chiến lược “ngoại giao chiến lang” - từng bị chỉ trích kịch liệt khi xuất hiện hồi năm ngoái. Diễn biến này xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng giữa TQ với Mỹ nói riêng và với phương Tây nói chung tăng cao sau thất bại của cuộc đối thoại Mỹ-Trung ở Alaska hồi giữa tháng 3 và các đòn trừng phạt qua lại những tuần gần đây.
TQ bây giờ không phải là TQ của 120 năm trước. Người TQ không dễ nổi nóng nhưng nếu đã nổi nóng, họ rất khó kiểm soát. Hơn nữa, nhìn vào bản đồ thế giới sẽ thấy TQ có nhiều bạn bè trên toàn thế giới. Vì vậy, chúng tôi không hề lo lắng trước các đòn công kích của phương Tây.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ HOA XUÂN OÁNH 
Diện mạo mới của “ngoại giao chiến lang”
Theo tờ Asia Times, so với đợt triển khai năm ngoái, trong lần tái xuất chiến lược này, các quan chức ngoại giao TQ đã đẩy mức độ quyết liệt lên tầm cao hơn, sẵn sàng sử dụng từ ngữ mạnh, đôi lúc thiếu tính ngoại giao cần thiết để đáp trả các chỉ trích và cáo buộc từ phương Tây.
Tuần trước, Tổng lãnh sự TQ tại TP Rio de Janeiro (Brazil) Li Yang bất ngờ đăng trên Twitter dòng trạng thái chỉ trích Thủ tướng Canada Justin Trudeau đang “phá hủy quan hệ hữu nghị TQ-Canada” khi cứ “như con cún chạy theo Mỹ” và không chịu thả Giám đốc tài chính của Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu. Dòng trạng thái với nội dung này sẽ không quá gây tranh cãi nếu tác giả chỉ là một cư dân mạng bình thường. Tuy nhiên, người viết lại là một quan chức ngoại giao TQ và ông này thậm chí đang công tác ở Brazil.
Trả lời phỏng vấn của Asia Times, một quan chức giấu tên phụ trách vấn đề văn hóa tại Đại sứ quán TQ ở Mexico cho rằng đây có thể là lần đầu tiên một quan chức ngoại giao TQ sử dụng ngôn ngữ gay gắt như vậy để công kích một lãnh đạo nước ngoài.
“Ngôn từ của ông Li chắc chắn là rất không phù hợp trong công tác ngoại giao. Tuy nhiên, cũng nên nhìn lại là giới quan chức ngoại giao TQ cũng chịu áp lực rất lớn từ dư luận trong nước muốn họ phải thật thẳng thắn và cứng rắn với phương Tây” - theo quan chức này. Ông còn kể thêm rằng trong quá khứ, một số người dân TQ thậm chí còn gửi những viên bổ sung canxi tới các quan chức bị cho là không đủ mạnh mẽ trong bảo vệ lợi ích quốc gia để “nắn xương sống” họ.
Trước vụ ông Li, Ủy viên Bộ Chính trị TQ Dương Khiết Trì khi tham gia đối thoại Alaska với Mỹ từng tuyên bố: “Mỹ không đủ tư cách để nói chuyện với TQ một cách trịch thượng, người dân TQ sẽ không chấp nhận thái độ như vậy” lúc phái đoàn hai bên tranh cãi về các vấn đề nhạy cảm như Hong Kong, Đài Loan, Tân Cương và Tây Tạng.
Nên hiểu “ngoại giao chiến lang” mới như thế nào?
Hãng tin AFP bình luận giọng điệu các quan chức ngoại giao TQ đã thay đổi rõ rệt dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, so với triết lý của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình trước đó là “giấu mình, chờ thời”. Triết lý này được ông Đặng đề ra vào giai đoạn cuối thế kỷ 20, khi TQ vừa bắt đầu cải cách kinh tế, đề cao phương châm “bình tĩnh quan sát, giữ vững trận địa, bình tĩnh ứng phó, giấu mình chờ thời”.

Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì (giữa) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (trái) tại đối thoại Trung-Mỹ ở TP Anchorage, bang Alaska (Mỹ) ngày 18-3. Ảnh: AFP

“Bắc Kinh đang tận dụng sự thiếu ổn định của môi trường quốc tế để thách thức trật tự thế giới hiện tại. Mặt khác, với việc TQ quyết liệt chỉ trích phương Tây trên mặt trận ngoại giao như hiện nay, có lẽ ông Tập và các cộng sự của ông hoặc đã quên, hoặc quá tự tin vào thực lực TQ mà không còn làm theo tầm nhìn của ông Đặng nữa” - tờ The Bangkok Post dẫn quan điểm của TS Zhao Alexandre Huang thuộc ĐH Gustave Eiffel (Pháp).

Một số chuyên gia lại có nhận định khác hơn khi cho rằng giới lãnh đạo TQ dường như theo đuổi mục tiêu thực dụng hơn. Theo chuyên gia Fang Kecheng thuộc ĐH Trung văn Hong Kong (TQ), việc tái sử dụng “ngoại giao chiến lang” dường như để chiều theo làn sóng chủ nghĩa dân tộc trong nước, giống những gì quan chức ngoại giao TQ ở Mexico ở trên đã mô tả.
Ông Fang cho rằng “các thông điệp tuyên truyền rằng TQ đang bị phương Tây “bắt nạt” lại thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ từ người dân và thúc đẩy tinh thần bài phương Tây tăng cao”. Theo ông, “đây mới là lợi ích lớn nhất mà Bắc Kinh muốn nhắm tới - đoàn kết dân tộc cùng chống lại sức ép từ bên ngoài”.
Tuy nhiên, ông Fang nói thẳng rằng ông “không nghĩ ngoại giao chiến lang có hiệu quả trong việc xây dựng hình ảnh của TQ vì nó mang tính đối đầu không cần thiết. Còn theo TS Chong Ja Ian thuộc ĐH quốc gia Singapore, dù là TQ có dụng ý gì khi tiến hành “ngoại giao chiến lang”, phô diễn sức mạnh và đe dọa trả đũa thì cũng khó có thể tránh khỏi hậu quả là nước này đã dẫn tới căng thẳng không đáng có với phương Tây và khiến các nước đang muốn hợp tác kinh tế với TQ phải e dè.•

Theo South China Morning Post, cụm từ “chiến lang” trong “ngoại giao chiến lang” thực chất là tên một chuỗi phim hành động yêu nước bom tấn tại TQ với cốt truyện có nhiều nhân vật chính mang sứ mệnh chiến đấu với kẻ thù cả trong và ngoài nước để bảo vệ các lợi ích TQ. Bộ phim đầu tiên ra mắt công chúng vào năm 2015.

Phần tiếp theo được công chiếu năm 2017. Cốt truyện phần 2 xoay quanh một nhóm binh sĩ TQ được gửi tới một nước châu Phi để giải cứu công dân nước này gặp nạn. Thông điệp xuyên suốt hai phần phim là: “Bất kỳ ai chống đối TQ đều sẽ phải trả giá dù ở xa cách mấy”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm