Ngày 9-11, UBND quận 1 (TP.HCM) tổ chức hội nghị chuyên đề về bảo vệ môi trường lồng ghép kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong công tác quản lý, tái sử dụng, tái chế rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn quận 1 năm 2023.
Các chợ cam kết giảm đồ nhựa dùng một lần
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Trưởng phòng TN&MT quận 1, đánh giá hiện nay việc quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đang được toàn xã hội quan tâm. Các chủ trương, chính sách và quy định về KTTH từng bước được cụ thể hóa, trong đó Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có nhiều điểm mới và mang tính đột phá, góp phần thúc đẩy KTTH tại Việt Nam.
Theo đó, KTTH được xác định “là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.
Theo ông Nguyên, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã thể chế hóa các yếu tố KTTH đối với quản lý rác thải như: Tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, thân thiện với môi trường; phân loại rác sinh hoạt, định giá thu gom, xử lý rác sinh hoạt theo lượng phát sinh; quy định trách nhiệm thu gom, tái chế, xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với sản phẩm, bao bì...
Đánh giá được tầm quan trọng của việc quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, thời gian qua quận 1 đã thực hiện nhiều chương trình nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. Theo đó, quận đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, thực hiện cam kết và có lộ trình giảm sử dụng túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần, chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường tại đơn vị. Quận phấn đấu đến hết năm 2023 giảm sử dụng 65% sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học của các tiểu thương tại chợ trong việc đóng gói đựng sản phẩm cho người tiêu dùng.
Cho đến nay, các chợ truyền thống (5/5 chợ) trên địa bàn quận đã thực hiện ký cam kết lộ trình giảm sử dụng túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.
Ngoài ra, địa phương còn thực hiện tuyên truyền, khuyến cáo người dân tham quan, mua sắm tại chợ về tác hại của chất thải túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đối với sức khỏe và môi trường. Quận cũng đã bố trí điểm thu hồi túi nylon đã qua sử dụng.
Đẩy mạnh các giải pháp để phát triển bền vững
Tại hội nghị, PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KTTH, chia sẻ việc tuần hoàn rác thải nhựa hiện còn gặp một số khó khăn.
Cụ thể, hiện nay tỉ lệ thu gom, tái chế và hiệu suất thu hồi từ rác thải nhựa thấp, nhu cầu thị trường về nhựa tái sinh chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận tài chính của các đơn vị tái chế còn thấp. Hơn nữa, nguồn cung từ các sản phẩm nhựa đã qua sử dụng vẫn chưa ổn định, hiện vẫn còn phụ thuộc vào các đơn vị thu gom không chính thức hoặc nhập khẩu từ nước ngoài.
Việc phân loại rác tại nguồn vẫn chưa được áp dụng hiệu quả cũng chính là một trong những điểm gây khó cho việc tái chế rác thải nhựa.
Từ những khó khăn trên, PGS-TS Nguyễn Hồng Quân đề xuất cần triển khai các chính sách như kết nối liên ngành trong nhiệm vụ phát triển mô hình KTTH với rác thải đô thị. Về vấn đề tài chính, cần nghiên cứu áp dụng các hình thức tín dụng xanh với quy trình cụ thể về quản lý rủi ro và cấp vốn nhằm thúc đẩy việc đầu tư, nâng cao công nghệ trong thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa.
“Cần cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho các dự án tái chế và hỗ trợ nâng cao năng lực về thu gom, phân loại và tái chế cho các doanh nghiệp. Chúng ta cũng cần xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường nguyên liệu nhựa tái chế và rác thải nhựa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thông tin về thị trường” - PGS-TS Nguyễn Hồng Quân đề xuất thêm.
Đánh giá được tầm quan trọng của việc giảm rác thải nhựa thải ra môi trường, bà Nguyễn Thúy Ninh (quận 1, TP.HCM) cũng đề xuất phải hạn chế sản xuất những sản phẩm nhựa dùng một lần gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời phải xử lý thật nghiêm những trường hợp xả thải không đúng quy định.•
Đẩy nhanh thực hiện các công trình phòng, chống thiên tai
Tại hội nghị, TS Nguyễn Văn Hồng, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, đã chia sẻ nhiều giải pháp để TP.HCM ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.
Cụ thể, đối với khu vực ngoại thành và vùng ven, TP cần đẩy nhanh các công trình phòng, chống thiên tai, công trình thủy lợi và kịp thời gia cố, sửa chữa, duy tu, bảo đảm an toàn cho các công trình, hệ thống bờ bao khi mực nước dâng cao do triều cường, xả lũ, mưa lớn.
Riêng khu vực huyện Cần Giờ, huyện cần rà soát, bổ sung quy hoạch dân cư, chủ động di dời người dân ra khỏi vùng xung yếu, nguy hiểm.
Bên cạnh đó, huyện cần triển khai các dự án nạo vét sông, kênh rạch. Vận động người dân phát quang, nạo vét để khơi thông dòng chảy, thực hiện tháo dỡ những vật cản trên bờ, lòng sông, kênh rạch làm ách tắc dòng chảy, làm hạn chế việc tiêu thoát nước.