Bộ Công an đang tiến hành sửa đổi, bổ sung danh mục chất ma túy, ban hành kèm theo Nghị định 57/2022 của Chính phủ, quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.
Theo đó, Bộ Công an đề xuất bổ sung thêm 15 chất ma tuý mới vào danh mục trên.
Theo cơ quan soạn thảo, tình hình ma túy trong nước đang diễn biến phức tạp, các chất ma túy tổng hợp ngày càng bị lạm dụng và có chiều hướng gia tăng.
Thời gian qua, tại nhiều tỉnh, thành như Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, TP.HCM, Ninh Thuận.... xuất hiện một số chất thuộc nhóm cần sa tổng hợp có tác dụng gây ảo giác tương tự cần sa ma túy như MDMB-BUTINACA, MDMB-INACA..., lần đầu xuất hiện tại Việt Nam được phun tẩm vào thảo mộc khô, dung dịch thuốc lá điện tử.
Bộ Công an nhận định, việc sử dụng các chất này rất nguy hiểm, gây kích thích thần kinh trung ương, có thể khiến người sử dụng mất kiểm soát hành vi, phát sinh hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội, gây nguy hiểm cho bản thân và người thân trong gia đình do hiện tượng “ngáo” gây ra.
“Nguy hiểm hơn các chất này được phun tẩm vào sợi thảo mộc khô, dung dịch thuốc lá điện tử... với liều lượng không xác định, do đó khi sử dụng có thể quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể, rất dễ gây ngộ độc, thậm chí tử vong sau khi sử dụng. Nhưng các chất này chưa được quản lý theo danh mục của Chính phủ nên chưa có cơ chế để xử lý, ngăn chặn…” - Bộ Công an cho hay.
Để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Nghị định nhằm bổ sung các chất gây nghiện, các chất hướng thần mới vào danh mục kiểm soát.
Theo đánh giá của Bộ Công an, 15 chất ma túy mới được bổ sung tại dự thảo Nghị định không thuộc danh mục chất gây nghiện, chất hướng thần dùng làm thuốc của Bộ Y tế, thuốc thú y của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Các chất ma tuý này cũng không có ứng dụng trong đời sống sinh hoạt của người dân và lĩnh vực công, nông nghiệp.
“Vì vậy, việc đưa 15 chất trên vào danh mục kiểm soát của Chính phủ không tác động đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng...” - Bộ Công an khẳng định.
15 chất ma tuý tổng hợp vào danh mục cấm
Bổ sung 14 chất ma túy vào danh mục IIC. Các chất và muối có thể tồn tại của chất này:
- 6 chất: 2-Methyl-AP-237, Etazene, Etonitazepyne, Protonitazene, Alpha-PiHP, 3-Methylmethcathinone được Ủy ban kiểm soát ma túy Liên hợp quốc (CND) bổ sung vào công ước thống nhất các chất ma tuý năm 1961 và Công ước về các chất hướng thần năm 1971 tại phiên họp lần thứ 67 (tháng 3-2024).
- 3 chất: Butonitazene, N,N-DimethyIpentylone, 3-Chloromethcathinone (3-CMC) được CND bổ sung vào Công ước thống nhất các chất ma túy năm 1961 và Công ước về các chất hướng thần năm 1971 tại phiên họp lần thứ 67 (tháng 3-2024).
- 5 chất hướng thần mới thuộc nhóm cần sa tổng hợp: MDMB- BUTINACA, MDMB-INACA, ADB-4en-PINACA, ADB-INACA ADB- FUBLATA đã phát hiện và bị bắt giữ tại nhiều tỉnh, thành như Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hưng Yên, TP.HCM... Các chất này đều là các chất hướng thần mới (NPS) mà ủy ban kiểm soát ma túy - Liên hợp quốc đã ghi nhận và thống kê.
Hiện nay, các chất trên được một số nước Trung Quốc, Úc, Châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ đưa vào kiểm soát từ năm 2021. Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cũng đã có văn bản báo cáo và đề xuất đưa năm chất trên vào danh mục kiểm soát trên cơ sở các vụ bắt giữ của các lực lượng chức năng Việt Nam.
Bổ sung 1 chất ma túy: Bromazolam vào Danh mục III “Các chất ma túy được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền”.
Chất này có tác dụng hướng thần (an thần, gây ngủ) nhóm Benzodiazepine tương tự như các chất thuộc danh mục III, được Ủy ban kiểm soát ma túy Liên hợp quốc bổ sung vào Công ước thống nhất các chất ma túy năm 1961 và Công ước về các chất hướng thần năm 1971 tại phiên họp lần thứ 67 (tháng 3-2024).