Ngày 11-6, tại Hội nghị góp ý kiến các tổ chức thành viên đối với dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X (nhiệm kỳ 2024-2029) do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X có 5 điểm mới.
Thứ nhất là tập trung vào những nét nổi bật trong quá trình thực hiện và bổ sung những kết quả thực hiện nhiệm vụ mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn: MTTQ Việt Nam tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19; kết quả triển khai đề án vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; xây dựng, xuất bản cuốn sách “Phát huy truyền thống Đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Điểm mới tiếp theo là báo cáo đã bổ sung nhiều nhận định, đánh giá về chặng đường 40 năm đổi mới của MTTQ Việt Nam theo đường lối của Đảng.
Báo cáo cũng đề cập tới ba khâu đột phá của cả nhiệm kỳ dựa trên yêu cầu công tác mặt trận trong tình hình mới.
Trong đó nhấn mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội; tập trung triển khai hoàn thành mục tiêu vận động cả nước chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025 cùng với việc triển khai những hoạt động an sinh, xã hội chăm lo cho nhân dân; tập trung xây dựng khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh: "Tiếp nối thành công của năm chương trình hành động nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ 2024-2029 sẽ bổ sung những nội dung, mục tiêu, giải pháp mới và bổ sung chương trình hành động thứ 6 xây dựng khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc".
Góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Xuân Hùng đề nghị báo cáo cần đề cập sâu hơn về giai cấp công nhân, đặc biệt là vấn đề thu nhập.
Theo ông Hùng, công nhân hiện nay mong muốn có việc làm, thu nhập ổn định, nhà ở, đời sống văn hóa và điều kiện học hành cho con em tốt hơn. Đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Thực tế, cùng với việc làm, thu nhập cũng là vấn đề được công nhân hết sức quan tâm.
“Người lao động ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước mới là đối tượng gặp nhiều khó khăn hơn trong cuộc sống. Công việc không ổn định, phải tăng ca thường xuyên, điều kiện sống không đảm bảo nhất là đối với lao động nhập cư, phải thuê trọ, đi kèm với đó là nhiều hệ lụy phát sinh như việc đáp ứng các nhu cầu văn hóa tinh thần, hôn nhân, giáo dục chăm sóc con cái” - ông Nguyễn Xuân Hùng phát biểu.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng cũng đề xuất cần bổ sung thêm vai trò của đội ngũ trí thức hiện nay. Thực tế cho thấy đội ngũ trí thức tăng nhanh về số lượng và nâng cao chất lượng, có nhiều đóng góp lớn lao cho sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Nhiều trí thức có trình độ cao, năng động, sáng tạo đã bắt kịp các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới ở một số lĩnh vực. Đội ngũ trí thức mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện để phát huy khả năng sáng tạo của mình cho sự phát triển của đất nước.