Nhiều mỏ cát ở miền Tây sắp xuất cát cho dự án trọng điểm

(PLO)- Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đang khẩn trương đẩy nhanh các thủ tục để khai thác các mỏ cát cung cấp cho các dự án giao thông trọng điểm quốc gia tại phía Nam.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Việc đưa vào khai thác các mỏ cát nhằm cung cấp nguồn vật liệu san lấp, thúc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm và dự án đường cao tốc quốc gia tại các tỉnh phía Nam. Trong đó có dự án đường vành đai 3 TP.HCM.

27-p8_bai-viethoa.jpg
Dự án đường vành đai 3 TP.HCM sẽ được cung cấp cát từ các tỉnh miền Tây để thi công. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tỉnh Tiền Giang: Mỏ cát thứ hai sắp khai thác

Tỉnh Tiền Giang được Chính phủ giao cung ứng khoảng 15,95 triệu m3 cát cho năm dự án giao thông trọng điểm quốc gia tại khu vực phía Nam. Trong đó có ba dự án liên quan đến cao tốc gồm: Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (2 triệu m3); dự án thành phần 2 thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (4,55 triệu m3); dự án thành phần 2 thuộc cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (0,95 triệu m3);

Cùng với đó là hai dự án là đường vành đai 3 TP.HCM (6,6 triệu m3); đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất và Gò Quao - Vĩnh Thuận (1,85 triệu m3).

Để đẩy nhanh tiến độ cung cấp nguồn vật liệu cho các dự án này, vào ngày 9-10, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức khởi công khai thác mỏ cát Hòa Hưng 5 tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè phục vụ dự án đường vành đai 3 TP.HCM. Mỏ cát này được UBND tỉnh Tiền Giang giao cho Công ty Cổ phần Hoàng Hải khai thác với trữ lượng được phép khai thác hơn 1,136 triệu m3 và khoáng sản phụ đi kèm (đất bóc tầng phủ trong khai thác cát) hơn 525.000 m3. Nguồn cát từ mỏ cát này chủ yếu cung cấp cát san lấp cho dự án đường vành đai 3 TP.HCM.

Công suất được phép khai thác 400.000 m3/năm (nguyên khối). Thời hạn khai thác bốn năm hai tháng kể từ ngày 25-9-2024. Đồng thời, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mỏ Hòa Hưng 5 là hơn 6,95 tỉ đồng. Đến nay, công ty đã hoàn thành các nghĩa vụ và trách nhiệm theo quy định.

Tỉnh Tiền Giang được Chính phủ giao cung ứng khoảng 15,95 triệu m3 cát cho năm dự án giao thông trọng điểm quốc gia tại khu vực phía Nam.

Trước đó, do tình hình sạt lở và phản ứng của người dân nên UBND tỉnh Tiền Giang đã có chủ trương tạm dừng cấp phép khai thác mỏ cát từ năm 2013. Mỏ cát Hòa Hưng 5 tại huyện Cái Bè là mỏ cát đầu tiên tỉnh khởi động lại việc khai thác cát sông sau 11 năm tạm dừng hoạt động.

Tại lễ khởi công mỏ cát Hòa Hưng 5, ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết: Việc khai thác mỏ cát Hòa Hưng 5 cung cấp cho dự án trọng điểm, đây cũng là nhiệm vụ chính trị đã được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương giao cho tỉnh Tiền Giang phục vụ các dự án giao thông trọng điểm quốc gia.

Để tiếp tục cung cấp nguồn nguyên vật liệu cho các dự án trọng điểm, mới đây tỉnh Tiền Giang cũng vừa có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án khai thác cát lòng sông Tiền tại mỏ cát Vàm Cái Thia (xã Mỹ Lương và xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè).

Theo đó, Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Tiền Giang được giao làm chủ dự án khai thác mỏ cát Vàm Cái Thia. Mỏ cát này nằm trong lòng sông Tiền thuộc xã Mỹ Lương và xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè. Tổng diện tích đất mặt nước khu vực khai thác 16,6 ha.

Trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác gồm: Trữ lượng địa chất cấp 122 là 291.239 m3; khoáng sản phụ đi kèm là đất bóc tầng phủ trong khai thác cát là 113.771 m3. Công suất khai thác 180.000 m3/năm. Thời gian khai thác mỏ cát Vàm Cái Thia là 2,5 năm.

Đây là mỏ cát thứ hai ở tỉnh Tiền Giang sắp được khai thác để phục vụ nguồn vật liệu san lấp cho các công trình trọng điểm phía Nam theo chỉ đạo của Chính phủ. Hiện toàn tỉnh Tiền Giang có 31 khu vực mỏ, với tổng trữ lượng theo quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ thông qua là khoảng 41,8 triệu m3.

Trong đó, 18 khu vực mỏ đã cấp phép khai thác trước đây và đã hết hạn, tạm dừng khai thác từ năm 2013 và 13 khu vực mỏ đã cấp phép thăm dò, đã phê duyệt trữ lượng nhưng chưa cấp giấy phép khai thác. Công suất khai thác cát giai đoạn 2023-2025 là 4,5 triệu m3, giai đoạn 2026-2030 là 7,5 triệu m3.

Tỉnh Bến Tre được Chính phủ giao chỉ tiêu cung ứng 7,37 triệu m3 cát cho các dự án giao thông trọng điểm tại các tỉnh phía Nam gồm: Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (2 triệu m3); dự án thành phần 3 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (3,37 triệu m3); dự án vành đai 3 TP.HCM (2 triệu m3).

Tỉnh Bến Tre: Đấu giá ba mỏ cát phục vụ đường vành đai 3 TP.HCM

Để giải “cơn khát” nhu cầu cấp bách về vật liệu cho các công trình, dự án trọng điểm theo chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Bến Tre đang khẩn trương thực hiện các thủ tục để đưa vào khai thác bốn khu vực mỏ cát.

Trong đó có một mỏ được giao cho nhà thầu là Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam - nhà thầu thi công dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) tiến hành khảo sát, đánh giá, lập hồ sơ để chuẩn bị khai thác khu vực mỏ cát trên sông Ba Lai (đoạn xã Phong Nẫm (huyện Giồng Trôm) - xã Châu Hưng - xã Thới Lai (huyện Bình Đại).

Theo đó, khu vực mỏ cát trên có diện tích khoảng 48 ha, trữ lượng khảo sát khoảng 900.000 m3 cát. Nguồn cát tại khu vực mỏ cát này chủ yếu phục vụ nguồn vật liệu cát san lấp cho dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1).

Cũng theo Sở TN&MT tỉnh Bến Tre, sau khi hoàn tất các thủ tục, dự kiến vào khoảng cuối tháng 10 năm nay tỉnh sẽ giao mỏ cát trên sông Ba Lai đoạn đoạn qua xã Phong Nẫm (huyện Giồng Trôm) - xã Châu Hưng - xã Thới Lai (huyện Bình Đại) cho nhà thầu thực hiện khai thác theo cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 106 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.

Ngoài ra, ngày 24-10, Bến Tre đã tổ chức đấu giá ba mỏ cát quyền khai thác khoáng sản đối với ba mỏ cát đã có kết quả thăm dò gồm: Mỏ Qưới Sơn trên sông Tiền (thuộc xã Qưới Sơn, huyện Châu Thành); mỏ An Hiệp - An Ngãi Tây trên sông Hàm Luông (xã An Ngãi Tây và xã An Hiệp, huyện Ba Tri); mỏ An Đức - An Hòa Tây trên sông Hàm Luông (xã An Đức và xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri).

Ba mỏ cát này có tổng trữ lượng hơn 4 triệu m3 cát. Nguồn cát tại các mỏ cát được đưa ra đấu giá này sẽ cung cấp cho các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh và các công trình trọng điểm phía Nam, trong đó có dự án đường vành đai 3 TP.HCM.

Theo kế hoạch sau khi tổ chức đấu giá xong, Sở TN&MT tỉnh sẽ phối hợp thực hiện các thủ tục về đánh giá tác động môi trường và dự kiến đến cuối tháng 1-2025 thẩm định hồ cấp phép và trình UBND tỉnh cấp quyền khai thác các mỏ cát cho các đơn vị trúng đấu giá.

Ngoài bốn khu vực mỏ cát trên, tỉnh Bến Tre cũng đang tính toán các khu vực mỏ cát còn lại trên địa bàn tỉnh để cung ứng cho các dự án giao thông trọng điểm quốc gia phía Nam. Theo Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn 2021-2030 tỉnh Bến Tre được khoanh định 19 khu vực mỏ cát trên các sông chính như sông Tiền, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên và sông Ba Lai.

Theo Sở TN&MT tỉnh Bến Tre, hiện UBND tỉnh cũng đang xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương để bổ sung một số khu vực mỏ cát của giai đoạn 2021-2030 để đáp ứng nguồn cát còn lại cung cấp cho các dự án trọng điểm phía Nam theo chỉ tiêu đã được Chính phủ giao.•

Ba mỏ cát tại Bến Tre đấu giá cao gấp hàng chục lần giá khởi điểm

Ngày 25-10, Sở TN&MT tỉnh Bến Tre có báo cáo UBND tỉnh kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với ba mỏ cát trên địa bàn tỉnh vào ngày 24-10. Theo đó, mỏ Quới Sơn trên sông Tiền có trữ lượng hơn 1,07 triệu m3 cát san lấp, giá khởi điểm hơn 6,4 tỉ đồng. Mỏ cát này có ba tổ chức tham gia đấu giá. Sau 55 vòng trả giá, người trả giá cao nhất là Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Huy (Hà Tĩnh) với số tiền hơn 163 tỉ đồng.

Mỏ An Đức - An Hòa Tây trên sông Hàm Luông có trữ lượng gần 1,7 triệu m3 cát san lấp, giá khởi điểm hơn 9,6 tỉ đồng. Mỏ cát này có ba tổ chức tham gia đấu giá; sau 17 vòng trả giá, người trả giá cao nhất là Công ty Cổ phần Hải Đăng (TP.HCM) với số tiền hơn 169 tỉ đồng.

Công ty này cũng trúng đấu giá mỏ cát An Hiệp - An Ngãi Tây trên sông Hàm Luông có trữ lượng gần 1,5 triệu m3 cát san lấp sau 17 vòng trả giá với số tiền hơn 155 tỉ đồng (giá khởi điểm hơn 8,3 tỉ đồng).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm