Trên mạng xã hội Nga loan truyền câu nói đùa như trên sau khi điện Kremlin công bố hình ảnh Tổng thống Vladimir Putin dành ba ngày săn bắn và câu cá(ảnh)bên bờ hồ Siberia tại nước cộng hòa Tuva giáp giới Mông Cổ hồi đầu tháng này. Ngày bầu cử tổng thống Nga được ấn định vào ngày 18-3-2018. Nếu ông Putin chính thức thông báo ra tranh cử và đắc cử, đây sẽ là nhiệm kỳ thứ tư của ông.
Một số nhà quan sát nhận định bức ảnh Putin câu cá được công bố là bước khởi đầu cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Putin. Thời điểm công bố ảnh Putin câu cá chỉ cách vài ngày trước ngày đánh dấu 18 năm ông cầm quyền thủ tướng Nga (Tổng thống Boris Yeltsin chỉ định cựu Đại tá KGB Putin giữ chức thủ tướng ngày 9-8-1999).
Điều bất ngờ là đánh dấu 18 năm cầm quyền của mình, ông Putin lại đến thăm Abkhazia vào thời điểm giáp chín năm Abkhazia xung đột với Grudia. Tháng 8-2008, Grudia đưa quân kiểm soát hai vùng ly khai Abkhazia và Nam Ossetia. Nga đã mở chiến dịch cứu viện đẩy lùi quân đội Grudia.
Sau chiến dịch ở Abkhazia, uy tín của ông Putin tăng trên 80%. Đến năm 2014, Putin điều quân kiểm soát Crimea và hậu thuẫn cho phong trào ly khai ở miền Đông Ukraine. Một lần nữa uy tín của ông lại gia tăng. Ngày bầu cử tổng thống năm 2018 cũng là ngày kỷ niệm bốn năm Nga sáp nhập Crimea.
18 năm cầm quyền của ông Putin có nhiều cột mốc đáng nhớ. Năm 2000, Nga đập tan quân khủng bố Chechnya. Năm 2004, kinh tế Nga được đặt dưới quyền kiểm soát của nhà nước và nguồn thu ngoại tệ dầu mỏ được phân phối cho các công ty. Năm 2008, ông Dmitry Medvedev thay Putin làm tổng thống đã mở chiến dịch hiện đại hóa và tự do hóa chưa từng thấy. Đến năm 2012, Tổng thống Putin được bầu lại rồi Nga bước vào giai đoạn đối đầu với phương Tây cũng vì lý do Nga sáp nhập Crimea.
Sang năm 2018 thì sao? Trung tâm Nghiên cứu thời cơ chính trị của Nga (thân cận với điện Kremlin) đã dự báo năm kịch bản. Hai kịch bản đầu rất đáng tin cậy là chiến dịch “bất động” (tranh cử bình thường, không đột ngột thay đổi, không kích động cử tri) và chiến dịch “động viên” (huy động tổng lực các nguồn lực chính trị và truyền thông để đạt kết quả).
Ba kịch bản còn lại gồm: Chiến dịch “khởi động lại” (thay thế thủ tướng), chiến dịch “gây sốc từ bên ngoài” (leo thang căng thẳng đột ngột để Tổng thống Putin mất uy tín) và chiến dịch “phăng teo” (Putin sẽ không ra tranh cử).