“Quái kiệt”sách Học làm người ra đi!

Có thể nhiều người sẽ phản đối “Làm gì có dòng văn học Học làm người?”. Tuy nhiên, cách đây 20 năm (1994), chính học giả Hoàng Xuân Việt đã định danh rằng: “Nếu từ trước chúng ta đã có những dòng văn học: Bình dân, Hán-Nôm, Quốc ngữ, Nam Phong tạp chí, Đông Dương tạp chí, Tự Lực văn đoàn thì thiết tưởng dòng văn học Học làm người tự nó đã được khẳng định. Bởi vì một dòng văn học muốn tự khẳng định phải gồm có nội dung tư tưởng xuất sắc, hình thức diễn tả độc đáo… Loại sách Học làm người đã bàng bạc từ thời xa xưa, điển hình qua ngòi bút của thiền sư Vạn Hạnh, văn hào Nguyễn Trãi, bác học Trương Vĩnh Ký, nhà luân lý Trần Lục… Rồi được hệ thống thành quy mô trong tủ sách Học làm người, được khai sáng bởi ông Phạm Văn Tươi từ năm 1950. Qua nửa thế kỷ thử thách sàng lọc, sách Học làm người đã được định hình với trên 360 tác phẩm…”.

Phạm Cao Tùng (chủ Nhà xuất bản Phạm Văn Tươi) là người mở đầu việc viết và xuất bản loại sách Học làm người Sài Gòn từ đầu những năm 1950. Thế hệ các tác gia kế tiếp hòa vào dòng chảy này là các học giả Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê và nhất là Hoàng Xuân Việt. Tại sao “nhất”? Xin thưa, trong hơn 360 tựa sách của dòng văn học Học làm người thì Hoàng Xuân Việt là tác giả của hơn 200 cuốn (sách của ba người cộng lại kia chưa được một nửa số đầu sách của ông).

Với 55 năm làm thầy, học giả Hoàng Xuân Việt có hơn vạn học trò. Ảnh: TL

Nhà báo Lê Phương Chi từng kể lại trong cuốn Tâm tình văn nghệ sĩ (Nhà xuất bản Thanh Niên, 2001) là sau khi đất nước thống nhất, năm 1979 học giả Đào Duy Anh từ miền Bắc vào Sài Gòn và nhờ ông (Lê Phương Chi) đưa đến thăm học giả Nguyễn Hiến Lê. Nghe cụ Lê kể về Hoàng Xuân Việt và số sách của tác giả này, cụ Đào cảm thán: “Anh ấy thua chúng mình gần 20 tuổi mà nghe số sách đồ sộ của Hoàng Xuân Việt thì tôi cho rằng đây là một “quái kiệt” về sách đấy!”.

Có lẽ ít ai biết những vốn liếng, hành trang tri thức rất giàu có của Hoàng Xuân Việt là nhờ vào 22 năm tu học (1935-1957) ở các bậc: Trường dòng Taberd Mỹ Tho, Chủng viện Vĩnh Long, Chủng viện Sài Gòn, Đại chủng viện Saint Joseph, Đại chủng viện Saint Sulpice (Saigon) để trở thành một linh mục Công giáo. Chỉ một ngày trước khi được phong chức linh mục (29-6-1957), ông bị giám mục Ngô Đình Thục “ách” lại vì tội viết sách (cuốn Rèn nhân cách) mà không được sự phê chuẩn (Imprimatur) của chủ chăn trực tiếp (trường hợp này là Ngô Đình Thục, giám mục địa phận Vĩnh Long). Ông hoàn tục năm 1960 với bảy chứng chỉ triết học và các chứng chỉ năng lực hạch tâm, xã hội học, thiên văn học… Ngoài ra, ông còn thông thạo tiếng Bồ Đào Nha và Pháp, nghiên cứu các cổ ngữ (Hy Lạp, La tinh) và sinh ngữ (Anh, Đức)…

Có lẽ “nhờ” giám mục Ngô Đình Thục không cho ông nhận lãnh sứ vụ linh mục mà xã hội và văn hóa Việt Nam có thêm một nhà giáo dục, một tác gia về loại sách Học làm người kiệt xuất.

Và hôm nay, chúng ta vĩnh biệt một trí thức đầy nhân cách. Một nén tâm nhang xin thành tâm tiễn biệt!

HÀ ĐÌNH NGUYÊN

Học giả Hoàng Xuân Việt tên thật là Nguyễn Tùng Nhân. Ông sinh ngày 8-2-1930 tại Vĩnh Thành, Bến Tre. Ông là một nhà văn, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và là một học giả chuyên khoa hùng biện.

Học giả Hoàng Xuân Việt từng đảm nhiệm vị trí hiệu trưởng của Trường Nhân Xã Học Làm Người (1966-1975), Trường Hán-Nôm Học Làm Người Nguyễn Trãi (1993-2001).

Hiện tại, công trình bản thảo chưa công bố của học giả  Hoàng Xuân Việt rất đồ sộ với hơn 200 bản thảo. Trong số bản thảo này có nhiều công trình lớn về lịch sử, văn hóa, triết học… Điển hình là bộ Lịch sử 1945-1975 (bảy quyển), Tuyển tập văn hóa, văn học Việt Nam (bảy quyển), Từ điển Việt-Bồ-La (2.000 trang) và nhiều bản thảo về học làm người nữa.

Học giả Hoàng Xuân Việt sau hơn nửa năm lâm bệnh đã từ trần lúc 20 giờ 45 ngày 20-7-2014 tại nhà riêng (48M Bành Văn Trân, phường 7, quận Tân Bình). Lễ viếng đã bắt đầu từ 10 giờ ngày 21-7. Lễ động quan lúc 5 giờ ngày 24-7, sau đó sẽ an táng tại nghĩa trang Tập Phúc Hội, quận 12, TP.HCM.

TRÀ GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm