Ngày 9-7, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo tham vấn Đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Sự kiện do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Cục Bản quyền tác giả (Bộ Bộ VH-TT&DL) phối hợp tổ chức.
Vẫn tồn tại thói quen trông chờ ngân sách nhà nước
Tại hội thảo, đại diện Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: "Ngày 8-9-2016, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi là Chiến lược).
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một chiến lược quốc gia nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo.
Việc ban hành Chiến lược đã tạo ra sự chuyển biến tích cực và đổi mới đối với các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH). Năm 2022, các ngành CNVH Việt Nam bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ, đóng góp ước đạt 4,04% đối với GDP, tạo 1 triệu việc làm cho xã hội.
Doanh thu xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ văn hóa, số lượng doanh nghiệp và các không gian văn hóa, trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong cả nước tăng lên.
Nhiều sản phẩm, dịch vụ sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật đã thể hiện sống động bản sắc, tinh thần sáng tạo Việt Nam, góp phần phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong hội nhập quốc tế.
Chia sẻ những thành công qua thực tiễn bảy năm triển khai thực hiện Chiến lược, tuy nhiên PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cũng cho biết còn một số tồn tại, hạn chế như:
"Nhận thức chưa rõ về vai trò, tầm quan trọng của phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của đất nước; thói quen trông chờ ngân sách nhà nước cho các hoạt động sản xuất các sản phẩm, dịch vụ văn hóa vẫn tồn tại từ thời bao cấp; cùng với quan niệm ngành văn hóa là ngành "tiêu tiền" đang tạo rào cản lớn trong nhận thức về đầu tư các nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa".
Cần có sự đối xử cạnh tranh mới có thể đẩy cao sự sáng tạo
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, nhạc sĩ Quốc Trung cũng đặt ra vấn đề về việc nội dung này đã từng được đưa ra bàn trước đó, tuy nhiên theo ông vẫn chưa thấy được bất cứ sự chuyển biến nào trong quản lý, nhất là các địa phương.
Cũng đề cập đến chính sách, nhạc sĩ Quốc Trung cho biết lực lượng sáng tạo bên ngoài chưa có được thụ hưởng những chính sách của Nhà nước. Điều đó hạn chế rất nhiều sự đóng góp và tạo nên sự cạnh giữa đội ngũ sáng tạo trong và ngoài nhà nước.
Theo nhạc sĩ Quốc Trung, cần có sự đối xử cạnh tranh chúng ta mới có thể đẩy cao sự sáng tạo.
“Công nghiệp văn hoá đầu tiên đó phải là tính sáng tạo, sự độc đáo, chính những điều đó mới xây dựng được thị trường và nhu cầu thưởng thức đời sống tinh thần” - nhạc sĩ Quốc Trung bày tỏ.
Đưa ra cụm từ "xã hội hoá", nhạc sĩ Quốc Trung nói rằng đây là một từ không thấy ở đâu trên thế giới.
“Cảm giác khi tất cả những gì ghi là xã hội hoá thì có vẻ như chúng ta đang cho đội ngũ ngoài nhà nước được làm nghề, được phép làm các công việc về sáng tạo văn hoá chứ hoàn toàn không có bất cứ một chính sách cụ thể nào hỗ trợ hay hợp tác giữa nhà nước và đội ngũ sáng tạo bên ngoài nhà nước” - nhạc sĩ đặt vấn đề.
Nhạc sĩ Quốc Trung dẫn chứng: "Chẳng hạn như với tất cả các thiết chế văn hoá của nhà nước, đội ngũ sáng tạo bên ngoài gặp rất nhiều khó khăn. Trước tiên là các thủ tục xin phép, xét duyệt. Trong khi đó, đội ngũ trong nhà nước nghiễm nhiên được quyền cấp phép mà không phải qua các thủ tục xét duyệt, kiểm duyệt.
Ông Lê Quốc Vinh (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Le (Holdings) – (Le Media Group) cũng cho biết để sản phẩm của nhà đầu tư có đến được thị trường hay không lại gặp phải những rào cản mang đậm màu sắc cảm tính không được tiêu chuẩn hoá và hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng nhận thức của những người kiểm duyệt, cấp phép.
“Đây là rủi ro lớn với các nhà đầu tư” - ông Vinh đánh giá.
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 ban hành năm 2021 xác định cần tiếp tục xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm phát huy mọi tiềm năng, cơ hội, giải quyết các thách thức để phát triển các ngành công nghiệp văn hoá có trọng tâm, trọng điểm; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị di sản văn hoá, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng.