Quảng Nam có ông Thịnh 'mê đá hơn mê vợ'

Bên chiếc bàn sa thạch khoảng năm tấn ước chừng vài trăm năm tuổi, ông Thịnh pha một ấm trà và bắt đầu câu chuyện về tình yêu với đá.

Ông Thịnh bên tác phẩm "Người lính".

Ông Thịnh bắt đầu chơi đá vào năm 1997. Cơ duyên đến với ông từ một lần tình cờ đọc trên mạng thấy người Nhật có những viên đá rất đẹp, những cây bonsai kỳ ảo nên đam mê với đá dần hình thành trong ông. “Người Nhật chơi đá đã hàng trăm năm rồi, đá tự nhiên Suiseki. Tức là đá được hình thành bởi nước và gió. Hoàn toàn tự nhiên không có bàn tay con người tác động vào” - ông giải thích.

Những tác phẩm đá cảnh được chưng trong ngôi nhà của ông Thịnh.

Chơi đá như thiền vậy. Xưa vua Trần Nhân Tông lên núi Yên Tử cũng bắt đầu thích thưởng ngoạn đá rồi. Bốn câu thơ ông để lại đã nói lên điều đó rằng “Cô thạch cô thạch niên/ Y nhiên ý vị thiền/ Đấu lai vô tích xứ/ Nhân thạch cảm ứng tiên”. Nghĩa là hồn đá cô đơn trôi trên sông không có xứ sở cụ thể, hình ảnh đẹp như đi vào cõi tịnh tâm. Người mà cảm được đá như bước vào cõi thanh tịnh, cõi tiên.

Chăm chút từng tác phẩm của mình.

Kể về cuộc đam mê nghìn trùng của mình, người đàn ông hơi chững lại một chút bên ngụm trà rồi bộc bạch. Xưa nghèo lắm, làm mấy sào ruộng không đủ ăn. Nhưng rồi chả hiểu vì sao thấy đá lại ghiền. Ghiền đá còn hơn cả vợ. Rồi có dăm an lúa gặt được, một phần dành để ăn, một ít bán lấy tiền đi… tìm đá.

Tác phẩm đá cảnh "Mãng xà nhả ngọc" của ông Thịnh.

Những ngày đầu tìm đá như “mơ ngủ”, bởi ông Thịnh chưa biết những hòn đá như thế nào thì có giá trị nghệ thuật. Nhưng rồi qua tìm hiểu, ông dần quen với "nghề chơi”. Viên đá đầu tiên được tìm thấy trong niềm vui tột độ của kẻ mới vào nghề. Tác phẩm “Thông phong” là tên gọi của viên đá mà ông tìm được ở một khu vực miền núi thuộc huyện Quế Sơn. Ông bảo ý nghĩa của thông phong là sự thông suốt, sự tịnh tâm của thiền định, sự ngộ tính.

“Ngày đó có người trả mình 40 triệu đồng để mua lại nhưng mình nhất quyết không bán, bởi đam mê, bởi đó là tác phẩm đầu tiên của mình. Dẫu lúc đó còn nghèo lắm. 40 triệu đồng lúc đó lớn lắm nhưng cũng đành chịu chứ không bán được. Đến năm 2011 thì mình may mắn tìm được nhiều viên đá khác có giá trị hơn” - ông Thịnh nói.

"Thông phong" tác phẩm được trả 40 triệu đồng từ nhiều năm trước nhưng ông Thịnh không bán.

Vợ chồng ông là nông dân chính hiệu. Từ ngày bán lúa đi tìm đá, có những chuyến ông đi cả tháng trời chẳng được một tác phẩm nào và trở về tay trắng. Vợ ông cũng từng can ngăn vì cho rằng chồng mải đi tìm những thứ phù du như thế thì có ngày đói. Nhưng ông vẫn vượt hàng trăm cây số để tìm được những thứ mình yêu quý. Tác phẩm “Khủng long” của ông đã chinh phục được hàng trăm người trong các cuộc thi và mang về cho ông nhiều giải vàng.

“Tôi tìm thấy nó vào năm 2001, ở khu vực Hòn Kẽm, Quế Sơn. Sau đó mang về nhờ thợ làm đế cho tác phẩm này. Nhiều lễ hội festival, tác phẩm này được đem trưng bày khiến nhiều người yêu thích. Có những tay chơi là đại gia trả cả trăm triệu đồng nhưng tôi quyết không bán. Đó là kỷ niệm của cuộc đời tôi, trong nó có một phần đời tôi”.

Ông Thịnh bên báu vật "Khủng long".

Gia tài của ông bây giờ là 300 tác phẩm đá nghệ thuật, trong đó có những tác phẩm khá nổi tiếng nằm trong cuốn sách những sinh vật cảnh Việt Nam. Chiếc bàn đá mà tôi và ông đang ngồi uống trà, mới đây có một người Hàn Quốc trả giá gần 5.000 USD nhưng ông cương quyết từ chối.

Tác phẩm “Mãng xà” ông trưng bày trước hiên cũng được một khách trả hơn 30 triệu đồng nhưng ông vẫn quyết giữ cho mình.

"Bái sư".

"Đoàn tụ".

"Linga".

"Ngao thạch".

"Núi đôi".

"Chuột đá".

"Lá thu".

Không những chơi đá cảnh, trong vườn nhà ông Thịnh còn rất nhiều những chậu cây cảnh quý. Mơ ước của ông là sắp tới sẽ mở một khu sinh thái vườn để nhiều người có thể đến chiêm ngưỡng những tác phẩm tâm huyết của ông. Khu vườn hơn trăm mét vuông đất ở bên cạnh nhà đang được ông sửa sang lại để bài trí đá cảnh và những chậu bonsai ông sưu tầm gần 20 năm nay.

Chiếc bàn đá được người Hàn Quốc trả trên 100 triệu đồng nhưng ông Thịnh từ chối bán.

Chiều xuống, ông Thịnh mang một cây đàn guitar ra chiếc bàn đá đang ngồi và ngâm nga “Yêu quê con suối êm đềm/ Yêu hàng cuội nhỏ yêu em trọn đời…”. Mỗi tác phẩm đá, ông yêu say đắm như một người tình

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm