Ngày 22-9, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đã phân bổ chỉ tiêu tàu cá đóng mới tàu cá theo nghị định 67 cho sáu huyện, tp, thị xã có nghề cá. Trong khi đó, tính đến ngày 15-9, các ngân hàng thương mại tại Quảng Nam đã tổ chức ký kết hợp đồng tín dụng và cam kết cho vay đóng mới 16 tàu cá (đạt 13,9% số tàu cá được phê duyệt) với tổng giá trị đầu tư cho vay là trên 177 tỉ đồng và đang tiếp tục xử lý 13 hồ sơ khác.
Đến thời điểm này, các địa phương đã tổ chức hướng dẫn ngư dân lập phương án sản xuất, đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu cá. Tỉnh đã thực hiện năm đợt phê duyệt với tổng số tàu là 94 chiếc (nâng cấp bảy tàu). Trong đó, đóng mới 87 tàu (48 tàu vỏ thép, 39 tàu vỏ gỗ), hiện đã phê duyệt thiết kế 41 tàu và đang lập thiết kế chín tàu còn lại 37 tàu chưa lập thiết kế. Đồng thời, UBND đã công bố bảy cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá đủ điều kiện theo quy định.
Lễ kí kết đóng tàu sắt đầu tiên cho ngư dân Quảng Nam theo nghị định 67. Ảnh: TD.
Theo Ban Chỉ đạo 67 tỉnh Quảng Nam, đã tổ chức 15 lớp tập huấn với 600 người tham gia để phổ biến các quy định, điều kiện và hướng dẫn hồ sơ thủ tục mua bảo hiểm nghề cá, hướng dẫn thành lập Tổ đoàn kết sản xuất trên biển. Đến nay, đã chi khoảng 4 tỉ đồng hỗ trợ chi phí bảo hiểm cho 3.280 thuyền viên với 143 tàu cá.
Hiện UBND tỉnh Quảng Nam đã đề xuất Bộ NN%PTNT danh mục các dự án ưu tiên thực hiện theo Nghị định 67 trong kế hoạch năm 2015 đối với cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, vùng sản xuất giống thủy sản tập trung.
Hiện đã có ba dự án hoàn chỉnh hồ sơ, gồm: dự án Đê chắn sóng tại khu neo đậu tranh trú bão tàu cá An Hòa (huyện Núi Thành); dự án mở rộng khu neo đâu tàu thuyền và kết hợp xây dựng Cảng cá Hồng Triều (huyện Duy Xuyên) và dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Đại (TP Hội An).
Trong giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đang xin chủ trương lập dự án cảng cá, chợ đầu mối thủy sản Tam Quang (huyện Núi Thành) và dự án xây dựng Trung tâm giống thủy sản nước mặn lợ Bình Nam (huyện Thăng Bình).