Ngày 6-8, ông Huỳnh Khánh Toàn (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) đã có công văn yêu cầu Nhà máy sô đa Chu Lai (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) tạm dừng hoạt động để khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường mà phía Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã thanh tra trước đó (Pháp Luật TP.HCMđã đưa tin).
Ông Toàn yêu cầu Công ty sô đa Chu Lai cần khắc phục ngay tình trạng gây ô nhiễm ở khu vực mương thoát nước bên cạnh nhà máy, đồng thời phải vớt toàn bộ số cá chết để tiêu hủy đúng quy định… Yêu cầu nhà máy nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Tổng cục Môi trường vào cuối năm 2015 (mặc dù bị phạt hơn 730 triệu đồng vì gây ô nhiễm nhưng công ty này chỉ mới nộp phạt số tiền 200 triệu đồng - PV).
Nhà máy sô đa Chu Lai xả thải làm cá chết. Ảnh: HUY TRƯỜNG
Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn yêu cầu Nhà máy sô đa Chu Lai phải đầu tư đồng bộ các công trình xử lý nước thải ra môi trường, báo cáo kết quả khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường định kỳ (15 ngày) để UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
Chưa hết, ngày 3-8, ông Toàn cũng đã có công văn gửi Bộ TN&MT đề nghị đình chỉ hoạt động của nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai để khắc phục các hậu quả về môi trường. Theo đề nghị này, nhà máy trên chỉ được hoạt động trở lại khi được cấp có thẩm quyền kiểm tra việc khắc phục hậu quả, cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, cấp phép xả nước thải vào nguồn nước theo quy định.
Người dân nuôi tôm bức xúc vì ô nhiễm do nhà máy sô đa gây ra. Ảnh: HUY TRƯỜNG
Đồng thời, ông Toàn cũng đề nghị phía Bộ chỉ đạo rà soát lại toàn bộ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; xem xét lại việc điều chỉnh hệ thống xử lý nước thải và bổ sung thêm nhà máy nhiệt điện của nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai nhưng chỉ thống nhất bằng văn bản mà không có phương án hoặc hồ sơ điều chỉnh kèm theo nên địa phương rất khó khăn trong việc giám sát.
Ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp, cho hay hiện tại cụm công nghiệp ở Tam Hiệp vẫn chưa có nhà máy xử lý nước thải nào. Chính vì thế, một số nhà máy ở cụm công nghiệp này vẫn xử lý nước thải theo kiểu “nội bộ” việc lén xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai là điển hình.
Hình ảnh gây ô nhiễm môi trường khi Nhà máy sô đa Chu Lai hoạt động. Ảnh: HUY TRƯỜNG
“Nhà máy sô đa này đã gây ảnh hưởng đến người dân trong vùng về việc khi vận hành thì gây tiếng ồn lớn, thải ra lượng khói lớn (lúc bình thường thì không sao nhưng lúc thời tiết âm u thì lượng khói này kết lại giống xỉ than) và nghiêm trọng nhất là nhà máy lén xả chất thải ra nguồn nước làm ô nhiễm môi trường” - ông Anh cho hay.
Như đã thông tin, Nhà máy sô đa Chu Lai thời gian qua đã gây ô nhiễm trầm trọng khiến người dân bức xúc. Đặc biệt, nhà máy này đã lén xả thải ra môi trường làm cá chết hàng loạt. Sau đó, Tổng cục Môi trường và các ngành chức năng đã kiểm tra đột xuất và xử phạt nhà máy này.