Quốc hội bàn luận về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến

Hai ngày cuối tuần qua, Quốc hội (QH) thảo luận về dự thảo nghị quyết tổ chức phiên tòa trực tuyến.

“Xu hướng tất yếu”

Đa số ý kiến phát biểu đều đồng tình rằng cần thiết ban hành nghị quyết của QH về tổ chức phiên tòa trực tuyến, như đề xuất của TAND Tối cao tại tờ trình.

Đại biểu (ĐB) QH Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang, cho biết: “Là địa phương đầu tiên bùng phát dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp, Bắc Giang chịu ảnh hưởng nặng nề, trong đó ngành tòa án phải dừng hoạt động xét xử”. 

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình và ĐBQH Lê Thanh Hoàn tại nghị trường. Ảnh: TTXVN

Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan tư pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động tư pháp, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phương tiện, nền tảng có ứng dụng CNTT.

“Vừa qua, được sự đồng ý của TAND Tối cao, TAND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến đầu tiên của tỉnh, đạt kết quả tốt. Theo tôi, TAND Tối cao đã hết sức thận trọng, chuẩn bị hết sức công phu trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết” - bà Hà đánh giá.

ĐBQH Lý Văn Huấn, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên, đề nghị TAND Tối cao cần phối hợp và sớm ban hành thông tư liên tịch, ngay sau khi nghị quyết được thông qua; đồng thời rà soát kỹ các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật vận hành vì hiện tại trang thiết bị đảm bảo phiên tòa trực tuyến ở cấp cơ sở, đặc biệt là cấp huyện chưa đảm bảo.

“Cần có các biện pháp để đảm bảo quyền con người, quyền của bị can, bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, luật sư…” - ông Huấn lưu ý thêm.

ĐBQH Trần Đình Văn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng, cũng nhận định tổ chức phiên tòa trực tuyến là “xu hướng tất yếu”. Phiên tòa trực tuyến rất cần cho tòa án điện tử, tòa án số, tiến tới xây dựng tòa án thông minh. Dù vậy, do xét xử trực tuyến là hình thức mới, pháp luật chưa có quy định, ông Văn đề nghị đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý cũng như quyền công dân…

Chỉ thí điểm ba năm

Đây là vấn đề liên quan đến hiến pháp, quyền con người, quyền công dân. Theo tôi, QH chỉ nên ban hành nghị quyết thí điểm xét xử trực tuyến trong vòng ba năm.

Đồng thời, chỉ nên lựa chọn án hình sự ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng và chứng cứ rõ ràng; những vụ án dân sự, hành chính có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đầy đủ; cũng như lựa chọn một số tỉnh, thành có điều kiện để tránh đầu tư dàn trải. Sau thời gian thực hiện, TAND Tối cao sẽ chủ trì đánh giá tổng kết việc thi hành để sửa đổi các luật tố tụng cho phù hợp.

ĐBQH LÊ THANH HOÀN, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật

 

“Chỉ trực tuyến khi không thể trực tiếp”

Trong khi đó, khi bấm nút tranh luận với các ĐB có nhận định “xét xử trực tuyến có rất nhiều ưu điểm”, ĐBQH Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ QH (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng), đã nói: “Tôi không nghĩ như vậy”.

Ông Hiển cho rằng một trong những nguyên tắc tố tụng cơ bản là nguyên tắc tranh tụng. Tranh tụng không chỉ được thể hiện bằng lời nói mà còn thể hiện qua thái độ, cử chỉ, tâm lý, cảm xúc và sự tương tác kịp thời giữa các bên trong tố tụng. Điều này có tác động rất lớn đến niềm tin nội tâm HĐXX cũng như các bên tham gia tố tụng.

“Nếu so sánh giữa xét xử trực tiếp và xét xử trực tuyến thì rõ ràng xét xử trực tuyến có nhiều bất lợi hơn so với xét xử trực tiếp” - ông Hiển nhận xét và phân tích.

Hai khía cạnh “bất lợi” ông Hiển nhắc tới là việc bảo đảm đầy đủ quyền của các bên tham gia tố tụng và bảo đảm sự tiếp cận, nhận định toàn diện, đầy đủ tình tiết của HĐXX.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp kiến nghị nghị quyết cần nêu rõ nguyên tắc “chỉ xét xử trực tuyến khi không thể xét xử trực tiếp”. Đồng thời, quy định rõ điều kiện “phải có sự đồng ý của các bên tham gia vào tổ chức phiên tòa” ngay trong nghị quyết, chứ không phải quy định tại thông tư hướng dẫn.

Với thông tư hướng dẫn, ông Hiển đề nghị làm rõ một số vấn đề, chẳng hạn khi các yếu tố kỹ thuật không bảo đảm để xét xử trực tuyến mà có điều kiện thì phải quay lại xét xử trực tiếp. Quá trình chuẩn bị xét xử, có đương sự lúc đầu đồng ý tham gia, sau không đồng ý tham gia thì xử lý thế nào? Hay sự tham gia của công chúng truyền thông phải được quy định rõ tại thông tư này…

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình: “Chúng tôi đã rất
thận trọng”

Giải trình sau đó, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết các ĐBQH đều đánh giá phiên tòa trực tuyến không chỉ đáp ứng được yêu cầu trước mắt mà còn lâu dài. Do vậy, nếu đưa vào nghị quyết mốc thời gian ba năm có nghĩa là sau đó lại phải có một nghị quyết khác nếu cần duy trì phương thức này.

“Hằng năm, chúng tôi sẽ báo cáo QH cái được, cái chưa được, những bài học rút ra và có đề nghị” - ông Bình nói.

Chánh án TAND Tối cao thông tin kinh nghiệm các nước, có nhiều cách “chuẩn bị hạ tầng pháp lý” cho phiên tòa này. Có nước đưa vào các đạo luật về tố tụng, có một đạo luật riêng về tố tụng điện tử hoặc giao cho chánh án TAND tối cao hướng dẫn.

 “Sự lựa chọn của chúng ta là ban hành một thông tư liên ngành. Chúng tôi đã rất thận trọng. Tôi đề nghị nếu ĐB nào quan tâm thì góp ý trực tiếp vào dự thảo thông tư và gửi lại. Ở phạm vi xin phép của QH, chúng tôi chỉ xin phép về mặt chủ trương…” - ông Bình cho hay.

Về vấn đề nguồn lực, theo ông Bình, tòa án mới chuẩn bị được ở một số địa phương như TP.HCM, Hải Phòng, Bắc Giang, Tuyên Quang và một số địa phương khác. Ông Bình đồng tình với ý kiến các ĐB cho rằng về mặt lâu dài, phải bố trí một nguồn lực hợp lý cho công việc này.

Về ý kiến cho rằng chỉ đưa ra xét xử trực tuyến đối với vụ án hình sự ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, ông Bình cho hay cách tiếp cận của thế giới chủ yếu ở nghĩa vụ chứng minh.

“Có những vụ án giết người, án thì rất phức tạp nhưng nghĩa vụ chứng minh rõ ràng, chứng cứ rõ ràng, thế giới vẫn xét xử trực tuyến. Còn chúng ta thì tùy QH, các cơ quan quyết định như nào thì chúng tôi sẽ tuân thủ như vậy” - ông Bình nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm