Chết vì tay Trung Quốc Bài 3: Đồng nhân dân tệ trở thành vũ khí

Death by China (Chết vì tay Trung Quốc) mở đầu chương bàn về chiến tranh tiền tệ bằng việc dẫn lời một nhà hoạt động người Mỹ, Eric Lotke, nói rằng: “Công nhân Mỹ có thể cạnh tranh ngang ngửa từng đôla với công nhân Trung Quốc. Họ chỉ không thể cạnh tranh giữa đôla với đồng nhân dân tệ đã được can thiệp điều khiển”.

Theo số liệu do chính Trung Quốc công bố, vào năm 2009, kho dự trữ ngoại tệ của họ đã tăng thêm 453 tỉ USD so với năm trước đó, để đạt khoảng 2.400 tỉ USD.

Có thể biến Mỹ thành con nợ

Trong một bài báo đăng trên Newsweek số ra ngày 1-2-2010, tác giả Robert J. Samuelson đưa ra một kịch bản xấu, rằng nếu bỗng nhiên Trung Quốc bán tống bán tháo kho dự trữ này thì đồng USD sẽ mất vai trò đồng tiền mạnh của thế giới và nước Mỹ sẽ bị giảm sút cả uy tín lẫn quyền lực. Tuy vậy, Trung Quốc sẽ không làm thế, vì lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ đó rất có ích cho họ: Thứ nhất là họ có thể dùng tiền ấy để mua công trái của Mỹ, để trở thành chủ nợ của chính phủ Mỹ. Thứ hai là họ dùng ngoại tệ để đầu tư vào nguyên liệu (dầu hỏa, khoáng sản), công nghệ hoặc đem đi viện trợ, cho vay để gây ảnh hưởng chính trị lên các nước khác. “Tóm lại, Trung Quốc có một bó tiền trị giá 2.400 tỉ USD để tùy nghi sử dụng. Vấn đề tức cười là: Mặc dù họ than thở là họ giữ quá nhiều trái phiếu của Mỹ nhưng chính việc nắm giữ trái phiếu này lại giúp đỡ các mục tiêu kinh tế của Trung Quốc: Tạo công ăn việc làm cho người lao động bằng cách xuất khẩu và ngăn ngừa nạn khan hiếm các loại nguyên liệu thiết yếu (…). Nhưng điều gì tốt cho Trung Quốc chưa chắc đã tốt cho phần còn lại của thế giới, kể cả nước Mỹ” - Robert J. Samuelson viết.

Đó cũng chính là những gì chương “Chết vì đồng nhân dân tệ: Ngọa hổ, tàng long” trong cuốn sách Death by China đề cập.

Thao túng tiền tệ

Hai tác giả Peter Navarro và Greg Autry khẳng định: “Nếu đồng tiền là nguồn gốc của mọi tội lỗi thì hành động thao túng đồng nội tệ của Trung Quốc - đồng nguyên (tức là nhân dân tệ) - là nguyên nhân gốc rễ của mọi vấn đề tồn tại trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung”.

Chết vì tay Trung Quốc Bài 3: Đồng nhân dân tệ trở thành vũ khí ảnh 1

Mỹ chịu thiệt thòi to lớn trong quan hệ đó. Các tác giả viết: “Về quy mô tuyệt đối, mỗi ngày, Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn 1 tỉ USD so với xuất khẩu. Về quy mô tương đối, gần nửa thâm hụt về mậu dịch hàng hóa của Mỹ là do Trung Quốc gây ra và nếu không tính dầu hỏa thì mức thâm hụt là 75%”. Hai ông nêu rõ: “Nếu Mỹ muốn giảm thâm hụt thương mại để thúc đẩy tăng trưởng và tạo thêm việc làm, điểm khởi đầu tốt nhất là cải cách tiền tệ ở Trung Quốc”.

Navarro và Autry giải thích Bắc Kinh đạt được thặng dư mậu dịch là nhờ duy trì chính sách can thiệp để gắn chặt đồng nhân dân tệ với đôla Mỹ, trong đó nhân dân tệ được định giá rất rẻ (1 USD ăn 6 RMB), chỉ khoảng 40% giá trị thực. Thực ra, điều này đã được giới chuyên gia và truyền thông quốc tế nói đến từ lâu; Death by China cũng không đưa ra được thêm nhiều bằng chứng hay kiến giải mới, mang tính khoa học. Tuy nhiên, cuốn sách diễn đạt một cách khá thẳng thắn và dễ hiểu: Cứ mỗi đôla hàng bán sang thị trường Mỹ, nhà xuất khẩu Trung Quốc chỉ phải đặt mức giá khoảng 60 cent, chẳng khác gì được nhà nước trợ giá. Ngược lại, mỗi đôla sản phẩm bán vào Trung Quốc, doanh nghiệp Mỹ phải định giá hàng cao hơn thế - như một loại thuế gián thu vậy. Bên cạnh đó, họ còn phải trả thêm khoảng 30% thuế trực thu.

Death by China phân tích: “Quá trình bắt đầu khi tôi và bạn đi vào một cửa hàng, ví dụ Walmart và mua một sản phẩm nhập từ Trung Quốc. Sau đó những đồng đôla của chúng ta sẽ được chuyển ra ngoài (tức là về Trung Quốc - ND). Khi ấy để duy trì tỉ giá cố định giữa USD và RMB, Trung Quốc sẽ phải nhanh chóng tái xuất “đồng đôla Walmart” trở lại thị trường Mỹ, bằng cách mua các tài sản tài chính như trái phiếu chính phủ Mỹ, bất động sản hoặc các công ty Mỹ; bằng không, đồng nguyên sẽ chịu áp lực rất lớn phải tăng giá”.

“Ăn mày hàng xóm”

Đến đây, Death by China đưa ra một khái niệm mà có lẽ còn ít độc giả bình dân biết: “Và bây giờ là diễn biến thú vị nhất trong câu chuyện khống chế tiền tệ của Trung Quốc: Trước khi chính phủ Trung Quốc có thể tái xuất bất cứ đồng đôla Walmart nào, họ phải giành quyền kiểm soát số đôla mà các nhà xuất khẩu đã tích lũy được. Việc này đòi hỏi phải có một quá trình phức tạp gọi là khử trùng”.

Khử trùng đồng đôla Walmart, tức là ép doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc phải mua trái phiếu chính phủ Trung Quốc bằng mệnh giá đôla. Cho mỗi trái phiếu bị buộc phải mua (như một hình thức giao nộp đôla cho chính quyền), doanh nghiệp sẽ được nhận khoảng 4% lãi suất. Sau đó, chính phủ Trung Quốc sẽ tái đầu tư những đồng bạc đã được “khử trùng” này vào trái phiếu chính phủ Mỹ, với lãi suất dưới 2%. Nghĩa là họ sẽ mất ít nhất 2% cho mỗi đồng đôla mà họ “khử trùng” và tính tổng cộng thì sẽ mất tới hàng tỉ USD. Tại sao ngân hàng trung ương lại có thể chịu thiệt như thế? “Đó là bởi vì Đảng Cộng sản Trung Quốc quan tâm đến tạo công ăn việc làm để duy trì ổn định chính trị và quyền lãnh đạo đất nước hơn rất nhiều so với tạo thu nhập” - cuốn sách viết. “Đây là một trong những khác biệt lớn nhất giữa chủ nghĩa tư bản của Mỹ và chủ nghĩa tư bản nhà nước “ăn mày hàng xóm” của Trung Quốc”.

Bạn đọc có thể thấy nhận định trên đây của Peter Navarro và Greg Autry về hoạt động “khử trùng đồng đôla” có phần nào chủ quan và thiếu thuyết phục, vì không lẽ Trung Quốc chấp nhận (và chịu đựng) được lâu dài tình trạng đi vay với lãi suất 4% và cho vay lãi suất dưới 2%? Ngoài ra, cũng từng có những chuyên gia tài chính quốc tế chỉ ra rằng việc Trung Quốc ôm một kho dự trữ 2.400 tỉ USD không phải hoàn toàn là điều tốt. Ngay từ giữa năm 2009, nhà kinh tế Đức Wrich Volz đã viết: “Trung Quốc rất lo lắng cho sự an toàn tài sản của họ. Họ sợ là chính phủ Mỹ theo đuổi những chính sách tài chính và tiền tệ bất cẩn sẽ làm giảm giá trị tài sản của mình”, “Mọi việc cho thấy là nếu họ bán tống bán tháo số USD này đi, sẽ gây nên cuộc khủng hoảng của đồng đôla”.

Tuy nhiên, chính sách “ăn mày” của Trung Quốc thì đã được nhiều người khác nói tới từ lâu. Keith Bradsher viết trên tờ New York Times rằng đất nước này “ăn mày công dân của chính họ, bằng cách giữ mức lương và lãi suất ngân hàng thấp để hỗ trợ xuất khẩu”. Trong Death by China, hai tác giả nhận định Trung Quốc còn “ăn mày hàng xóm”: “Họ tuyên bố là nếu đồng nhân dân tệ mạnh lên thì sẽ làm sụt giảm nghiêm trọng xuất khẩu, phá hoại nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng đó chỉ là một cách khác để nói rằng cách duy nhất để Trung Quốc có thể tăng trưởng là đi ăn mày phần còn lại của thế giới”.

“Sự mất cân đối trong quan hệ mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc không bao giờ có thể tồn tại trong một thế giới tự do thương mại, nơi Trung Quốc để cho đồng tiền của họ dao động giá thoải mái cùng với những đồng tiền được thả nổi khác như yen Nhật, franc Thụy Sĩ, real Brazil, rupee Ấn Độ và đôla Mỹ. (…) Bởi vì trong thế giới tự do thương mại, khi thâm hụt của Mỹ tăng lên, đồng đôla sẽ giảm giá tương đối so với nhân dân tệ. Khi đôla giảm giá, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc sẽ tăng, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc giảm xuống và mậu dịch song phương sẽ cân bằng trở lại. Tuy nhiên, bằng việc gắn chặt đồng nhân dân tệ với đôla, Trung Quốc đã phá hoại cơ chế thương mại tự điều chỉnh, phá hoại khuôn khổ tự do thương mại đặt trên nền tảng nguyên tắc các bên cùng có lợi”. (Death by China)

ĐOAN TRANG tổng thuật

Kỳ sau: Cuộc tấn công của những hacker đỏ

Đón đọc vào Pháp Luật TP.HCM ra ngày Chủ nhật, 10-6.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm