IPCC và tranh cãi về biến đổi khí hậu

Một khẳng định tày trời, lạc giữa gần một ngàn trang bản báo cáo năm 2007 của nhóm II, thuộc nhóm chuyên gia của uỷ ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nhưng đã được tờ báo Anh The Sunday Times ngày 17.1.2010 moi ra, như một bằng chứng về sự không nghiêm chỉnh của IPCC.

Tiếp theo là cả một chiến dịch báo chí (chủ yếu ở Anh, Mỹ) không chỉ nhắm vào IPCC mà còn xổ toẹt các lời cảnh báo về sự ấm lên của trái đất do những hoạt động của con người, đặc biệt là trong việc tiêu thụ năng lượng. Chiến dịch này không hoàn toàn ngẫu nhiên. Việc Mỹ không chịu ký kết Nghị định thư của hội nghị Khí hậu toàn cầu Kyoto (1997) và thất bại của hội nghị Copenhagen cuối năm 2009 cho thấy sức mạnh của những cuộc vận động hành lang chống đối mọi cảnh báo về biến đổi khí hậu, nhất là khi những cảnh báo đó đi kèm với đòi hỏi đổi mới nếp sống…

IPCC là ai?

Tên đầy đủ của tổ chức này là International Panel on Climate Change, một tổ chức liên chính phủ, do tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cùng với chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) đồng thành lập (năm 1988) nhằm đánh giá “các thông tin khoa học, kỹ thuật và kinh tế – xã hội cho phép tìm hiểu các nguy cơ của biến đổi khí hậu do con người gây ra”. IPCC không trực tiếp tiến hành những nghiên cứu mới, cũng như không xử lý các dữ liệu liên quan đến khí hậu, mà đưa ra đánh giá của mình chủ yếu dựa trên những công trình khoa học kỹ thuật được công bố trên các sách báo có đẳng duyệt.

Sai lầm không cố ý

Trước hết, phải nói rằng đó là một sai lầm. Một sai lầm lớn, thậm chí quá lớn để có thể được bỏ qua. Những nhà khí hậu học lập luận trên những quãng thời gian dài, không bao giờ đưa ra những lời tiên đoán cụ thể đến từng năm như vậy. IPCC cũng đã thừa nhận có thiếu sót trong quá trình đọc lại báo cáo của nhóm II nên để lọt sai lầm này, đồng thời nhấn mạnh là sai lầm không “thẩm thấu” vào những phần khác của báo cáo, nhất là nó đã hoàn toàn vắng mặt trong các bản tóm tắt kỹ thuật và tóm tắt dành cho những nhà hoạch định chính sách (chính trị gia, doanh nhân...)

Vậy phải nói rằng sai lầm nói trên là không cố ý, và đã không ảnh hưởng vào các kết luận mà IPCC đưa ra trong báo cáo 2007 của mình. Vì thế mà ông Achim Steiner, tổng giám đốc Chương trình Môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP) mới có thể khẳng định – trong một tuyên bố ngày 5.2.2010 – rằng dù sao, báo cáo của IPCC là “một đánh giá tốt nhất hiện có về nguy cơ biến đổi khí hậu”. Tuy thế, nó cũng tạo dư luận tiêu cực không nhỏ, làm tăng áp lực đòi cải tổ IPCC…

Những đề nghị cải tổ

Các chiến dịch vận động hành lang chống đối không hề nhỏ, và một sai sót trong bản báo cáo năm 2007 đã khơi mào cho một cuộc vận động đòi cải tổ IPCC. Tờ báo khoa học hàng đầu Nature, trong số ra ngày 11.2.2010, cũng đã vào cuộc, trao lời cho năm nhà khoa học khí hậu từng tham gia IPCC, để bàn về phương hướng cải tổ tổ chức này. Ý kiến phân tán của họ đi từ tăng cường kiểm tra các nguyên tắc hoạt động đã chặt chẽ hiện nay của IPCC, hoặc chia nhỏ tổ chức này (sau khi hoàn thành báo cáo số 5, năm 2014) để hoạt động hữu hiệu hơn cho các mục đích khác nhau – gần như ba nhóm hiện nay – cho tới rút toàn bộ tổ chức ra khỏi khung cảnh Liên hiệp quốc để tạo ra một diễn đàn mở về biến đổi khí hậu như kiểu Wikipedia v.v.

Nhưng dù tổ chức thế nào, ý thức của xã hội hiện nay về vai trò của con người trong biến đổi khí hậu đã tăng lên rõ rệt từ hơn hai thập kỷ hoạt động của IPCC. Và, như một nhà hoạt động môi trường nhận xét, nếu các kết luận về nguy cơ tiềm ẩn của hiệu ứng nhà kính có thể chưa hoàn toàn thuyết phục về mặt khoa học, những suy nghĩ từ nguy cơ đó đã mang lại nhiều điều tích cực, như các công nghệ sạch, các nếp sống tôn trọng môi trường hơn. Chẳng hơn là ngoảnh mặt làm ngơ, chờ nước đến chân mới nhảy?

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon hôm 10.3 cho biết sẽ có một nhóm nhà khoa học quốc gia kiểm tra lại bản báo cáo năm 2007 về tình trạng nóng ấm toàn cầu của uỷ ban Khí hậu Liên hiệp quốc. Trong thông báo này, ông Ban nói rõ: “Để tôi nói rõ thế này. Mối đe doạ của tình trạng thay đổi khí hậu là thật. Vẫn chưa có điều gì được công bố gần đây có thể thay đổi sự nhất trí chung nền tảng của các nhà khoa học về thay đổi khí hậu”.

Theo Hà Dương Tường (SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm