Rừng mưa Amazon - lá phổi của hành tinh đang oằn mình trong lửa với đà cháy nhanh nguy hiểm nhất từ trước đến nay.
Rừng mưa Amazon lớn thế nào? Trải rộng qua tám quốc gia, chiếm 40% lãnh thổ Nam Mỹ, tương đương gần 2/3 lãnh thổ nước Mỹ, Amazon được xem là khu rừng mưa lớn nhất thế giới. 2/3 diện tích rừng Amazon nằm ở Brazil.
Rừng mưa Amazon có thể sẽ không còn là lá phổi của hành tinh. Ảnh: TELEGRAPTH
Có đến hơn 30 triệu người sống trong rừng. Chưa hết, rừng Amazon còn là nhà của một số lượng rất lớn động vật đa dạng và quý hiếm như các loài động vật có vú, các loài chim quý, động vật lưỡng cư, bò sát. Cứ mỗi hai ngày có thêm một loài thực vật hay một loài động vật mới được phát hiện ở rừng Amazon.
Khỉ sóc trong rừng mưa nhiệt đới Amazon. Ảnh: GETTY IMAGES
Chỉ riêng rừng Amazon đã sản sinh khoảng 20% lượng khí ôxy cho Trái đất, đó là lý do tại sao khu rừng mưa này được xem là lá phổi của hành tinh.
Rắn rừng Amazon chết vì cháy rừng. Ảnh: PBS
Thảm họa cháy kinh hoàng chưa từng có mà rừng Amazon đang gánh chịu chẳng những đe dọa đến hệ sinh thái của khu rừng này mà còn tác động đến toàn cầu.
Điều gì đang xảy ra?
Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil (INPE) thống kê từ đầu năm 2019 đến nay có tới hơn 74.000 đám cháy ở nước này, hơn phân nửa trong số đó xảy ra ở Amazon. Có thể hình dung cứ mỗi phút lại có thêm một khoảng diện tích rừng Amazon rộng hơn 1,5 sân bóng đá bị thiêu rụi, INPE thống kê.
Bản đồ thống kê các đám cháy ở rừng Amazon hiện tại. Ảnh: CNN
Số lượng đám cháy tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Điều này không thể không liên quan đến thực tế mật độ phá rừng ở Brazil năm nay tăng tới 80% so với năm ngoái, theo số liệu từ INPE.
Hình ảnh chương trình vệ tinh Copernicus của Liên minh châu Âu thu thập được cho thấy khói từ các đám cháy trải dài dọc bờ biển Brazil phía đông Đại Tây Dương. Khói cháy rừng bao phủ gần nửa diện tích Brazil.
Thậm chí TP Sao Paulo, cách rừng Amazon hơn 3.000 km, cũng bị khói cháy rừng lan tới. Bầu trời TP những ngày này luôn bị bụi, khói bao phủ, mặt trời bị khói che mờ.
Khói cháy rừng bao phủ bầu trời TP Sao Paulo (Brazil). Ảnh: GETTY IMAGES
Hiện khói đã bắt đầu lan sang các nước láng giềng như Peru, Bolivia và Paraguay.
Tại sao một khu rừng mưa lại có thể bị cháy dữ dội như vậy?
Lý do lớn nhất theo các chuyên gia là tại con người chặt phá cây rừng để lấy đất trồng nông sản hay lập trang trại nuôi gia súc. Vì thế, theo chuyên gia môi trường Christian Poirier tại tổ chức phi lợi nhuận Quan sát Môi trường, chính chuyện phá rừng là nguyên nhân đứng đằng sau việc số vụ cháy rừng Amazon tăng cao hiện nay.
Hơn nữa, theo nhà khí tượng học Haley Brink, lúc này là thời điểm tốt nhất cho cháy hoành hành vì thực vật đang khô.
Cây rừng bị chặt, bỏ khô và cháy ở rừng Amazon. Ảnh: REUTERS
Chưa hết, cây, cỏ và động vật ở rừng Amazon không có khả năng thích ứng một khi có lửa, vì thế rất dễ dàng bị thiêu rụi và bị giết. Điều này khác với các khu rừng ở Bắc Mỹ vốn có khả năng thích ứng với cháy và sống sót qua cơn cháy cao hơn.
Nhà khoa học cấp cao Alberto Setzer tại INPE cho rằng 99% các vụ cháy xuất phát từ hành động của con người “dù là cố ý hay vô tình”.
Phá rừng không chỉ xảy ra tại Brazil. Khắp toàn cầu, nhu cầu khai phá rừng để làm nông nghiệp, chăn nuôi gia súc hay các loại hình sản xuất đang tràn lan. Theo chuyên gia Nigel Sizer - nhà sinh thái rừng nhiệt đới tại tổ chức môi trường Liên minh Rừng nhiệt đới, hành động này chịu trách nhiệm cho việc mất 80%-90% rừng nhiệt đới khắp thế giới.
Một khoảnh rừng Amazon bị phát quang năm 1990. Ảnh: GETTY IMAGES
Hiện khoảng 20% quần xã sinh vật Amazon - không chỉ rừng nhiệt đới mà cả các khu vực rừng liền kề - đã bị mất vì các hoạt động khai khoáng, làm nông trại, làm thủy điện, làm đường…, theo Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (WWF).
Rừng Amazon bị phá mang lại hậu quả gì?
Khoảng 20% khí CO2 thải ra thế giới xuất phát từ việc phá rừng. Và hiện tại, rừng Amazon đang “chìm ngập” trong khí carbon dioxide (CO2) - loại khí chủ yếu phát ra từ việc đốt các nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu, khí tự nhiên.
Trước đợt cháy hiện tại, WWF đã thống kê Amazon thải ra môi trường tới 0,5 tỉ tấn khí CO2 mỗi năm vì rừng bị phá.
Một dải rừng Amazon gần TP Humaita, bang Amazonas (Brazil) cháy đỏ ngày 17-8. Ảnh: REUTERS
Song tính tới hiện tại về tổng thể thì hiện tại rừng Amazon vẫn là một nguồn ôxy của thế giới. Tuy nhiên, nhiều nhà môi trường cảnh báo nếu đà phá rừng cứ tiếp tục tăng cùng với các điều kiện sinh thái khác có thể khiến rừng Amazon trở thành một nguồn CO2 chứ không còn là nguồn ôxy.
Khi đó, theo WWF, thay vì bảo vệ hành tinh khỏi các tác hại của việc nóng lên toàn cầu như trước, lúc này rừng Amazon có thể sẽ trở ngược làm hại hành tinh với việc tăng thải khí CO2, góp phần làm thế giới nóng hơn.
Nhân tố chính trị nào ảnh hưởng đến phá rừng?
Nhiều tổ chức môi trường chỉ trích Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro về việc ông này thả lỏng kiểm soát môi trường và bật đèn xanh cho phá rừng, gây hại đến rừng Amazon.
Từ hồi còn vận động tranh cử, ông Bolsonaro đã hứa sẽ khôi phục kinh tế Brazil bằng cách khai thác tiềm năng kinh tế của rừng Amazon.
Sau khi thắng cử, ông Bolsonaro đã cắt 23 triệu USD khỏi ngân sách chi cho cơ quan quản lý môi trường của Brazil, bắt buộc cơ quan này phải tiết giảm các chiến dịch bảo vệ môi trường.
Trước thực tế cháy rừng Amazon ngày càng nhiều, ông Bolsonaro cho rằng các tổ chức môi trường đã cố tình gây cháy rừng như một cách phản ứng việc ông cắt bớt ngân sách và đổ lỗi cho chính phủ của ông.
Người dân biểu tình ở Sao Paulo (Brazil) ngày 23-8, yêu cầu chính phủ ra tay dập cháy rừng. Ảnh: BUSINESS INSIDER
Trong khi ông Bolsonaro đổ lỗi cho các tổ chức môi trường, các chính trị gia thế giới cũng bày tỏ sự bất an về việc rừng Amazon cháy lớn.
Trên Twitter, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết: “Ngôi nhà của chúng ta bị cháy. Đúng như vậy”, đồng thời đề nghị các nước thành viên G7 (Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh, Mỹ) bàn về sự việc này. Chính phủ Đức ủng hộ yêu cầu của ông Macron.
Tuy nhiên, ông Bolsonaro lại không hài lòng: “Việc tổng thống Pháp đề xuất bàn vấn đề rừng Amazon ở khối G7, không bao gồm các nước trong khu vực là sự gợi nhớ lại quan điểm thực dân không thích hợp trong thế kỷ 21”.
Chúng ta có thể làm gì?
Không cần đợi các chính trị gia hành động, mỗi người trên hành tinh cũng có thể góp phần cứu lấy môi trường của chính mình bằng nhiều cách. Một trong những cách đó là ưu tiên mua các sản phẩm có chứng nhận không có hại cho môi trường "Rainforest Alliance Certified™".
Hiện có hàng ngàn sản phẩm loại này đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, trong đó có cà phê, chocolate, chuối.
Ngoài ra, mọi người có thể tăng cường đi bộ, bớt sử dụng ô tô, hoặc nếu có thể hay mua xe tiết kiệm nhiên liệu. Việc tăng nhiệt độ phòng lạnh lên một vài độ không chỉ giúp tiết kiệm tiền mà còn giúp ích rất nhiều cho môi trường.
Tổ chức môi trường Greenpeace gọi hành động phá rừng là tội ác - Crime. Ảnh: REUTERS
Trong toàn bộ lượng khí nhà kính mà bộ phận vật nuôi sản sinh ra thì gia súc chịu trách nhiệm tới 41% và lượng khí nhà kính do gia súc sản sinh ra cũng chiếm 14,5% tổng khí thải toàn cầu.
Vì vậy, để góp phần bảo vệ môi trường, mọi người cũng có thể hạn chế ăn thịt, đặc biệt thịt bò. Bò sản sinh ra một khí nhà kính có tên methane vốn có hại hơn CO2 tới 25 lần.
Ngoài ra, mọi người có thể đóng góp cho các tổ chức môi trường, chung tay giúp các tổ chức này có thêm tiền hoạt động bảo vệ môi trường.