Vòng đàm phán thương mại cấp cao Mỹ-Trung diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc) trong hai ngày 14 và 15-2. Phái đoàn hai bên rất nỗ lực tìm một thỏa thuận trước khi thời hạn đình chiến thương mại kết thúc vào ngày 1-3 tới.
Sáng 15-2, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin – hai quan chức dẫn đầu phái đoàn Mỹ sang Bắc Kinh – đã không trả lời báo chí khi đến địa điểm đàm phán với phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu.
Cần có cuộc gặp Trump-Tập mới có được thỏa thuận?
Hãng Bloomberg dẫn nguồn tin từ ba quan chức Mỹ và Trung Quốc cho biết cho tới giờ hai bên vẫn chưa thống nhất được các bất đồng thương mại.
Theo nguồn tin từ Bloomberg thì tới lúc này phía Mỹ vẫn giữ nguyên quan điểm Trung Quốc phải sửa đổi các chính sách kinh tế bất lợi cho Mỹ. Tuy nhiên, có thông tin một số thành viên trong chính phủ Mỹ đang lo chủ nhân Nhà Trắng vì ngại cuộc chiến kéo dài sẽ ảnh hưởng nặng đến thị trường tài chính và kinh tế Mỹ nên sẽ không làm tới cùng mà thỏa hiệp, nhẹ tay với Trung Quốc.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (giữa) sang Trung Quốc đàm phán thương mại ngày 14-2. Ảnh: REUTERS
Các nhà thương thuyết Trung Quốc thì hy vọng ông Trump sẽ làm thế. Từ năm ngoái, Trung Quốc đã chi tiền mua đậu nành và khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ để kéo giảm khoảng cách thiếu hụt thương mại với nước này, xoa dịu sự bất mãn của Washington.
Theo lời các nguồn tin quan chức Mỹ và Trung Quốc nói với Bloomberg thì có lẽ cần phải có một cuộc gặp nữa giữa ông Tập và ông Trump mới mong có được một thỏa thuận. Tuy nhiên đến thời điểm này lịch gặp giữa hai nhà lãnh đạo này vẫn chưa được xác định. Nhiều khả năng hai ông sẽ không gặp nhau trước thời hạn cuối của cuộc đình chiến thương mại 1-3.
Tổng thống Trump đầu tuần này nói ông có thể gia hạn thêm thời gian đình chiến thương mại thêm 60 ngày nếu hai nước có thể đạt được thỏa thuận thay đổi cấu trúc kinh tế và các chính sách thương mại của Trung Quốc. Tuy nhiên vào ngày 14-2, khi được hỏi liệu chính quyền của Tổng thống Trump có cân nhắc kéo dài thời gian đình chiến thương mại hay không, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói chính phủ chưa có quyết định nào.
Cơ hội lớn cho Nga
Trước tình hình này, Hiệp hội Phát triển Trung Quốc Hải ngoại (CODA) nhận định cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và việc Mỹ trừng phạt Nga có thể là một cơ hội tuyệt vời cho Nga.
Nói với hãng tin RIA Novosti bên lề Diễn đàn Đầu tư Nga tổ chức ở TP Sochi (Nga), Tổng Thư ký CODA He Zhenwei cho rằng: “Năm vừa qua là một năm rất quan trọng với Nga và Trung Quốc… Bất chấp các thách thức địa chính trị, nền kinh tế hai nước vẫn đi lên”.
Ông He nhận định diễn biến xấu đi thời gian qua trong quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ đã tác động một cách tích cực đến sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga. Theo ông He, giá trị thương mại giữa hai nước trong năm ngoái đã đạt hơn 100 tỉ USD, và khuynh hướng tăng này đặc biệt thể hiện rõ ở lĩnh vực nông nghiệp.
Cụ thể, “xuất khẩu đậu nành từ Nga sang Trung Quốc tăng 1,5 lần trong năm 2018, đạt 800.000 tấn”. Và “sự gia tăng này được thúc đẩy nhờ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã khiến xuất khẩu đậu nành của Mỹ sang Trung Quốc giảm mạnh”.
Xuất khẩu nông nghiệp của Nga sang Trung Quốc tăng mạnh trong năm 2018. Ảnh: BLOOMBERG
Theo ông He, Trung Quốc là một thị trường khổng lồ với các sản phẩm nông nghiệp Nga, như bắp, thịt, ngũ cốc, mật ong…., và Trung Quốc đã mở cửa thị trường cho các nhà sản xuất Nga.
Ví von “tại Trung Quốc chúng ta có thể nói: Khi Chúa đóng các cánh cửa thì ngài ấy cũng mở một cửa sổ”, ông He thừa nhận “cuộc chiến thương mại thật sự rất tệ với Trung Quốc và Mỹ, nhưng nó cũng mang lại một cơ hội mới cho các bên thứ ba, và họ nên nắm lấy cơ hội này”.
Cũng theo ông He, phần lớn các công ty Mỹ đều lo ngại việc Mỹ trừng phạt Nga có thể sẽ gây rắc rối cho việc giao dịch đồng USD với các đối tác Nga. Tuy nhiên, nếu Mỹ cấm hoàn toàn việc giao dịch bằng đồng USD thì có khả năng các bên sẽ tăng giao dịch bằng tiền tệ nước mình.