Nga đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí

Nga đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí ảnh 1

Tàu ngầm lớp Kilo - Ảnh: Wikipedia

Kilo được đánh giá là loại tàu ngầm yên tĩnh nhất trên thế giới, có giá khoảng 200-250 triệu USD/chiếc, chủ yếu phục vụ các chiến dịch chống tàu chiến và tàu ngầm trong các vùng nước nông. Tàu ngầm lớp Kilo dài 70-74m, có thể lặn xuống độ sâu tối đa 350m, hoạt động trong phạm vi 9.650km. Với sức chứa tối đa 57 người, tàu ngầm lớp Kilo được trang bị tám tên lửa đối không và sáu ống phóng ngư lôi có khả năng phóng ngư lôi hoặc tên lửa dưới nước.

Nga hiện là cường quốc xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Năm 2011, theo cơ quan trung gian xuất khẩu vũ khí của Nga Rosoboronexport, doanh thu xuất khẩu vũ khí của Nga sẽ đạt 9,5 tỉ USD so với 8,6 tỉ USD năm 2010. “Chúng tôi chỉ đứng sau Mỹ và không có ý định đánh mất vị trí này” - lãnh đạo Rosoboronexport Anatoly Isaikhin khẳng định.

Máy bay chiến đấu

Trong danh sách các vũ khí xuất khẩu, máy bay chiến đấu và các thiết bị liên quan chiếm tới 43% tổng xuất khẩu vũ khí của Nga. Tại các hội chợ vũ khí quốc tế gần đây, Nga liên tục giới thiệu hàng loạt mặt hàng máy bay và trực thăng chiến đấu, bao gồm máy bay chiến đấu đa mục tiêu Sukhoi Su-35 và Su-30MK2, trực thăng tấn công Ka-52 Hokum B, các hệ thống phòng ngự không trung và tên lửa như S-400, Tor-M2E, Buk-M2E, Tunguska M1, Pantsyr-S1, Igla-S...

“Chiến tranh hiện đại chủ yếu diễn ra trên bầu trời, do đó việc mua các hệ thống phòng ngự không trung của Nga là sự lựa chọn đáng xem xét” - ông Sergei Goreslavsky, giám đốc tiếp thị Hãng Russian Technologies State, khẳng định. Trong chiến lược xuất khẩu máy bay chiến đấu của Nga, máy bay Sukhoi của Công ty Sukhoi Aviation - công ty con của Tập đoàn United Aircraft (UAK) - là con ách chủ bài, chiếm tỉ lệ áp đảo trong tổng xuất khẩu máy bay chiến đấu của Nga.

Ngày 16-8, tại Hội chợ hàng không quốc tế MAKS ở Matxcơva, UAK đã chính thức giới thiệu loại máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên của Nga mang tên Sukhoi Tu-50. Do Nga và Ấn Độ cùng phát triển, Sukhoi Tu-50 là đối thủ cạnh tranh với máy bay chiến đấu F-22 Raptor của Hãng Lockheed Martin (Mỹ) và chiếc F-35 do Boeing và Lockheed Martin cùng phát triển.

Mikhail Pogosyan, chủ tịch UAK, cho biết UAK có kế hoạch sản xuất 1.000 chiếc Sukhoi Tu-50 trong vòng 10 năm tới. Các khách hàng ban đầu của UAK sẽ chỉ là quân đội Nga và Ấn Độ, còn các quốc gia khác có thể đặt mua từ năm 2015. Lợi thế cạnh tranh của chiếc máy bay hai động cơ, một chỗ ngồi này là giá. Giá ước tính của một chiếc Sukhoi Tu-50 khoảng 100 triệu USD so với giá của một chiếc F-22 Raptor của Mỹ là 140 triệu USD.

Trong khi chờ đợi máy bay Sukhoi Tu-50, Nga đã xuất khẩu mạnh dòng máy bay Sukhoi Su-30M với phiên bản xuất khẩu là chiếc Su-30MK. Giới chuyên gia quân sự đánh giá loại máy bay động cơ đôi, hai chỗ ngồi này hiện đại, dễ vận hành, linh hoạt, lại rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ Mỹ và châu Âu. Trong danh sách top 10 máy bay chiến đấu hiện đại năm 2010 do trang web Weapon & Technology bình chọn, Su-30MK của Nga đứng hàng thứ tư.

Nga đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí ảnh 2

Máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30MK - Ảnh: Airliners.net

Tàu chiến

Máy bay Su-30MK có khả năng đối phó với hai mục tiêu trên không cùng lúc, được trang bị các loại tên lửa không đối không, không đối đất, các loại bom, rocket... Với số lượng vũ khí đa dạng và khả năng chứa tối đa 9.400kg nhiên liệu, Su-30MK có khả năng hoạt động trong phạm vi 3.000-5.000km và thực hiện nhiều nhiệm vụ chiến đấu khác nhau.

Xuất khẩu tàu chiến và các thiết bị hải quân cũng là thế mạnh của công nghiệp vũ khí Nga. Lĩnh vực này chiếm khoảng 22% tổng xuất khẩu vũ khí của Nga. Mới đây Nga đã công bố đang phát triển loại tàu ngầm hạt nhân lớp Severodvinsk ít tạo tiếng động và khó bị dò tìm nhất so với các đối thủ khác. Loại tàu ngầm này có khả năng phóng tên lửa hạt nhân và tên lửa hành trình từ khoảng cách gần 5.000 km. Nga cũng đang phát triển loại tàu ngầm Kazan có độ ồn cực thấp.

Châu Á là thị trường vũ khí hàng hải chủ chốt của Nga với các sản phẩm chính là tàu ngầm, tàu khu trục nhỏ và tàu khu trục lớn. Trong đó tàu ngầm chạy dầu diesel - điện là một trong những mặt hàng bán chạy nhất. Rosoboronexport ước tính từ năm 2007-2015 có thể bán được hơn 40 chiếc tàu ngầm lớp Kilo và tàu ngầm lớp Lada.

Đến nay, Nga đã xuất khẩu tàu ngầm lớp Kilo cho các quốc gia như Algeria, Trung Quốc, Ấn Độ, Phần Lan, Iran, Romania. Tại Việt Nam, mới đây đại tướng Phùng Quang Thanh cũng thông báo hải quân Việt Nam sẽ có lữ đoàn tàu ngầm với sáu tàu Kilo trong vòng 5-6 năm tới.

Theo Sơn Hà (TTO /Global Security, Defenseindustrydaily, RIA Novosti)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm