Mới đây, tờ The New York Times dẫn một nghiên cứu được tiến hành tại thời điểm kết thúc dịch SARS (Hội chứng suy hô hấp cấp tính) năm 2003 chỉ ra đeo khẩu trang là biện pháp phòng, chống lây nhiễm hiệu quả nhất.
Cụ thể, đeo khẩu trang giúp giảm nguy cơ lây nhiễm virus đến 68%. Trong khi đó, rửa tay với tần suất hơn 10 lần mỗi ngày chỉ giảm được 55%, tương tự với việc đeo găng tay. Khi kết hợp đầy đủ tất cả biện pháp - rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, găng tay và mặc đồ bảo hộ - thì nguy cơ lây nhiễm chỉ còn 9%.
Với kết quả này, The New York Times kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cập nhật lại tài liệu hướng dẫn tự bảo vệ bản thân dành cho người bình thường trong mùa dịch COVID-19. Theo đó bổ sung việc đeo khẩu trang vào danh sách các biện pháp cần thiết.
Binh sĩ Brazil đeo khẩu trang trong lúc tiếp nhận công dân từ Vũ Hán (Trung Quốc) về nước hồi tháng 1-2020. Ảnh: AP
Đến nay cả WHO và CDC Mỹ đều cho rằng khẩu trang chỉ dành cho người đã nhiễm COVID-19 hoặc dành cho nhân viên y tế thường xuyên phải tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm. Còn lại những người khỏe mạnh chỉ cần rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách ít nhất 1,8 m với người khác.
Tuy nhiên, việc COVID-19 tiếp tục lây lan ở Mỹ cho thấy khuyến nghị của WHO và CDC Mỹ không đạt được hiệu quả như mong đợi và hàng triệu người còn khỏe mạnh ở nước này đang đối diện với nguy cơ lây nhiễm ngày càng tăng.
Mới đây, tờ South China Morning Post dẫn nguồn tin mật từ chính phủ Trung Quốc tiết lộ ít nhất 1/3 số ca nhiễm COVID-19 ở nước này không biểu hiện triệu chứng. Hiện tượng này cũng được ghi nhận ở nhiều nước và vùng lãnh thổ khác như Nhật, Hàn Quốc, Iceland và Hong Kong.
Phát hiện này tiếp tục đặt ra thách thức lớn đối với bộ phận dân số chưa nhiễm trên thế giới khi hầu hết các chiến lược chống dịch hiện nay đều dựa vào khả năng xác định và cách ly những người biểu lộ triệu chứng ra bên ngoài. Việc đeo khẩu trang khi đi ra đường qua đó trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
"Hiện vẫn chưa rõ bao nhiêu phần trăm dân số Mỹ đã nhiễm COVID-19 nhưng chưa có triệu chứng. Tuy nhiên, hầu hết các ca dương tính đều có khả năng lây cho người khác 48 giờ sau khi virus đi vào cơ thể. Việc đeo khẩu trang có thể giúp giảm thiểu khả năng bị người bệnh lây dịch" - Giám đốc BV ĐH Pennsylvania (Mỹ) Neil Fishman nhận định.
Một lợi ích khác của việc đeo khẩu trang là người đeo không thể chạm vào mặt mình, giảm được nguy cơ nhiễm virus tồn tại trên các bề mặt ngoài môi trường.
Trên phương diện tâm lý, nhiều người cùng lúc đeo khẩu trang sẽ tăng cường tinh thần cảnh giác, không lơ là trong giai đoạn hiện tại và là dấu hiệu của một xã hội đoàn kết, sẵn sàng chung tay dập dịch. The New York Times còn chỉ ra phần lớn các nước châu Á tiến hành giãn cách xã hội sớm và khuyến cáo người dân đeo khẩu trang đến nay đều đã kiểm soát được dịch.
"Nếu ai cũng đeo khẩu trang thì có thể giảm được nguy cơ lây nhiễm nhưng tôi không nghĩ ở Mỹ có đủ khẩu trang để chính sách này phát huy tác dụng" - ông Neil Fishman chia sẻ.