Mỹ: COVID-19 bay trong không khí 3 giờ, bám bề mặt 3 ngày

Tạp chí Time dẫn nguồn hãng tin AP cho biết một nghiên cứu công bố ngày 11-3 của Mỹ khẳng định virus gây dịch COVID-19 có khả năng tồn tại trong không khí đến 3 giờ và bám trên một số bề mặt đến ba ngày.

Được biết nhóm nghiên cứu tập hợp hàng loạt các chuyên gia đầu ngành từ Viện Y tế Quốc gia Mỹ, ĐH Princeton, ĐH California, ĐH Los Angeles với nguồn quỹ từ chính phủ Mỹ và Quỹ Khoa học Quốc gia.

Một bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Viện dưỡng lão Life Care ở Kirkland, bang Washington được đưa đi nhập viện hôm 7-3. Ảnh: AFP

Các nhà khoa học đã sử dụng thiết bị khí dung để thử nghiệm việc đưa mẫu virus mới vào không khí, nhằm mô phỏng tình huống tương tự khi một người bị nhiễm virus ho hoặc phát tán virus ra không khí.

Họ phát hiện ra rằng virus vẫn có thể tồn tại sau ba giờ trong không khí, bốn giờ trên bề mặt đồng, 24 giờ trên bìa cứng và tới ba ngày trên bề mặt nhựa và thép không gỉ. Kết quả này khớp với kết quả thu được từ cuộc thử nghiệm tương tự với virus gây ra dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) năm 2003.

GS Julie Fischer thuộc ĐH Georgetown khẳng định phát hiện trên đã chứng minh tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ đồng thời khuyến nghị người dân nên rửa tay thường xuyên hơn. 

Trước đó, tờ South China Morning Post dẫn một nghiên cứu khác của Trung Quốc công bố hôm 6-3 trên chuyên san Practical Preventive Medicine chỉ ra virus Corona chủng mới có thể lơ lửng trong không khí ít nhất 30 phút và bay xa đến 4,5 m.

Cụ thể, nghiên cứu trên được thực hiện dựa trên cụm lây nhiễm trên một xe buýt ngày 22-1 ở tỉnh Hồ Nam nhằm chứng minh virus vẫn lơ lửng trên xe sau khi người nhiễm ban đầu đã rời khỏi xe.

Sơ đồ lây nhiễm của xe buýt trong nghiên cứu nói trên. Màu đỏ là bệnh nhân nhiễm COVID-19 ban đầu, màu cam là người bị lây trên xe buýt, màu xanh là người bị lây nhưng không biểu hiện triệu chứng, màu hồng là người bị lây sau khi người nhiễm ban đầu đã xuống xe được 30 phút. Ảnh: SCMP 

Theo đó, bệnh nhân nhiễm bệnh ban đầu (gọi là A), không đeo khẩu trang và đi lên một chuyến xe đường dài 48 chỗ ngồi. Người này ngồi hàng ghế thứ hai (tính từ đuôi xe). Thời điểm này, chính quyền chưa công bố dịch nên nhiều hành khách trên xe cũng không đeo khẩu trang.

Nhóm nghiên cứu quan sát video trích xuất từ các camera an ninh trên xe buýt xác nhận bệnh nhân A không tiếp xúc với ai trong suốt chuyến đi kéo dài bốn giờ.

Tuy nhiên, khi xe buýt dừng ở thành phố kế tiếp, virus đã lây từ A sang bảy người khác (bao gồm sáu người ngồi tương đối gần A và người ngồi cách A sáu hàng ghế, tức là khoảng cách 4,5 m). Tất cả người này đều dương tính với COVID-19, trong đó có một người không có biểu hiện bệnh.

Sau khi nhóm hành khách này xuống xe, một nhóm khác lên xe khoảng 30 phút sau đó. Một người ngồi gần hàng ghế đầu phía dãy bên kia cũng bị nhiễm virus. Nhiều khả năng, bệnh nhân này đã hít phải dịch chứa virus từ nhóm trước đó.

Vì thế, các chuyên gia đưa ra khả năng virus có thể tồn tại trong không khí ít nhất 30 phút.

Sau khi xuống xe, bệnh nhân A tiếp tục lên một xe buýt nhỏ hơn và ngồi khoảng một giờ. Hai hành khách khác trên chuyến xe này ngồi cách xa A 4,5 m tiếp tục bị nhiễm bệnh.

Khi hoàn tất nghiên cứu vào giữa tháng 2, bệnh nhân A đã lây bệnh cho 13 người khác nhau. 

Nhóm nghiên cứu kết luận phát hiện trên cho thấy nhà chức trách phải thay đổi và cập nhật về khoảng cách an toàn để tránh lây nhiễm virus giữa người với người. Hiện chính quyền Bắc Kinh đang khuyến nghị người dân nên giữ khoảng cách 1-2 m với người đối diện. 

Dù vậy, Practical Preventive Medicine bất ngờ rút công bố nghiên cứu này vào ngày 10-3 nhưng không đưa ra lý do cụ thể. Chuyên san này cũng chưa phản hồi yêu cầu phỏng vấn của South China Morning Post

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm