Ngày 11-3 (giờ địa phương), hãng tin Reuters cho hay Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã chính thức tuyên bố dịch COVID-19 là “đại dịch toàn cầu đầu tiên do virus Corona chủng mới gây ra”.
“Chúng tôi quan ngại sâu sắc cả tình trạng báo động về sự lây lan, tính chất nghiêm trọng cũng như mức độ báo động về tình trạng thờ ơ của nhiều bên. Do đó, chúng tôi đánh giá COVID-19 là một đại dịch và gióng lên hồi chuông cảnh báo rõ ràng” - ông Ghebreyesus khẳng định.
Chìa khóa là phong tỏa sớm
Trong một bài viết đăng trên Medium ngày 11-3, cây bút Tomas Pueyo nhấn mạnh trước tình hình dịch diễn biến nghiêm trọng trên thế giới, chính phủ các nước chỉ có một giải pháp duy nhất đủ khả năng cản đà lây lan của dịch: Cách ly, phong tỏa càng nhanh càng tốt ở cả quy mô khu vực và giữa từng cá nhân với nhau.
Theo ông Pueyo, một trong những nguy cơ khi chính quyền trì hoãn việc phong tỏa, cách ly vùng có dịch không phải nằm ở số ca được thống kê công khai mỗi ngày, mà là ở số lượng trường hợp đang ủ bệnh.
Tại Trung Quốc (TQ), cây bút này cho biết vào ngày 21-1 khi chỉ mới công bố có 400 ca nhiễm COVID-19 ở tâm dịch Vũ Hán, Bắc Kinh đã lập tức ban lệnh phong tỏa thành phố này. Một ngày sau đó, một loạt 15 thành phố khác của Hồ Bắc cũng bị đóng cửa.
“Hãy lưu ý thời điểm mà TQ đóng cửa Vũ Hán, lúc đó không phải chỉ có 400 ca trên toàn thành phố mà thực chất số người nhiễm phải lên tới 2.500 người. Chênh lệch ở đây do các bác sĩ Vũ Hán ban đầu chỉ biết 400 ca đã phát bệnh đến khám ở cơ sở y tế chứ không nắm được bao nhiêu trường hợp đang ủ bệnh ở bên ngoài” - ông Pueyo giải thích.
Giai đoạn sau khi đóng cửa, các trường hợp ủ bệnh nói trên bắt đầu bột phát khiến số ca nhiễm tăng chóng mặt. Nhưng một khi chạm đỉnh, Vũ Hán không có thêm ca nhiễm mới nào nữa và tỉ lệ nhiễm bệnh bắt đầu giảm mạnh đến nay. Tất cả tỉnh, thành TQ bị phong tỏa từ đầu tháng 1 đều ghi nhận mức giảm như Vũ Hán.
Các nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện số 1 Vũ Hán, TQ (ảnh chụp ngày 26-2). Ảnh: CCTV
Nhìn rộng ra toàn khu vực, nhiều quốc gia châu Á cũng đã nhanh chóng tiến hành các biện pháp tương tự Vũ Hán. Theo cây bút Tomas Pueyo, lãnh đạo những nước này đã có kinh nghiệm chống dịch từ đợt bùng phát virus gây dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) năm 2003. “Nhờ hành động sớm cùng kinh nghiệm có được, số ca nhiễm ở nhiều quốc gia châu Á dù tăng nhanh trong thời gian đầu nhưng sau một thời gian vẫn ổn định lại” - ông Pueyo nhận xét.
Riêng trường hợp Hàn Quốc, chính quyền Seoul ban đầu đã kiểm soát thành công 30 ca nhiễm đầu tiên. Dù vậy, nhà chức trách sau đó không thể lường trước được mức lây lan quá nhanh của bệnh nhân thứ 31 và phải trả giá bằng việc số người nhiễm vọt lên gần 8.000 người. Tuy nhiên, đến nay tốc độ nhiễm ở Hàn Quốc đã chậm lại nhờ cách ly trên diện rộng trong khi hai nước Ý, Iran vượt mặt Hàn Quốc về số ca bệnh dù cả ba nước này đều có mốc thời gian bùng phát tương đối giống nhau.
Tính đến 21 giờ ngày 12-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia TQ cho biết toàn thế giới có 4.737 người tử vong do COVID-19, 126.904 ca nhiễm. 68.087 ca điều trị thành công âm tính với bệnh cũng được ghi nhận. COVID-19 đã lan ra 125 quốc gia và vùng lãnh thổ. |
Hành động nhanh, tỉ lệ tử vong giảm gấp 10 lần
Theo cây bút Tomas Pueyo, tỉ lệ tử vong trung bình do COVID-19 hiện nay ở mức khoảng 3,4% dựa vào tính toán của WHO.
“Hiện có hai cách để tính ra tỉ lệ tử vong trung bình. Một là lấy số người thiệt mạng chia cho tổng số ca nhiễm, hai là lấy số ca thiệt mạng chia cho số ca đã đóng (đã chết hoặc đã bình phục hoàn toàn). Cách thứ nhất có vấn đề ở chỗ nhiều ca nhiễm vẫn dẫn đến tử vong. Cách thứ hai có vấn đề ở chỗ bác sĩ có thể đóng các ca thiệt mạng nhanh hơn các ca bình phục vì bình phục cần nhiều thời gian hơn” - ông Pueyo giải thích.
Do đó để tìm ra con số chính xác nhất, ông Pueyo cho rằng nên kết hợp cả hai để dự đoán tỉ lệ tử vong trong tương lai gần vì một khi toàn bộ các ca nhiễm đã được đóng thì kết quả từ hai cách tính trên sẽ giao nhau.
Áp dụng cho trường hợp TQ, tỉ lệ tử vong hiện tại vào khoảng 3,6%-6,1%. Kết hợp hai cách tính thì vào cuối tháng 3 nước này sẽ có tỉ lệ tử vong là 3,8%-4%. Tuy nhiên, khi trừ số liệu từ Hồ Bắc ra, tỉ lệ tử vong ở TQ chỉ còn 0,9%.
Ở các quốc gia dịch diễn biến nghiêm trọng như Ý và Iran, tỉ lệ tử vong hiện tại lần lượt là 6% và 10%. Khi kết hợp hai cách tính cho ra tỉ lệ tử vong của các nước này khoảng 3%-4% vào cuối tháng.
Đáng chú ý, Hàn Quốc lại là một trường hợp đặc biệt khi tỉ lệ hiện tại là 0,6%. Vào cuối tháng 3, tỉ lệ tử vong trên tổng ca nhiễm vẫn là 0,6%, trong khi số người tử vong trên tổng số ca lại vọt lên mức 48%. “Tôi cho rằng chính quyền Seoul rất cẩn trọng khi cho xét nghiệm rất nhiều người, đẩy tổng số ca nhiễm lên cao khiến tỉ lệ tử vong giảm xuống, cũng như họ không đóng ca vội đối với các bệnh nhân bình phục mà chờ theo dõi thêm. Dù vậy, điều quan trọng là tỉ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm đến cuối tháng gần như vẫn giữ nguyên ở mức 0,5%-0,6%” - ông Pueyo giải thích.
Trường hợp cuối cùng, số liệu mới nhất trên du thuyền Diamond Princess ở Nhật Bản hiện ghi nhận 706 ca nhiễm, sáu ca tử vong và 100 người hồi phục. Tỉ lệ tử vong do đó sẽ vào khoảng 1%-6,5% vào cuối tháng 3.
Nhìn chung, sự khác nhau ở tỉ lệ tử vong trong các trường hợp nói trên cho thấy hai điểm đáng chú ý: (1) Những nước đã chuẩn bị đầy đủ, phong tỏa sớm sẽ có tỉ lệ tử vong trong tương lai vào khoảng 0,5%-0,9% như Hàn Quốc và TQ. (2) Tỉ lệ những nước ứng phó trễ làm dịch lan rộng vào khoảng 3%-5%.
“Nói cách khác, những quốc gia hành động từ sớm giảm gần 10 lần số ca tử vong do dịch bệnh và đó chỉ mới là ước lượng dựa trên tỉ lệ tử vong thôi. Hành động sớm cũng giảm được số ca người lây nhiễm khiến tốc độ là một lợi thế không thể chối cãi” - cây bút Tomas Pueyo kết luận.
Mỹ: COVID-19 có thể tồn tại trên vài bề mặt đến ba ngày Tạp chí Time dẫn kết quả nghiên cứu của chính phủ Mỹ công bố ngày 11-3 cho biết các nhà nghiên cứu đã sử dụng thiết bị khí dung để thử nghiệm việc đưa mẫu virus mới vào không khí, nhằm mô phỏng tình huống tương tự khi một người bị nhiễm virus ho hoặc phát tán virus ra không khí. Họ phát hiện ra rằng virus vẫn có thể tồn tại sau ba giờ trong không khí, bốn giờ trên bề mặt đồng, 24 giờ trên bìa cứng và tới ba ngày trên bề mặt nhựa và thép không gỉ. Kết quả này tương đồng với kết quả thu được từ cuộc thử nghiệm được tiến hành với virus gây dịch SARS năm 2003. Trước đó, cuộc nghiên cứu của các nhà dịch tễ học TQ công bố hôm 6-3 chỉ ra COVID-19 có thể lơ lửng trong không khí ít nhất 30 phút và có thể bay xa hơn 4,5 m. |