Hãng tin Reuters ngày 12-3 đưa tin số người tử vong vì đại dịch COVID-19 tại Ý đã vượt ngưỡng 1.000. Tình hình nước Ý đang trở nên tồi tệ hơn do đại dịch khiến nước này bị phong tỏa cũng như sàn giao dịch chứng khoán tại Milan chứng kiến sự giảm điểm lớn nhất từ trước đến nay.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự hôm 12-3 cho biết trong vòng 24 giờ qua số ca tử vong vì COVID-19 đã tăng 23%, tức từ 189 nhảy vọt lên đến 1.026 ca.
Tính đến cuối ngày 12-3 (giờ Ý) tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này ở mức 15.113 so với 12.462 trước đó, nghĩa là đã tăng 21,7%.
Cảnh sát Ý kiểm tra du khách nhập cảnh vào TP Milan hôm 10-3. Ảnh: GETTY IMAGES
Số người tử vong vì đại dịch tăng lên cũng khiến thị trường chứng khoán tại TP Milan đã giảm 17% điểm. Ngày 12-3 được cho là ngày tệ hại nhất từ trước đến nay, khiến thị trường thế giới cũng chứng kiến một ngày thảm họa và các nhà đầu tư bắt đầu lo ngại về các chi phí khi nước Ý tiếp tục phong tỏa.
Chính phủ Ý thắt chặt kiểm soát tình hình dịch bệnh
Ý vẫn đang là quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, đặt ra nhiều thách thức lớn cho nước này.
Theo Reuters, chính phủ đã đặt ra nhiều hạn chế hơn đối với công dân, đặt mua thêm chăn mền, đóng cửa toàn bộ các nhà hàng, quán bar và hầu hết cửa hàng trên toàn quốc, trừ các cửa hàng thực phẩm và nhà thuốc.
Cũng trong ngày 12-3, 900 nhà thờ Công giáo ở thủ đô Rome cũng được lệnh đóng cửa. Đây được xem là một động thái chưa từng có trong lịch sử hiện đại của Ý.
Quảng trường Piazza di Spagna tại thủ đô Rome chỉ lác đác vài người. Ảnh: REUTERS
Hãng tin Reuters ghi nhận đường phố tại các thành phố lớn của Ý hầu như vắng bóng người. Mọi người tuân thủ chỉ thị của Thủ tướng Giuseppe Conte là phải ở trong nhà, hạn chế các chuyến du lịch không cần thiết và phải giải trình nếu phải đi ra ngoài đường.
Bộ Nội vụ Ý ngày 12-3 cho biết cảnh sát ghi nhận khoảng 2.162 người vi phạm các biện pháp của chính phủ, trong đó có bảy người nước ngoài đã bị bắt ở Rome khi đang chơi bài ở ngoài trời, bất chấp lệnh cấm.
Những người bị kết tội vi phạm các quy tắc trên phải đối mặt với án tù ba tháng và phạt tiền lên tới 206 euro (khoảng 231 USD). Bất cứ ai bị nhiễm COVID-19 và trốn lệnh cách ly hai tuần bắt buộc phải đối mặt với án phạt từ một đến 12 tháng tù.
Người Ý vẫn tuân thủ các quy định nghiêm ngặt từ Chính phủ. Ảnh: REUTERS
Cho đến nay, người Ý vẫn ủng hộ các biện pháp mạnh. Trong một cuộc thăm dò, hơn 80% công dân ủng hộ các quyết định của chính phủ.
"Tôi tin chắc rằng các biện pháp này là đúng và sẽ làm giảm thời gian của dịch bệnh này", một người dân ở TP Rome tên Federica Bravi được phép ra ngoài mua các nhu yếu phẩm cho biết. "Vì vậy, tại thời điểm này, chúng ta càng hy sinh nhiều thì khả năng chúng ta sẽ kiểm soát vấn đề này."
Các nước đóng cửa biên giới với Ý
Hãng tin Reuters cho biết trước sự bùng phát mạnh mẽ của đại địch, nhiều quốc gia cắt đứt kết nối giao thông với Ý, trong đó có Áo, dẫn đến việc hàng ngàn chuyến bay bị hủy và các sân bay đều phải đóng cửa.
Ý đã yêu cầu Áo dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát "phi lý" tại biên giới chung của hai nước hôm 12-3 khi Vienne kiểm tra sức khỏe của một tài xế xe tải từ Ý tạo ra vụ kẹt xe nghiêm tại đèo Brenner - một tuyến đường quan trọng trên dãy Alp.
Hiệp hội thương mại Ý Confindustria trong một tuyên bố nói rằng: "Việc cấm vận chuyển hàng hóa của Ý đến khu vực Bắc Âu đang gây ra thiệt hại khôn lường cho hàng xuất khẩu của chúng tôi và cho thương mại châu Âu".