Ông Obama thăm Hiroshima: Tại sao Nhật không yêu cầu xin lỗi?

Đã 71 năm kể từ khi Hiroshima trở thành TP đầu tiên trên thế giới hứng một quả bom nguyên tử với 140.000 người chết, chưa một tổng thống Mỹ nào đến đây. Cho đến hôm nay 27-5.

Cùng Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thị sát một Hiroshima hôm nay vốn đã từng bị phá hủy gần như hoàn toàn vì quả bom nguyên tử của Mỹ thả xuống ngày 6-8-1945 trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Trong chuyến thăm lịch sử đến Hiroshima hôm nay, Tổng thống Obama sẽ nhắc về thảm kịch mất mát nhân mạng vì chiến tranh, qua đó đưa ra thông điệp cần thiết phải ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Obama sẽ không xin lỗi, điều này đã được Nhà trắng Mỹ khẳng định trước đó.

Ông Obama thăm Hiroshima: Tại sao Nhật không yêu cầu xin lỗi? ảnh 1
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ đi cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama đến TP Hiroshima nhưng không yêu cầu Mỹ xin lỗi. Ảnh: AP

Thế tại sao Nhật không yêu cầu Mỹ xin lỗi trong khi Nhật là nước duy nhất trên thế giới có trải nghiệm hứng chịu bom nguyên tử và cực kỳ nhạy cảm với lịch sử. Các buổi lễ tưởng niệm mỗi tháng 8 hằng năm đều được truyền hình. 

Theo hãng tin Reuters (Mỹ), việc Tổng thống Obama đến thăm Hiroshima nhưng không xin lỗi mang lại cho Nhật một câu hỏi khó đối diện và gần như không thể trả lời. Nếu Tổng thống Mỹ đã không xin lỗi, thì rốt cục Nhật nên nhìn nhận mình là kẻ xâm lược hay là nạn nhân của chiến tranh thế giới thứ hai?

Nhật vốn không thực sự nhiệt tình với việc lãnh đạo, quan chức Mỹ thăm Hiroshima, lo ngại các chuyến thăm sẽ gây phản ứng mạnh trong bộ phận người Nhật phản đối liên minh quân sự Nhật-Mỹ cũng như phản đối vũ khí hạt nhân.

Dù không nhiệt tình hoan nghênh nhưng Nhật cũng không ám ảnh yêu cầu Mỹ phải xin lỗi. Trong lễ tưởng niệm lần thứ 70 sự kiện Hiroshima bị thả bom nguyên tử vào năm ngoái, Thủ tướng Abe khẳng định quan điểm của Nhật là không bao giờ yêu cầu Mỹ phải xin lỗi.

Theo Reuters, quyết định này của Nhật là có lý do. Đó là Nhật không muốn lời xin lỗi của Tổng thống Mỹ sẽ dẫn tới một hiệu ứng xin lỗi dây chuyền mà Nhật phải thực hiện với Trung Quốc, với Philippines, với Hàn Quốc cho các tội ác chiến tranh của mình.

Một lý do nữa, Nhật không muốn cái yêu cầu Mỹ xin lỗi cản trở quá trình phát triển quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ. Với nhiều bất ổn hiện nay trong khu vực như Trung Quốc ngày càng phô diễn sức mạnh trên biển Đông, Triều Tiên phát triển hạt nhân, Thủ tướng Abe đã cho tăng sức mạnh phòng thủ và cả tấn công. Mà quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ giúp ích cho Nhật rất nhiều trong nỗ lực này.

Giáo sư danh dự Norhiro Kato tại đại học Waseda (Nhật) nhận định Thủ tướng Abe đón chào chuyến thăm Hiroshima của Tổng thống Obama vì nó mang lại lợi ích cho chính phủ của ông, đặc biệt trong tình hình các cuộc bầu cử đang tới gần.

Đồng ý nhận định này, nhà hoạt động vì hòa bình Mỹ Steven Leeper cho rằng không chỉ Thủ tướng Abe mà cả Tổng thống Obama đều hy vọng chuyến thăm này có thể phục vụ cho lợi ích quốc gia và sự nghiệp chính trị của riêng mình.

Theo ông, chính phủ Thủ tướng Abe muốn thông qua chuyến thăm của Tổng thống Obama để chứng minh rằng các thay đổi trong chính sách quân sự ông đã thực hiện đã mang Mỹ đến gần Nhật hơn, gần đến mức đã có tổng thống Mỹ đầu tiên đến Hiroshima sau khi nó bị ném bom.

Về phần mình, thắt chặt quan hệ đồng minh với Nhật cũng là điều Tổng thống Obama muốn tuyên bố với thế giới, theo ông Steven Leeper, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang tập trung thực hiện chiến lược hướng Đông.

Ngày 6-8-1945, máy bay đánh bom B-29 đã thả quả bom nguyên tử của Mỹ được đặt tên “Little Boy” (Cậu bé nhỏ) xuống Hiroshima thời điểm đó có dân số 350.000 người. Quả bom phát nổ trên bầu trời Hiroshima cách mặt đất 700 m, giết chết ngay lập tức khoảng 80.000 người và giết thêm 60.000 người sau đó.

Chỉ ba ngày sau, ngày 9-8-1945, Mỹ tiếp tục thải thêm một quả bom nguyên tử nữa có tên “Fat Man” (Người đàn ông béo tốt) xuống TP Nagasaki, giết chết 73.000 người. Nhật đầu hàng sáu ngày sau đó, Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc.

Hiện 180.000 người sống sót ở Hiroshima và Nagasaki vẫn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của hai quả bom. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm