Philippines bác bỏ nguy cơ xung đột ở biển Đông

Theo báo Manila Bulletin (Philippines), người phát ngôn tuyên bố chính phủ Philippines cam kết theo đuổi biện pháp hòa bình trong giải quyết tranh chấp ở biển Đông với Trung Quốc và Philippines sẽ duy trì chính sách giảm leo thang căng thẳng ở biển Đông như đã thể hiện trong thời gian qua trong tranh chấp bãi cạn Scarborough.

Trước đó, ngày 24-7 (giờ địa phương), ICG đã công bố báo cáo ghi nhận khả năng xảy ra chiến tranh toàn diện giữa các nước tranh chấp biển Đông là rất thấp nhưng các động thái leo thang căng thẳng của Trung Quốc với Philippines và Việt Nam có thể dẫn đến kết quả tồi tệ.

Báo cáo nhận định do cơ chế giải quyết tranh chấp chưa thống nhất cộng thêm các yếu tố kinh tế và chính trị nội bộ, các nước tranh chấp sẽ có thái độ kiên quyết hơn và tình hình này cho thấy xu hướng giải quyết tranh chấp biển Đông đang sa lầy. Báo cáo chỉ rõ nếu các nước tranh chấp không đồng thuận được một khung pháp lý giải quyết tranh chấp, căng thẳng sẽ không thể đảo chiều.

Báo cáo đề nghị các chính phủ và các cơ quan quốc tế như LHQ, Liên minh châu Âu và Ngân hàng Thế giới cần can thiệp để ngăn chặn mâu thuẫn tiềm tàng này.

Về bãi cạn Scarborough, báo cáo lưu ý sự kiện Philippines sử dụng tàu chiến giám sát tàu cá Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough đã gửi thông điệp sai lầm tới Bắc Kinh. Lấy cớ đó, chính quyền Trung Quốc đã triển khai tàu chiến bảo vệ ngư dân Trung Quốc nhằm khẳng định với dân Trung Quốc về quan điểm sẵn sàng bảo vệ tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và tăng cường sự hiện diện về khả năng thi hành luật tại vùng biển tranh chấp.

Báo cáo ghi nhận tình hình này đã làm suy yếu hoạt động giám sát của Philippines, tuy nhiên báo cáo nhận định Philippines triển khai tàu khu trục BRP Gregorio del Pilar ở bãi cạn là điều cần thiết. Do khả năng hạn chế nên cảnh sát biển và hải quân Philippines phải chia sẻ trách nhiệm giám sát biển.

Báo cáo dự báo một khi các nước trong khu vực tranh chấp liên tục gia tăng sức mạnh quân sự, các nước này chủ động hơn trong bảo vệ tuyên bố chủ quyền lãnh hải nhưng cũng thúc đẩy mâu thuẫn khó giải quyết hơn.

Báo cáo của ICG đã dẫn lời chuyên gia Gregory Polling ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), nhận định có khả năng xảy ra xung đột vũ trang trên quy mô nhỏ tại biển Đông. Ông cho rằng Trung Quốc không sử dụng sức mạnh quân sự để tấn công các nước tranh chấp biển Đông vì sợ gây hoang mang trong cộng đồng quốc tế, ảnh hưởng đến lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài.

Trong khi đó, chuyên gia Ian Storey thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore dự báo nguy cơ đụng độ hải quân ở biển Đông vẫn rất cao. Ông nhận xét cuộc đối đầu vũ trang tại biển Đông không chỉ ảnh hưởng đến tình hình ổn định khu vực, tình hình phát triển kinh tế của các nước liên quan mà còn gây nguy hiểm đến tự do hàng hải. Ông đề nghị giải pháp cấp thiết là đàm phán và xây dựng lòng tin giữa các bên nhằm giảm thiểu nguy cơ đối đầu.

DUY KHANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm