Thảm họa bùn đỏ tại Hungary: Có đúng là do công nghệ 1942?

Việt Nam đã cử một đoàn công tác sang Hungary để tìm hiểu, ghi nhận nhằm rút kinh nghiệm cho các dự án của mình. Loạt bài do nhà báo Nguyễn Hoàng Linh, CTV Pháp Luật TP.HCMtại Budapest, sẽ cung cấp thêm một góc nhìn của người tại chỗ.

Ngày 17-11 vừa qua, một đoàn công tác Việt Nam gồm 22 thành viên đã đến thăm và khảo sát tình hình tại làng Kolontár và thành phố Devecser, là hai địa phương bị hủy hoại nặng nề nhất trong sự cố tràn bùn ở Hungary.

Ngày 22-11, tại phiên chất vấn ở Quốc hội liên quan tới dự án khai thác bauxite Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết ông đã trực tiếp làm việc với nhiều thành viên trong đoàn khảo sát và đoàn này đang hoàn thiện một báo cáo để gửi lên Quốc hội và các cơ quan chức năng của nhà nước. Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyên cũng đã sử dụng một số dữ liệu trong báo cáo đó.

“Đó là sự phỏng đoán!”

Về công nghệ, ông Phạm Khôi Nguyên khẳng định “công nghệ của nhà máy bauxite AJKA của Hungary là công nghệ từ năm 1942”, trong khi công nghệ mà Việt Nam sử dụng được đánh giá là một trong những công nghệ tiên tiến nhất thế giới. Ông cũng cho rằng “Về các sự cố xảy ra như thế nào thì bạn (tức phía Hungary) không lường trước. Nhưng ở Việt Nam chúng ta thì đã lường trước những sự cố và nếu xảy ra thì hoàn toàn đảm bảo được mức độ an toàn”.

Thảm họa bùn đỏ tại Hungary: Có đúng là do công nghệ 1942? ảnh 1

Bờ đập chắn hồ chứa bùn bị vỡ. Ảnh: Internet

Nói một cách chính xác thì quả thực nhà máy ở thành phố Ajka của Hungary được vận hành vào ngày 20-11-1942 nhưng sau khi Hungary cải cách chính trị và tiến hành tư hữu hóa về kinh tế, nhà máy về tay Tập đoàn Nhôm Hungary (MAL Zrt.). Từ đó đến nay, các tiêu chuẩn công nghệ mà MAL Zrt. áp dụng được phát triển thường xuyên theo quy định của Liên hiệp châu Âu, thay vì duy trì tiêu chuẩn của năm 1942. Hiện tại MAL Zrt. là một tập đoàn có quy mô sản xuất, kinh doanh khá lớn, với mức sản xuất chiếm 12%-14% thị phần châu Âu và 4% thị phần thế giới về bauxite, alumin và nhôm.

Tương tự, một chi tiết khác được nhắc đến liên quan tới cái mốc “năm 1942”: Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, hồ bùn đỏ của Hungary xây dựng trên nền đất yếu, bức thành xây được “làm từ năm 1942”.

Về điểm này, CTV của Pháp Luật TP.HCM tại Budapest đã tìm gặp và được Thượng úy Bảo vệ dân sự Töttös Györgyi, phát ngôn viên báo chí Cục Phòng chống thảm họa quốc gia Hungary, cho biết: Những bể chứa đầu tiên trong số 10 bể chứa bùn đỏ tại Ajka quả thực được xây dựng từ thập niên 40 của thế kỷ trước nhưng trong số đó, tám bể cũ đã được hoàn thổ bằng cách che chắn bởi lớp đất và thực vật; được kiểm tra thường xuyên và đảm bảo an toàn, không gây hại cho môi trường.

Chỉ có hai bể số 9 và số 10 là còn hoạt động, trong đó bể số 10 là nơi xảy ra thảm họa. Tuy nhiên, cả hai bể này chỉ mới được xây vào giữa thập niên 80 thế kỷ trước, chứ không phải từ năm 1942.

Bà Töttös Györgyi không bình luận về các thông tin trên báo chí Việt Nam, cho rằng các hồ chứa bùn đỏ của Hungary do xây bởi công nghệ lạc hậu nên nguy cơ mất an toàn cao. Tuy nhiên, nói về những khẳng định theo hướng sự cố xảy ra là vì Hungary áp dụng công nghệ lạc hậu, bà tuyên bố: “Đó chỉ là những phỏng đoán”.

Thảm họa bùn đỏ tại Hungary: Có đúng là do công nghệ 1942? ảnh 2

Quốc vụ khanh Bộ Môi trường Illés Zoltán và phái đoàn Việt Nam. (Ảnh do OKF cung cấp)

“Chưa có kết quả giám định”

Để làm rõ thêm vấn đề công nghệ của nhà máy bauxite ở Hungary, CTV của Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với luật sư Ruttner György, đại diện pháp luật của Tập đoàn Nhôm Hungary (MAL Zrt.). Ông này được coi là người duy nhất có chức năng phát ngôn thay mặt tập đoàn kể từ khi MAL Zrt. bị đặt dưới quyền quản lý và giám sát của nhà nước.

. Trên báo chí Việt Nam có đăng nhận xét dựa trên kết luận trong chuyến thăm thành phố Ajka của đoàn công tác Việt Nam. Theo đó, “công nghệ của Hungary hiện nay của nhà máy bauxite AJKA của Hungary là công nghệ từ năm 1942”. Ông có ý kiến gì về nhận xét này?

+ Công nghệ MAL Zrt. sử dụng thì cũng là công nghệ hiện nay đa số các cơ sở luyện alumin trên thế giới vẫn dùng thôi. Tất nhiên nó là công nghệ thải ướt, không thuộc loại tối tân nhất nhưng bản thân công nghệ chẳng có vấn đề gì cả.

. Hệ bể chứa ở Ajka cũng bị cho là đã quá cũ và yếu vì bằng bê tông xỉ, xin trích: “Thành xây của Hungary làm từ năm 1942. Bạn xây bằng bê tông xỉ...”.

+ Cần nói rõ là hiện tại trong số 10 bể chứa ở Ajka chỉ còn bể số 10 và 10/a hoạt động (lượng bùn đỏ phát sinh trong quá trình sản xuất alumin hiện nay của nhà máy được chứa trong bể 10/a). Các bể khác đều đã được đắp bởi lớp đất và thảm thực vật, quá trình hoàn thổ được thực hiện. Riêng bể số 10 bị tràn bùn được xây năm 1985 và đến 1990 thì hoàn thành. Như vậy nó cũng không mới nhưng tất nhiên là không đến nỗi cũ từ năm... 1942!

Các bể chứa được xây bằng loại chất liệu mà với thời gian thì nó trở nên cứng như xi măng, cũng rất vững chãi. Vấn đề ở đây không phải là ở chất liệu bể chứa.

. Thế thì tại cái gì? Nguyên nhân của sự cố, theo như chúng tôi biết, chưa được công bố trên báo chí. Ông có thể cho biết đã có kết quả chính thức gì chưa cho dù là ý kiến giám định, hoặc quan điểm của tòa án? Về trách nhiệm pháp lý ở đây?

+ Tại cái gì thì bây giờ chưa có phán quyết của tòa. Chúng tôi cho rằng đây là một sự cố không thể lường trước được.

Cho đến nay hoàn toàn chưa có ý kiến giám định. Tuy nhiên, các ý kiến thẩm định sơ bộ thì đã có, thiên về hướng nhà nước cũng có phần trách nhiệm ở đây. Bởi lẽ năm 1997, khi mua lại nhà máy alumin ở TP Ajka, MAL Zrt. cũng phải tiếp quản luôn hệ bể chứa đã được nhà nước cho xây trước đó.

Thậm chí vào lúc đó, nhà nước còn buộc MAL Zrt. phải xây một vách chắn ngăn nước ngầm nhiễm kiềm lan tỏa, thẩm thấu. Do vách chắn mà trong nhiều năm, một lượng nước mưa rất lớn bị đọng lại, không chảy được đi đâu khiến tường hộ đê bị úng, các lớp đất bị trượt, kéo theo thành đập của bể chứa khiến nó bị vỡ.

Phải nói rằng việc nhà nước Hungary buộc Tập đoàn MAL Zrt. phải xây dựng một bức vách hoàn toàn sai lầm và thiếu chuyên môn như vậy mới là nguyên nhân hàng đầu của vụ vỡ đập chắn.

. Vậy thì thực ra đây là phần trách nhiệm thuộc về nhà nước và là điều nhà nước có thể tiên lượng được? Còn khi MAL Zrt. “tiếp quản” hệ bể chứa thì họ chỉ tiếp nhận một “sự đã rồi”? Những đợt kiểm tra thường xuyên sau đó không chỉ ra được vấn đề này?

+ Bể chứa được kiểm tra thường xuyên và chưa bao giờ có vấn đề gì. Vì thế tôi mới nói rằng đối với MAL Zrt. thì sự cố vừa rồi là điều không thể tính đến được.

Nhìn lại, có thể nói là nếu chọn được nơi xây bể chứa mà đất tốt, không có cấu trúc và thành phần khác nhau như ở vùng Ajka thì có lẽ không có vấn đề gì. Tuy nhiên, đây là điều mà khi làm cách đây mấy chục năm, không ai lường được.

. Xin cảm ơn ông.

Hoạt động của đoàn công tác Việt Nam tại Hungary

Theo Cục Phòng chống thảm họa quốc gia (OKF - trực thuộc Bộ Nội vụ Hungary), đoàn công tác Việt Nam đã được Quốc vụ khanh Bộ Môi trường Illés Zoltán và Đại tá PCCC Dobson Tibor, một quan chức OKF, “hướng đạo” tại hai địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất từ thảm họa bùn đỏ.

Đoàn Việt Nam được thông báo về diễn biến của sự cố, công tác cứu hộ cũng như những biện pháp xử lý đã và sẽ được tiến hành theo dự kiến để tái thiết khu vực này. OKF cho hay các chuyên gia trong đoàn Việt Nam đặc biệt để tâm tới sự cố, cũng như diễn tiến của công cuộc tái thiết sau đó.

Tại làng Kolontár, các vị khách đã có dịp chứng kiến tận mắt khu vực bị cơn lũ bùn đỏ tràn qua. Sau đó, đoàn Việt Nam tới thăm con đập bị vỡ và khảo sát các biện pháp kỹ thuật đang được tiến hành tại đó. Để thể hiện sự đồng cảm với người dân địa phương, đoàn đã trao cho thành phố Devecser khoản hỗ trợ trị giá 5.000 USD.

NGUYỄN HOÀNG LINH (Từ Hungary)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm