Thế sự thành thế trận

Dù có lạc quan tới mấy cũng không thể không nhận ra rằng, đang tồn đọng quá nhiều vấn đề từ năm cũ trong tất cả các lĩnh vực, buộc nhiều nước phải đối mặt với những khó khăn thách thức không dễ vượt qua. Đặc biệt nguy hiểm là, bàn cờ thế sự ở không ít nơi, nhất là tại khu vực Trung Đông, hiện đã trở thành những thế trận trên thùng thuốc nổ, bất cứ lúc nào cũng có thể bùng lên thành chiến sự.

Thất thế thì phải hầu tòa

Thập niên thứ hai của thế kỷ XXI đã thổi lửa cho “mùa xuân Arab”, gây nên một chuỗi liên hoàn những rối loạn và xung đột, thậm chí đẫm máu ở hàng loạt nước Trung Đông và Bắc Phi, chỉ ngoại trừ Algeria.

Tại các vương quốc vùng Vịnh, những mưu toan “dân nổi can qua” đã bị đàn áp một cách thẳng thừng và rất mạnh tay nên đã không thể trở thành quốc biến. Tại một số vương quốc khác như Jordan và Marocco, hoàng gia đã kịp thời “rút củi đáy nồi”, nhân nhượng với các đòi hỏi của dân chúng nên cũng đã khôi phục lại được trật tự. Tuy nhiên, những thí dụ may mắn này chỉ là hi hữu. Tại không chỉ một nước trong khu vực, các cuộc biểu tình đường phố đã hóa thành đấu tranh vũ trang, lật đổ chính quyền.

Tại quốc gia đồng minh chính của Washington trong thế giới Arab là Ai Cập, vị trưởng lão nổi tiếng khôn ngoan và biết điều Hosni Mubarak đã  bị chính các quân nhân của mình tước bỏ quyền lực và đưa ra tòa xét xử. Tình hình ở Ai Cập cho tới hôm nay vẫn chưa ổn định và người dân vẫn phải tiếp tục xuống đường để đòi phe quân sự chuyển giao quyền lực nhanh chóng cho một chính quyền dân sự. Chưa có đảm bảo chắc chắn về việc người dân ở xứ sở Kim Tự Tháp có thể bầu ra được một vị Tổng thống mới một cách dân chủ và công khai…

 Thế sự thành thế trận ảnh 1

Phe quân nhân cũng cướp chính quyền ở Tunisia, buộc vị Tổng thống khá thân với phương Tây là Ben Ali đã phải “bỏ quyền chạy lấy người” ra  tá túc ở Saudi Arabia. Một phiên tòa đã được mở ra ở Tunisia và ngày 20/6/2011 đã kết án ông Ben Ali cùng vợ ông 35 năm tù, cộng thêm 86 triệu USD tiền phạt…

Tại Yemen, một đồng minh khác của Mỹ là Tổng thống Ali Abdullah Saleh dù rất cứng đầu cứng cổ nhưng cuối cùng dưới sức ép của phe đối lập và của cả Mỹ và Saudi Arabia đã phải rời bỏ quyền lực vào cuối tháng 11/2011 để đổi lấy quyền miễn bị truy tố. Tuy nhiên, vẫn đang còn không ít lực lượng ở Yemen muốn đưa ông này ra tòa vì tội đã đàn áp dã man các cuộc biểu tình…

Bi kịch Libya

Ngay từ trung tuần tháng 2/2011 đã bùng phát các rối loạn đường phố ở Libya. Và chỉ vài ba ngày sau thành phố lớn thứ hai ở đây là Benghazi đã lọt vào tay lực lượng nổi dậy. Chính quyền của ông Gaddafi đã mau chóng bị phân hóa và rất nhiều đơn vị cảnh sát cũng như quân đội đã chuyển sang ủng hộ lực lượng đối lập. Những nỗ lực kháng cự của ông Gaddafi đã không mang lại kết quả gì đáng kể, dù ông đã dồn toàn lực ra để tung vào trận. Liên đoàn các quốc gia Arab (LAS) đã đứng về phía phe nổi dậy ở Libya và kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua lệnh cấm bay trên không phận Libya. LAS cũng quyết định thiết lập quan hệ với Hội đồng chuyển tiếp quốc gia Libya (NTC) ở Benghazi và công nhận đó là đại diện hợp pháp của  nhân dân Libya.

Ngày 11/3/2011 Liên minh châu Âu đã công nhận NTC là chính quyền hợp pháp duy nhất ở Libya. Ai Cập từ thời điểm đó cũng đã bắt đầu cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy ở quốc gia láng giềng này. Và mọi sự cứ dần dà quá mù ra mưa. Phe chống đối đã ngày một thổi lửa mạnh hơn với sự trợ giúp công khai của NATO và các phần tử đánh thuê, sát hại thủ lĩnh quốc gia Moammar Gaddafi, người thực ra đã có một thời gian không ngắn tiến hành chính sách xích lại gần phương Tây…

Những gì xảy ra với ông Gaddafi thêm một lần cho thấy giá trị thật thê thảm của những mối liên minh duy lợi với phương Tây. Trong câu chuyện này không thể có chỗ cho những hành vi tín nghĩa…

Vòng xoáy không ngừng

Theo các nhà quan sát, mục tiêu tiếp theo ở Trung Đông hiện nay là Syria với vị Tổng thống Bashar al-Assad dù học ở Anh nhưng đang duy trì chính sách chống phương Tây và hợp tác tích cực với Iran. Hiện chống lại Syria dữ dội nhất không chỉ là Liên đoàn các quốc gia Arab (LAS) mà cả nước Thổ Nhĩ Kỳ láng giềng, luôn dung túng và bao che cho các lực lượng đối lập với Damascus. Nhà Trắng hiện nay cũng đã chuẩn bị những kế hoạch để can thiệp sâu hơn vào diễn tiến tình hình ở Syria.

 Thế sự thành thế trận ảnh 2

Những thông tin mới nhất cho thấy, phương Tây đã hiểu ra rằng, nếu không có sự nhúng tay mạnh mẽ bằng các biện pháp quân sự từ bên ngoài thì không thể xóa bỏ được chính thể hiện hành ở Damascus. Tình thế của ông Assad đang ngày một nguy ngập trong bối cảnh nội chiến tiếp tục lan rộng. Nguyên nhân chính dẫn tới những can qua ở đây là mâu thuẫn sắc tộc tôn giáo: những lực lượng theo dòng Sunni chống lại vị nguyên thủ quốc gia theo dòng Alawi.

Cho tới thời điểm hiện nay, Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) đối lập và Cơ quan điều phối quốc gia vì sự thay đổi dân chủ ở Syria (NCB) đã tính tới các nước cờ đi tiếp một khi nắm được chính quyền. Cũng như trong trường hợp với Libya, phương Tây, đặc biệt là Pháp, đang bị tố cáo liên quan tới việc huấn luyện quân sự cho lực lượng đối lập với Damascus…

Theo nhiều nhà quan sát, ngay cả nếu như chế độ của Tổng thống Al- Assad bị lật đổ thì việc này cũng không dễ mang lại phúc lộc cho khu vực mà ngược lại, sẽ gây nên những chấn động ở những quốc gia láng giềng như Lebanon chẳng hạn hay ở các vùng lãnh thổ Palestine và ở cả Iraq.

Tờ báo Anh The Guardian nhận định, sự sụp đổ của Al-Assad cũng sẽ trở thành một cú đánh mạnh mẽ vào những tham vọng khu vực của chính thể Tehran và có thể sẽ kích thích Israel  lợi dụng hoàn cảnh giáng đòn tấn công vào kẻ thù chính yếu của mình… Hệ lụy của trận chiến đó sẽ là khôn lường. Hiện tại, Nhà Trắng đã tiến hành thảo luận một cách không chính thức với Israel về việc, tìm cớ gì để ném bom các cơ sở hạt nhân của Iran, một khi Washington cảm thấy là Tehran đi quá giới hạn có thể cho phép trong vấn đề này…

Ngay trong ngày đầu năm 2012, Iran đã thông báo về việc vừa tiến hành kiểm tra lại thanh nhiên liệu hạt nhân đầu tiên sau khi thử nghiệm thành công. Những viên uranium được sắp xếp, đóng thành khuôn trong thanh nhiên liệu và được đặt trong lõi của một lò phản ứng hạt nhân ở Tehran… Thực tế cho thấy, một khi phương Tây càng tiến hành nhiều các “chiến dịch bí mật” nhằm vào Tehran thì chính phủ nước này càng dễ có những hành động quyết liệt để trả đũa và tự bảo vệ mình. Và không ai biết khi nào thì mọi sự cũng sẽ lại quá mù ra mưa…

Mâu thuẫn gia tăng

Một trong những trớ trêu của các sự kiện diễn ra tại Bắc Phi và Trung Đông là ở chỗ: Washington nói riêng và phương Tây nói chung khi phải đối mặt với làn sóng bạo loạn trong khu vực đã ủng hộ không phải những đồng minh cũ của mình mà lại đứng về phía đám đông ngoài đường phố và té nước theo mưa để lật đổ ngay những thể chế từng thân thiện với họ. Những khẩu hiệu về dân chủ bỗng nhiên lại trở thành đòn xóc hai đầu rất khó hiểu vì hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho chính các biến loạn đó lại là các hoàng gia Arab rất giàu truyền thống bảo thủ, đứng đầu là Saudi Arabia. Và nhân công chính tham gia các cuộc chiến đấu ngoài đường phố là đủ các loại thành phần tín đồ Hồi giáo, từ những người theo đường lối trung dung trong đội ngũ “Những người anh em Hồi giáo” tới các cơ sở của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Và như thực tế các cuộc bầu cử diễn ra ở Tunisia và Ai Cập, lên nắm quyền ở đấy không phải là những lực lượng dân chủ theo kiểu phương Tây mà sẽ là các phần tử Hồi giáo.

Thế giới Arab đã thay đổi màu sắc rõ rệt và đằng sau những lực lượng chính trị đang chuẩn bị trở thành chủ đạo ở đó đã lồ lộ bóng dáng của Al-Qaeda. Theo nhận định của không chỉ một nhà quan sát, trong tương lai gần nhất có thể sẽ xuất hiện một liên minh các quốc gia theo dòng đạo Sunni đứng đầu là Saudi Arabia và có cả sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đối thủ chính yếu của liên minh này sẽ là Iran theo dòng đạo Sunni và đối thủ không kém phần quyết liệt của họ là toàn bộ phương Tây. Liên minh đó có thể sẽ trở thành một lực lượng đáng gờm với một loạt những thể chế độc tài sùng tín được xây dựng trên chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan với những mưu toan bành trướng không ngừng. Và có thể sẽ lan rộng những hoạt động khủng bố chống lại phương Tây nói riêng và toàn bộ thế giới Thiên chúa giáo nói chung.

Theo Phạm Huy Dũng (ANTG cuối tháng)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm