Triều Tiên có thành công với "quân bài mặc cả" mới?

Triều Tiên có thành công với "quân bài mặc cả" mới? ảnh 1

Pae Jun-Ho. (Nguồn: youviewed.com)
Pae Jun-Ho, tên quốc tịch Mỹ là Kenneth Bae, bị bắt hồi tháng 11/2012 khi nhập cảnh vào thành phố cảng Rason ở miền Đông Bắc của Triều Tiên. Pae Jun-Ho bị cáo buộc âm mưu "lật đổ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên."

KCNA nêu rõ: "Tòa án Tối cao đã tuyên án y 15 năm lao động khổ sai vì tội danh này." Bình Nhưỡng không nói rõ cơ sở để gán tội cho Pae Jun-Ho, vốn được cho là người điều hành tour du lịch Triều Tiên-Mỹ. Tuy nhiên, ngày 27/4, KCNA đưa tin Pae Jun-Ho đã thừa nhận âm mưu lật đổ chế độ ở Bình Nhưỡng.

Nhà hoạt động Do Hee-Yoon ở Seoul (Hàn Quốc) nói với AFP rằng ông nghi ngờ Pae Jun-Ho bị bắt giữ là do anh ta chụp ảnh những đứa trẻ suy dinh dưỡng ở Triều Tiên với mục đích kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ nhiều hơn nữa cho đất nước này.

Mỹ đã hối thúc Triều Tiên trả tự do cho công dân Mỹ nói trên vì "những lý do nhân đạo." Ngày 29/4, quyền phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell nói: "Việc bảo vệ các công dân Mỹ là điều quan trọng và là ưu tiên hàng đầu của Bộ Ngoại giao."

Theo các quan chức Mỹ, Bae (Pae Jun-Ho) vào Triều Tiên với thị thực hợp lệ. Các quan chức Mỹ cũng thừa nhận rằng họ lo ngại Bae sẽ bị (Triều Tiên) dùng làm "quân bài mặc cả chính trị."

Căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên đã tăng cao kể từ khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba hồi tháng 2/2013. Chính khách Mỹ Bill Richardson đã không thành công trong việc giải cứu Bae khi ông tới Triều Tiên hồi tháng 1/2013 cùng với Chủ tịch Tập đoàn Google, ông Eric Schmidt.

Thậm chí, Richardson - cựu Thống đốc bang New Mexico và là cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc - đã không thể gặp Bae trong chuyến đi này. Washington chỉ trích chuyến thăm này là không đúng lúc vì nó diễn ra ngay sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa hồi tháng 12/2012.

Trong những năm gần đây, một số người Mỹ cũng đã bị bắt giữ tại Triều Tiên. Năm 2011, một phái đoàn Mỹ do ông Robert King - đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề nhân quyền và nhân đạo - đã giải cứu được doanh nhân Eddie Jun Yong-Su, công dân bang California (Mỹ).

Eddie Jun Yong-Su bị bắt giữ với cáo buộc có các hoạt động truyền giáo. Năm 2010, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt khi ông đàm phán và giải cứu được công dân Mỹ Aijalon Mahli Gomes, người bị kết án 8 năm lao động khổ sai vì vượt biên trái phép từ Trung Quốc vào Triều Tiên.

Năm 2009, cựu Tổng thống Bill Clinton cũng đã giải cứu được hai phóng viên truyền hình người Mỹ là Laura Ling và Euna Lee, bị bắt giam sau khi đi bộ qua biên giới của Triều Tiên với Trung Quốc.

Giới chuyên gia cho rằng chắc chắn Triều Tiên sẽ tìm cách sử dụng Bae để yêu cầu Washington phải nhượng bộ.

Ahn Chan-il, Giám đốc Viện Thế giới chuyên nghiên cứu về Triều Tiên - một trung tâm tư vấn ở Hàn Quốc - cho rằng có thể Triều Tiên muốn có thêm một chuyến công du khác của một phái viên cấp cao Mỹ.

Ông nói: "Triều Tiên đang sử dụng Bae như 'miếng mồi' để 'câu' chuyến thăm của một quan chức cấp cao Mỹ tới Triều Tiên. Chuyến công du Bình Nhưỡng của một quan chức cấp cao Mỹ cũng sẽ giúp đánh bóng hình ảnh của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un."

Yang Moo-Jin, giáo sư của Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, cũng đồng tình với nhận định trên khi nói: "Chắc chắn, Triều Tiên sẽ chớp lấy vụ việc của Kenneth Bae để giành lợi thế, coi đây là quân bài mặc cả trong các cuộc đàm phán với Mỹ. Tuy nhiên, bầu không khí hiện nay rất khác so với khi xảy ra các vụ bắt giữ con tin tương tự trước đây. Tình hình ngoại giao và quân sự hiện căng thẳng đến mức chưa chắc Mỹ đã nhanh chóng thay đổi lập trường hoặc tiến hành đối thoại với Triều Tiên chỉ vì để cứu Bae"./.
(Theo Vietnam+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm