Đại dịch đã kéo giãn khoảng cách giữa các quốc gia châu Âu. Thay vì xích lại gần nhau, các quốc gia phải loay hoay giải quyết những khó khăn nội bộ trong bối cảnh niềm tin giữa các chính phủ với nhau suy giảm.
Nếu không thể thiết lập một “liên minh tài chính”, gia tăng sức đề kháng và chuẩn bị cho các kịch bản xấu hơn, Liên minh châu Âu (EU) sẽ đánh mất uy tín với các quốc gia thành viên. Khi đoàn kết trở thành khẩu hiệu thay vì hành động, quyền lực EU suy giảm và thương hiệu EU sẽ bị mờ nhạt.
Những khó khăn ở hiện tại
Hiện nay, rạn nứt Bắc-Nam vẫn đang kéo dài khi khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) chưa có triển vọng phục hồi. Khủng hoảng cũng khuếch đại khoảng cách Đông-Tây. Hệ thống y tế của các chính phủ Trung và Đông Âu bộc lộ nhiều điểm lỗi thời, không thể ứng phó với đại dịch hiệu quả.
Mặt khác, nhiều nền kinh tế của châu Âu cũng đang đối diện với khủng hoảng. Suy thoái kinh tế góp vào bức tranh ảm đạm, nợ công và thất nghiệp có thể tăng vọt. Nhiều quốc gia EU dựa vào các ngành như du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hàng quán ở TP Madrid, Tây Ban Nha đóng cửa hàng loạt sau lệnh phong tỏa ban hành hồi ngày 14-3. Ảnh: AFP
Một số quốc gia miền Nam, đặc biệt là Ý, đang đối mặt với triển vọng nghiệt ngã. Người Ý quan ngại sau khủng hoảng eurozone và di cư, EU lại một lần nữa bỏ rơi họ. Nền kinh tế của Ý tăng trưởng thấp trong khi nợ công lên đến 135% GDP.
Ủy ban châu Âu nỗ lực giải quyết khủng hoảng nhưng hầu hết các đòn bẩy quan trọng đối với sức khỏe và kinh tế vẫn nằm ở thủ đô của các quốc gia. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra chương trình mua trái phiếu trị giá gần 850 tỉ USD đầy ấn tượng. Tuy nhiên, hành động của ECB vẫn không đủ và EU cần phải đảm nhận vai trò lớn hơn trong chính sách tài khóa.
Pháp, Tây Ban Nha và Ý muốn EU phát hành trái phiếu để chia sẻ gánh nặng. Lượng tiền sẽ được chuyển đến các quốc gia cần nhất để chi tiêu cho y tế, trợ cấp doanh nghiệp, hỗ trợ thất nghiệp và đầu tư.
Tuy nhiên, Đức, Hà Lan, Phần Lan và Áo lại phản đối, quan ngại rằng điều này sẽ ngăn cản các nước yếu hơn thực hiện các cải cách hiệu quả. Các quốc gia này có lý nhưng một khu vực eurozone với GDP giảm và nợ công tăng sẽ là “thảm hoạ” cho tất cả.
Nhìn về tương lai phía trước
Hành động hôm nay của châu Âu sẽ quyết định đến tương lai của lục địa già và các nhà lãnh đạo ở đây phải mạnh dạn tiến hành các cải cách cần thiết.
Đầu tiên, các nhà lãnh đạo châu Âu cần chung tay xây dựng một hệ thống quản trị và điều tiết kinh tế. Cuộc khủng hoảng COVID-19 lần này mang tính toàn cầu. Do đó, phản ứng từng phần hay trong từng khu vực là chưa đủ. Châu Âu cần chấp nhận thực tế là họ phải “chủ động nắm tay” thay vì chờ đợi một quốc gia đứng lên “dắt tay”.
Ngoài ra, châu Âu cũng cần có một kế hoạch phục hồi đáng tin cậy. Chia sẻ rủi ro để giải quyết gánh nặng tài chính là điều cần thiết. Để phục hồi sau đại dịch, châu Âu cần đạt được một thỏa thuận mới, tạo ra cơ hội việc làm ổn định hơn. Gói ngân sách cứu trợ gần 544 triệu USD vừa qua là một bước đi đúng đắn nhưng chưa đủ để châu Âu phục hồi.
Sau khủng hoảng, các nước EU phải làm sâu sắc hơn tính liên kết trong nội bộ khối và chủ động hơn trong giải quyết các vấn đề quốc tế. Ảnh minh hoạ: AP
Tương lai châu Âu với nền kinh tế xanh và kỹ thuật số cần nhiều hơn thế. Một kế hoạch Marshall mới để tái thiết châu Âu hậu COVID-19 có thể giúp nền kinh tế khu vực phục hồi cũng như góp phần hòa giải với làn sóng dân túy. Các quốc gia cần bớt đi “cái tôi” và hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo lợi ích dài hạn.
Tiếp theo, châu Âu với uy tín kiến tạo trong quá khứ (qua trường hợp EU) và địa vị kinh tế quan trọng có thể xây dựng mối quan hệ đối tác toàn cầu về y tế. Lục địa này cần sự can dự quyết đoán hơn về ngoại giao và quản trị quốc tế và về lâu dài, châu Âu cần một chính sách nghiêm túc hơn. Cụ thể, các nước ở đây phải là bên tạo động lực và giúp đỡ thay vì chỉ đơn thuần là một người ngoài cuộc hay lệ thuộc vào sức mạnh của Mỹ.
Trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang là chủ đề cho tranh cãi Mỹ - Trung và là quân bài trong trò chơi đổ lỗi, EU có thể đảm nhận vai trò trung gian hòa giải cũng như cầu nối để WHO trách nhiệm hơn trong các cam kết và thực thi.
Một lựa chọn nữa của châu Âu là đứng ra giữ vai trò điều phối giúp WHO tham gia sâu sắc hơn cũng như đảm nhận trách nhiệm giám sát các chính sách y tế của các chính phủ và đảm bảo trao đổi thông tin toàn cầu tốt hơn về các trường hợp khẩn cấp và dịch bệnh.
Cuối cùng, châu Âu cần một chương trình đầu tư nghiêm túc để phản ứng kịp thời và linh hoạt với các thử thách trong tương lai. Các nhà lãnh đạo châu Âu cần “một quỹ Corona” để xây dựng lại các hệ thống y tế vững mạnh hơn và giải quyết vấn đề kinh tế dài hạn. Quỹ này giúp tập trung phát triển năng lực quản lý, tạo sự an tâm về kinh phí và đảm bảo số lượng nhân viên y tế chuyên nghiệp sẵn có.
Hàng loạt hệ thống y tế của nhiều nước EU không đủ sức chống chọi trước COVID-19 và đây là sai lầm không thể phạm phải trong tương lai. Ảnh minh hoạ: REUTERS
Việc không có dữ liệu so sánh đáng tin cậy về tỉ lệ lây lan và tỉ lệ tử vong trên khắp châu Âu là vấn đề bức thiết. Do đó, châu Âu cần chuẩn bị cho những rủi ro bằng cách dự trữ các thiết bị quan trọng để đảm bảo rằng các quốc gia không lệ thuộc vào chuỗi cung ứng từ xa.
Đành rằng sức khỏe cộng đồng là vấn đề trọng tâm của quốc gia thay vì khu vực nhưng phản ứng của châu Âu sẽ quyết định đến tính sống còn của lục địa già. Phục hồi sau đại dịch gắn liền với năng lực triển khai về tài chính công và là thử thách cho tinh thần đoàn kết của châu Âu.
Châu Âu vẫn có thể “vĩ đại trở lại”
Đại dịch tạo áp lực tâm lý lên các cá nhân, quốc gia và cả lục địa già. Châu Âu cần đoàn kết để chia sẻ với các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thay vì tranh cãi. Suy thoái kinh tế có thể làm hồi sinh chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy cực hữu. “Đại dịch không chỉ liên quan đến nền kinh tế mà ngay cả mô hình quản trị của phương Tây cũng đang ngày càng bị đe dọa”, Giám đốc trung tâm tư vấn chính sách Carnegie Europe tại Bỉ - bà Rosa Balfour nhận định.
Xây dựng các công cụ kinh tế chung để giải quyết tính thanh khoản và có kế hoạch phục hồi bền vững là hai trọng tâm. Nếu châu Âu có thể áp dụng các chính sách phù hợp trong ngắn hạn và trung hạn thì khu vực này có thể phục hồi và gặt hái nhiều kinh nghiệm quản trị, thúc đẩy hợp tác và đảm nhận vai trò lớn hơn trong hệ thống.
(*) Nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS), ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.