ĐSQ Trung Quốc vận động hành lang công ty Mỹ phản đối Quốc hội ra luật bất lợi

Những tuần gần đây, Trung Quốc đã thúc giục các giám đốc điều hành, công ty và tập đoàn kinh doanh của Mỹ phản đối các dự luật liên quan Trung Quốc tại Quốc hội Mỹ, hãng Reuters dẫn bốn nguồn tin tiết lộ.

Động thái được cho là “vận động hành lang” trên được Bắc Kinh tiến hành thông qua việc gửi các bức thư và tổ chức các cuộc họp giữa Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington với nhiều thành phần trong cộng đồng doanh nghiệp Mỹ.

ĐSQ Trung Quốc vận động hành lang công ty Mỹ phản đối Quốc hội ra luật bất lợi. Ảnh: REUTERS

Đại sứ quán Trung Quốc vận động hành lang

Theo các nguồn tin, trong các bức thư, Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington đã tác động để các nhà điều hành doanh nghiệp hối thúc các thành viên Quốc hội Mỹ thay đổi hoặc hủy bỏ các dự luật cụ thể liên quan việc cạnh tranh của Washington với Bắc Kinh.

Một bức thư được gửi đi từ Văn phòng kinh tế và thương mại của Đại sứ quán Trung Quốc mà Reuters tiếp cận được cũng cho thấy nội dung tương tự.

Theo nội dung bức thư, các quan chức Trung Quốc cảnh báo các công ty Mỹ về nguy cơ mất thị phần hoặc doanh thu ở Trung Quốc nếu các đạo luật được ban hành.

Đại sứ quán Trung Quốc và người đứng đầu Văn phòng kinh tế và thương mại chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.

Theo các nguồn tin, yêu cầu của phía Trung Quốc cũng khiến một số cá nhân nhận được thư lo ngại về việc vướng vào cáo buộc vi phạm Luật đăng ký đại diện nước ngoài (FARA) nếu họ vận động các nhà lập pháp Mỹ về các vấn đề tương tự trong tương lai.

Do đó, không có cá nhân hay doanh nghiệp nào muốn được xác định là đã nhận hay xem bức thư của Đại sứ quán Trung Quốc.

Trước đó, “Dự luật Cạnh tranh và Đổi mới Mỹ” năm 2021 (USICA) – luật nhằm tăng cường sự cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc và tài trợ cho hoạt động sản xuất chất bán dẫn - đã được Thượng viện Mỹ thông qua với sự ủng hộ của lưỡng đảng. 

Dự luật Bảo đảm Sự lãnh đạo và tham dự toàn cầu của Mỹ (EAGLE), được giới thiệu tại Hạ viện Mỹ hồi tháng 5, đến nay vẫn chưa có tiến triển do Quốc hội bận tâm với các sáng kiến trong nước khác.

Ngôn từ trong các bức thư, mà Reuters xác định là được gửi riêng cho nhiều người, đã thể hiện rõ việc phía Đại sứ quán Trung Quốc yêu cầu các công ty phản đối các dự luật USICA và EAGLE.

ĐSQ Trung Quốc vận động hành lang công ty Mỹ phản đối Quốc hội ra luật bất lợi. Ảnh: REUTERS

Nội dung bức thư nói gì?

Theo Reuters, Bắc Kinh coi các biện pháp này, vốn thể hiện quan điểm cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc trong các vấn đề nhân quyền và thương mại, là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm đối phó sức mạnh kinh tế và địa chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc.

"Chúng tôi chân thành hy vọng các bạn sẽ đóng một vai trò tích cực trong việc thúc giục các thành viên Quốc hội từ bỏ tư duy tổng bằng không và định kiến về ý thức hệ, ngừng thúc đẩy các dự luật tiêu cực liên quan Trung Quốc, xóa bỏ các điều khoản tiêu cực, để tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế và thương mại song phương trước khi quá muộn” - Đại sứ quán Trung Quốc viết trong một bức thư hồi đầu tháng 11.

Reuters đã xác nhận văn phong của bức thư với bốn nguồn tin.

"Kết quả của các dự luật liên quan Trung Quốc với những tác động tiêu cực sẽ không đi đôi với việc lợi ích của các công ty Mỹ được bảo vệ, trong khi lợi ích của các công ty Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng. Điều này chỉ gây tổn thương cho tất cả mọi người" – Đại sứ quán Trung Quốc viết.

"Việc thúc đẩy chuỗi cung ứng không có Trung Quốc chắc chắn sẽ dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu của Trung Quốc đối với các sản phẩm của Mỹ và các công ty Mỹ sẽ mất thị phần và doanh thu tại Trung Quốc" – bức thư nêu rõ.

Hai trong số các nguồn tin cho biết những thông điệp tương tự đã được chuyển tải trong các cuộc gặp với nhân viên Đại sứ quán Trung Quốc.

"Đó là một yêu cầu hoàn toàn của chính phủ nước ngoài" - một trong những nguồn tin cho biết, nhấn mạnh các ảnh hưởng liên quan FARA, trong đó yêu cầu những người đại diện cho một thế lực hoặc đảng phái chính trị nước ngoài phải báo cáo những mối quan hệ đó với Bộ Tư pháp Mỹ.

Một nguồn tin thứ hai cho biết cách tiếp cận này dường như hướng đến việc các doanh nghiệp Mỹ trì hoãn quy trình lập pháp hơn là chặn hoàn toàn các dự luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm