Một máy bay tuần tra săn ngầm Boeing P-8A Poseidon của Lực lượng Không quân Hoàng gia Úc (RAAF) từ giữa tháng 10 đã tiến hành các sứ mệnh bay “giám sát hàng hải” từ Singapore.
Theo dữ liệu từ các trang web theo dõi chuyến bay, các sứ mệnh bay trên đã diễn ra tại Biển Đông, tạp chí Australian Defence (ADM) ngày 12-11 đưa tin.
Lần đầu tiên Úc điều máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon
Theo ADM, đây là lần thứ sáu RAAF triển khai máy bay tới căn cứ không quân Paya Lebar ở Singapore kể từ tháng 7-2020 và là lần đầu tiên điều máy bay P-8A.
Trong các đợt triển khai trước đó, RAAF đã điều máy bay Lockheed-Martin AP-3C (EW) Orion – dòng máy bay tình báo, giám sát, trinh sát và tác chiến điện tử (ISREW), mỗi lần kéo dài khoảng một tháng.
Một máy bay tuần tra săn ngầm Boeing P-8A Poseidon của Lực lượng Không quân Hoàng gia Úc. Ảnh: RAAF
Dữ liệu theo dõi hoạt động bay cho thấy máy bay P-8A, số hiệu A47-009, đã bay từ căn cứ Edinburgh (Úc) đến Singapore vào ngày 18-10.
Dữ liệu cũng cho thấy các phi vụ rời khỏi căn cứ không quan Paya Lebar của Singapore được tiến hành khoảng hai đến năm ngày một tuần từ hôm 20-10, sử dụng các mã nhận dạng chuyến bay (callsign) Aussie 206, 207, 208 hoặc 209.
Các đợt triển khai thường kéo dài từ bảy đến tám tiếng, hầu hết bắt đầu vào khoảng thời gian cuối buổi sáng và kết thúc trước khi mặt trời lặn.
Tuy nhiên, có ít nhất hai đợt xuất kích được tiến hành vào buổi tối được ghi nhận. Trong số đó, một phi vụ đã được triển khai xuyên đêm, bắt đầu lúc 18 giờ 30 ngày 11-10, kéo dài 14 giờ và kết thúc lúc 8 giờ 30 sáng 12-10.
Theo ADM, máy bay P-8 có sự tháp tùng của máy bay tiếp dầu Airbus KC-30A.
Theo dữ liệu chuyến bay, máy bay tiếp dầu KC-30 đã thực hiện các nhiệm vụ kéo dài chín giờ đồng hồ đến Biển Đông, khu vực ngoài khơi Brunei vào các ngày 5-11, 8-11 và 11-11. Sự hiện diện của KC-30 diễn ra cùng ngày và vào cùng thời điểm với máy bay P-8.
Các trang web theo dõi bay cũng cho thấy máy bay của không quân Úc khởi hành từ Paya Lebar theo hướng bắc và bay lên bờ biển phía đông của bán đảo Malaysia trước khi chuyển hướng theo hướng bắc - đông bắc về phía Biển Đông trong tất cả nhiệm vụ bay.
Theo dữ liệu, máy bay P-8 sẽ tắt thiết bị phát đáp khi rời khỏi không phận Malaysia và bật lại ngay trước khi quay trở lại. Ngược lại, máy bay Lockheed-Martin AP-3C (EW) Orion thường không bật bộ phát đáp trong các nhiệm vụ khi được triển khai tới Singapore, tuy các nhiệm vụ của máy bay này kéo dài khoảng 10 tiếng mỗi chuyến.
Trao đổi với ADM, Bộ Quốc phòng Singapore cho biết RAAF đang thực hiện các sứ mệnh giám sát hàng hải từ Singapore trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Úc-Singapore (CSP), theo đó cho phép quân đội hai bên tiếp cận căn cứ của nhau.
Theo CSP - được ký kết năm 2016, hai nước cũng đồng ý "tăng cường chia sẻ thông tin tình báo và thông tin trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm".
Trao đổi với ADM, Bộ Quốc phòng Úc cho biết “lực lượng quốc phòng Úc (ADF) thực hiện các cuộc tuần tra giám sát hàng hải như một phần trong sứ mệnh bảo vệ Úc và các lợi ích quốc gia của đất nước, đồng thời đóng góp vào an ninh khu vực. Các chuyến bay này được thực hiện trong không phận Úc và quốc tế”.
Trọng tâm ở Biển Đông
Tuy Bộ Quốc phòng Úc “không tiết lộ trọng tâm cụ thể của các sứ mệnh nhận thức hàng hải”, song dựa trên thời gian thực hiện các nhiệm vụ của P-8A và hướng bay của máy bay này trước khi thiết bị phát đáp được tắt cho thấy trọng tâm của P-8A là ở Biển Đông.
Một máy bay tuần tra săn ngầm Boeing P-8A Poseidon của Lực lượng Không quân Hoàng gia Úc. Ảnh: RAAF
Dựa trên tốc độ bay của các máy bay dân dụng (P-8A do Boeing phát triển từ dòng Boeing 737), sẽ mất hơn hai giờ đồng hồ đối với mỗi chiều bay từ Singapore đến và đi khỏi khu vực phía nam của quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), và thời gian bay qua các đảo trong hai đến ba giờ đồng hồ.
Trong khi đó, thời gian thực hiện sứ mệnh của AP-3C Orion dài hơn có thể chỉ đơn giản vì tốc độ của máy bay này chậm hơn. Điều này đồng nghĩa rằng máy bay phải mất nhiều thời gian hơn để đến được khu vực và việc sử dụng AP-3C Orion trong các sứ mệnh ở Singapore cho thấy đây không phải là các sứ mệnh “nhận thức hàng hải”.
AP-3C Orion đã được triển khai đến Singapore vào tháng 7-2020 và tháng 10-2020 cũng như tháng 2, tháng 4 và tháng 8 năm nay.
Dữ liệu theo dõi chuyến bay cũng cho thấy một chiếc P-8A của RAAF đã thực hiện các chuyến bay từ Darwin đến và rời khỏi Biển Đông ít nhất hai lần trong tháng 6.
Ngoài ra, một máy bay P-8A khác cũng được ghi nhận đã hoạt động từ thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7, đi về hướng tây bắc trước khi máy bay tắt bộ phát đáp.
RAAF đã thực hiện các chuyến bay "sứ mệnh nhận thức hàng hải" ở Biển Đông và Ấn Độ Dương từ năm 1980 trong khuôn khổ chiến dịch “Operation Gateway”.
Hồi tháng 12-2015, hãng truyền thông BBC cho biết máy bay trinh sát và săn ngầm P-3 Orion của Úc đã “tuần tra hàng hải thường kỳ” ở Biển Đông.
BBC cho biết nhóm phóng viên của hãng khi đang bay trên một chiếc máy bay dân sự của Philippines đã tình cờ phát hiện chuyến bay của quân đội Úc khi cả hai bay trong không phận phía trên Biển Đông.
Theo đó, nhóm phóng viên đã nghe được thông báo từ máy bay của Úc là “Hải quân Trung Quốc lưu ý. Đây là máy bay của Úc đang thực hiện quyền tự do quốc tế trong không phận quốc tế theo công ước hàng không quốc tế và công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển”.