Nga, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) bất đồng về vấn đề Belarus khi số phận Tổng thống nước này Alexander Lukashenko chưa rõ ra sao giữa lúc các cuộc biểu tình lan rộng phản đối chiến thắng bầu cử của ông, theo báo South China Morning Post (SCMP).
Trung Quốc đã cảnh báo “các lực lượng nước ngoài” không gây hỗn loạn tại Belarus, còn Nga dọa đưa quân sang quốc gia Đông Âu này nhằm dập tắt biểu tình. Trong khi đó, EU từ chối công nhận kết quả bầu cử cho thấy ông Lukashenko tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ thứ sáu, đồng thời kêu gọi “chuyển giao quyền lực trong dân chủ và hòa bình”.
Trung Quốc cảnh báo nước ngoài không gây hỗn loạn tại Belarus, Nga dọa can thiệp quân sự
Tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – người đầu tiên được ông Lukashenko trao tặng huân chương Thúc đẩy Hòa bình và Hữu nghị năm 2016 – là một trong số ít những nguyên thủ đầu tiên chúc mừng ông Lukashenko sau cuộc bầu cử.
Người biểu tình tập trung trước nhà máy Minsk Tractor Works để ủng hộ công nhân rời khỏi nhà máy ở Minsk (Belarus). Ảnh: AP
Tuy nhiên hôm 19-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tập trung vào người dân Belarus, nói rằng: “Trung Quốc luôn tôn trọng con đường phát triển mà người dân Belarus đã chọn phù hợp với điều kiện quốc gia và những nỗ lực của họ để bảo vệ độc lập, chủ quyền, an ninh và phát triển của quốc gia”.
“Chúng tôi không hy vọng tình hình ở Belarus sẽ leo thang thành hỗn loạn và phản đối các thế lực bên ngoài gây chia rẽ và xáo trộn trong xã hội Belarus” – ông Triệu nhấn mạnh mà không đêu tên bất kỳ quốc gia nào.
“Chúng tôi hy vọng và tin rằng Belarus có thể đảm bảo ổn định chính trị và bình yên xã hội bằng nỗ lực của chính mình” – ông Triệu nói thêm.
Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra tuyên bố trên vài ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đề nghị hỗ trợ quân sự cho Belarus nếu cần thiết theo một hiệp ước an ninh bao gồm các quốc gia thời Liên Xô.
Về phía Nga, ông Putin cho rằng can thiệp vào Belarus và gây sức ép lên giới lãnh đạo nước này là điều không thể chấp nhận được khi EU sắp áp trừng phạt vào cuộc bỏ phiếu và sự đàn áp bạo lực của cảnh sát nhằm vào người biểu tình.
Về mặt văn hóa, chính trị và kinh tế, Belarus là một nước cộng hòa thuộc Liên Xô có quan hệ gần gũi nhất với Nga. Hai nước có một hiệp ước tự xưng là “nhà nước liên minh” với lá cờ đỏ kiểu Liên Xô. Tuy nhiên, mối quan hệ cá nhân giữa ông Putin và ông Lukashenko lại khá khó khăn.
EU dọa trừng phạt, đứng bên người biểu tình
Cách tiếp cận của Moscow gây ra sự phản ứng mạnh từ EU với việc 27 nhà lãnh đạo của khối này tổ chức họp khẩn hôm 19-8 và yêu cầu ông Putin kiềm chế các biện pháp quân sự.
Sau cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói với người dân Belarus rằng khối này “sát cánh cùng các bạn” khi các cuộc biểu tình chưa từng có chống lại ông Lukashenko bước vào ngày thứ 11.
“Việc Nga can thiệp quân sự sẽ khiến tình hình phức tạp hơn nhiều” – Thủ tướng Đức Angela Merkel nói hôm 19-8.
Những người ủng hộ phe đối lập Belarus xuống đường ở thủ đô Minsk hôm 16-8. Ảnh: Dmitri Lovetsky/AP
“Người dân Belarus muốn thay đổi và họ muốn điều đó ngay bây giờ” – Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói sau đó. Bà thêm rằng EU sẽ ủng hộ “sự chuyển giao quyền lực dân chủ, hòa bình”.
Trước đó, bà Merkel nói rằng chính phủ Belarus phải chấm dứt bạo lực nhằm vào những người biểu tình hòa bình, phóng thích tất cả tù nhân chính trị ngay lập tức và tiến hành đối thoại quốc gia với phe đối lập và xã hội.
Tổng thống Pháp Emanuel hối thúc Tổng thống Putin thúc đẩy “sự bình tĩnh và đối thoại”.
Theo kênh Fox News, ông Michel còn dọa EU sẽ trừng phạt “một số cá nhân đáng kể” liên quan tới bạo lực và gian lận bầu cử, song không nêu tên cụ thể.
EU đã chịu sức ép lớn từ các nước thành viên Đông Âu như Lithuania và Ba Lan khi phải hành động sao cho phù hợp với tình hình tại quốc gia không phải thành viên của EU là Belarus. Lithuania và Ba Lan lo ngại về sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga trong khu vực.
Trước cuộc họp, thủ lĩnh đối lập Belarus – bà Svetlana Tikhanovskaya, phải sống lưu vong ở Lithuania, đã kêu gọi giới lãnh đạo EU không chấp nhận kết quả bầu cử.
Hôm 18-8, ông Lukashenko dọa thực hiện các “biện pháp thích đáng” chống lại kế hoạch của phe đối lập về việc thành lập một hội đồng ở Belarus. Ông cho rằng đây là nỗ lực nhằm nắm quyền.
Ông Lukashenko còn tuyên bố các cuộc biểu tình đang bị nước ngoài kích động nhằm chống lại ông, người đã nắm quyền 26 năm.
Từ sau khi kết quả bầu cử chính thức công bố ông Lukashenko chiến thắng với 80% phiếu bầu hôm 9-6, Belarus chìm trong biểu tình. Hàng trăm ngàn người kéo xuống đường phố thủ đô Minsk và công nhân tại các công ty do nhà nước kiểm soát cũng tham gia đình công trong tuần này.
Ít nhất hai người biểu tình đã thiệt mạng sau khi đụng độ với cảnh sát Belarus, trong khi hàng ngàn người bị bắt vì tham gia biểu tình.