Các quan chức Mỹ đang cố gắng thuyết phục Ấn Độ từ bỏ thỏa thuận mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, cảnh báo sẽ áp trừng phạt nếu nước này hoàn tất thỏa thuận, theo hãng tin RT.
Phát biểu trước Ủy ban Quân lực Hạ viện trong phiên điều trần về các hoạt động của quân đội Mỹ ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương hôm 27-3, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randall Schriver nói rằng ông nghĩ “đó sẽ là một quyết định đáng tiếc” nếu Ấn Độ quyết định theo đuổi thương vụ mua S-400 của Nga và New Delhi có nguy cơ "hứng đòn" từ Mỹ theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: RT
“Chúng tôi đang tích cực thúc đẩy để họ đưa ra một sự lựa chọn khác và chúng tôi đang làm việc với họ để mang đến những hệ thống thay thế", ông Schriver nói.
Ông Schriver nhấn mạnh rằng dù Ấn Độ là một đối tác mới nổi của Mỹ nhưng Mỹ cũng sẽ áp dụng CAATSA, vốn được thiết kế nhằm gây hậu quả cho Nga, để trừng phạt Ấn Độ nếu nước này hoàn tất thương vụ mua S-400 với Nga.
Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ- Thái Bình Dương, Đô đốc Philip Davidson cũng kêu gọi Ấn Độ mua sắm khí tài của Mỹ. Ông khẳng định đã nhiều lần làm rõ với New Delhi rằng điều đó sẽ góp phần tăng cường sự tương thích và khả năng phối hợp tác chiến giữa hai nước.
Theo RT, những hệ thống thay thế của Mỹ cho S-400 có thể là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Lockheed Martin và hệ thống Patriot của Raytheon, mặc dù ba hệ thống này khác nhau về tính năng và chi phí.
Mỹ từng nhiều lần khẳng định việc Ấn Độ mua S-400 có thể làm ảnh hưởng tới kế hoạch chuyển giao công nghệ quốc phòng của Washington cho New Delhi trong thời gian tới. Lầu Năm Góc lo ngại hợp đồng S-400 giữa Nga và Ấn Độ sẽ tác động tiêu cực tới các thương vụ xuất khẩu máy bay không người lái và tên lửa phòng không Patriot của Mỹ ra nước ngoài.
Giới chức Ấn Độ cho rằng việc tăng cường năng lực phòng không bằng hệ thống S-400 là cần thiết, trong bối cảnh không quân Trung Quốc và Pakistan ngày càng được trang bị những vũ khí hiện đại.
Việc mua hệ thống phòng không tiên tiến của Nga đã khiến cho bất cứ quốc gia nào cũng có thể trở thành mục tiêu tiềm năng hứng chịu trừng phạt của Mỹ theo đạo luật CAATSA. Mỹ hồi tháng 9-2018 đã trừng phạt Trung Quốc vì mua các máy bay chiến đấu Su-35 và hệ thống S-400 của Nga.
Tuy nhiên, điều này không ngăn Ấn Độ ký hợp đồng mua 5 khẩu đội S-400 của Nga ước tính trị giá 5,43 tỉ USD vào tháng 10-2018. Việc chuyển giao sẽ bắt đầu từ tháng 10- 2020 và hoàn thành vào tháng 4-2023.
Trong bối cảnh xuất hiện những quan ngại trước việc Mỹ áp đặt trừng phạt liên quan tới hợp đồng mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga, Tư lệnh Lục quân Ấn Độ, Tướng Bipin Rawat, tháng 10 năm ngoái khẳng định nước này theo đuổi một chính sách độc lập và cũng đang quan tâm tới việc mua máy bay trực thăng Kamov và các hệ thống vũ khí khác của Nga.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ. Ảnh: National Interest
Tướng Rawat tuyên bố: "Mặc dù Ấn Độ có thể có quan hệ đối tác với Mỹ, nhưng chúng tôi luôn theo đuổi chính sách độc lập."
Ông Rawat cho biết: "Phía Nga rất quan tâm tới việc hợp tác với quân đội Ấn Độ vì họ hiểu rằng chúng tôi là một quân đội mạnh có khả năng bảo vệ những gì chúng tôi cho là đúng đắn theo tầm nhìn chiến lược của mình."
Ấn Độ không phải quốc gia đầu tiên Mỹ cố thuyết phục từ bỏ việc mua S-400 của Nga. Washington trong hơn một năm qua đã cố gắng “dụ” Ankara từ bỏ S-400 của Nga bằng mọi biện pháp, từ đe dọa trừng phạt tới cấm bàn giao tiêm kích F-35.
Một ngày trước phát biểu của ông Schriver, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho hay Mỹ muốn Thổ Nhĩ Kỳ mua F-35 và cách duy nhất để Ankara có được điều đó là mua hệ thống tên lửa của Mỹ. “Chúng tôi muốn Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống Patriot”, ông nhấn mạnh.
Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối nhượng bộ trước áp lực của Mỹ, song nói rằng họ có thể mua thêm tên lửa Patriot để cùng với hệ thống S-400 của Nga bổ sung cho đầy đủ chứ không phải để thay thế cho S-400.
S-400 Triumf là hệ thống phòng không tầm xa thế hệ mới, có khả năng đánh chặn nhiều mục tiêu như tiêm kích tàng hình, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình ở khoảng cách tới 400 km. Một tổ hợp S-400 có thể tiến công tới 80 mục tiêu cùng lúc.