S-400: NATO tìm cách bố trí tên lửa Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nên đáp trả việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga và phải tìm cách bố trí hệ thống chống tên lửa của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ, nghị sĩ Đức Nils Schmid nói.

“Trước hết, điều đó đã trở thành một vấn đề của NATO và vì thế NATO cần đáp trả mạnh mẽ bởi vì chúng tôi tin rằng việc triển khai vũ khí của Nga trên đất Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa sự gắn kết của NATO” - ông Schmid, thành viên Ủy bản Đối ngoại của Đức nói ngày 4-12.

Nga giao lô S-400 đầu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7. Ảnh: SPUTNIK

“Đó là lý do chúng ta nên tìm ra cách bảo vệ lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi sự tấn công của tên lửa” - ông Schmid nói.

Theo hãng tin Sputnik, khi được hỏi về phản ứng mà NATO nên đưa ra, nghị sĩ Đức cho hay: “Đó nên là một cuộc tranh luận thẳng thắn trong nội bộ NATO và sau đó chúng ta nên tìm ra cách có lẽ là triển khai hệ thống chống tên lửa của Mỹ ở đó”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tháng 11 sau cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Washington nói rằng Ankara có thể mua hệ thống Patriot của Mỹ, song họ coi việc Mỹ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phá hủy hệ thống S-400 mua từ Nga là vi phạm tính chủ quyền của nước này.

Trong cuộc hội đàm hồi tháng 11, Tổng thống Trump nói rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 đặt ra một số thách thức nghiêm trọng cho Mỹ, nhấn mạnh rằng hai nhà lãnh đạo đã chỉ đạo các cố vấn an ninh quốc gia của họ giải quyết vấn đề.

Hai ngày sau, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã bắt đầu làm việc về “cơ chế” chung với Mỹ nhằm đánh giá ảnh hưởng tiềm năng từ việc mua S-400 đặt ra cho tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình phát triển tiêm kích đa nhiệm F-35 của Mỹ.

Mỹ nhiều lần phản đối thương vụ S-400 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, nói rằng hệ thống này không tương thích với các tiêu chuẩn an ninh của NATO và do đó có thể làm tổn hại hoạt động của F-35.

Mỹ nhiều lần yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút lại hợp đồng với Nga, thay vào đó mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ.

Hồi tháng 7, Mỹ đình chỉ sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ vào dự án F-35 và dự kiến loại bỏ hoàn toàn vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong dự án này vào cuối tháng 3-2020.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đến nay từ chối khuất phục trước sức ép của Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm