Xung đột Nga-Ukraine tới nay đã nổ ra hơn một tháng và gây ra thương vong lẫn thiệt hại kinh tế không thể lường trước được khi các nỗ lực ngoại giao không mấy hiệu quả.
Người ta thường nói “không có kẻ chiến thắng trong chiến tranh”, song đối với những gã khổng lồ công nghiệp quân sự của Mỹ thì chiến tranh lại là cơ hội lớn để kiếm bộn tiền, theo trang Asia Times.
Hai máy bay tàng hình F-35A Lightning II của Không quân Mỹ và hai máy bay Rafale của Pháp bay qua Pháp hôm 18-5-2021 trong cuộc tập trận Atlantic Trident 21. Ảnh: US Air Force / Staff Sergeant Alexander Cook
Trước nay vẫn có luồng ý kiến rằng các cuộc xung đột quân sự hay căng thẳng địa chính trị là cỗ máy in tiền của các tập đoàn vũ khí của Mỹ.
Xung đột Nga-Ukraine, mối đe dọa TQ là cơ hội cho các tập đoàn vũ khí Mỹ
Theo các báo cáo truyền thông của Mỹ, ông James Taiclet, Tổng giám đốc điều hành tập đoàn quốc phòng Lockeed Martin, hồi tháng 1 nói rằng sự cạnh tranh giữa các nước lớn sẽ dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ ngân sách quốc phòng và mang lại nhiều hoạt động kinh doanh hơn cho tập đoàn.
Ông Gregory Hayes, Tổng giám đốc điều hành của tập đoàn Raytheon Technologies nói với các nhà đầu tư rằng căng thẳng ở Đông Âu đã cho tập đoàn thấy những cơ hội kinh doanh mới.
Theo các báo cáo truyền thông, cổ phiếu của các tập đoàn quân sự lớn của Mỹ đã tăng đáng kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine. Đến nay, cổ phiếu của Lockheed Martin tăng khoảng 25%, trong khi cổ phiếu của Raytheon tăng 16,4% trong cùng kỳ. Cổ phiếu của Northrop Grumman và General Dynamics cũng tăng.
Cờ Trung Quốc. Ảnh: Thomas Peter/REUTERS
Ngay sau khi chiến sự Nga-Ukraine nổ ra, Mỹ thông báo nước này sẽ cung cấp viện trợ quân sự 350 triệu USD cho Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua gói hỗ trợ thiết bị quân sự bổ sung 200 triệu USD cho Ukraine hôm 12-3 và thêm 800 triệu USD hôm 16-3. Các quỹ mới này sẽ dựa trên một dự luật chi tiêu mà ông Biden ký thành luật hôm 11-3, trong đó có 13,6 tỉ USD viện trợ mới cho Ukraine.
Kể từ tháng 2, chính quyền ông Biden đã thông qua hỗ trợ 1,35 tỉ USD cho Ukraine, theo một báo cáo do Quốc hội Mỹ công bố.
Đồng thời, trước căng thẳng địa chính trị ngày càng tăng, Đức và các quốc gia châu Âu khác đã điều chỉnh chính sách quốc phòng, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới cho các gã khổng lồ quân sự Mỹ.
Một điều rõ ràng là xung đột Nga-Ukraine sẽ thúc đẩy các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NaTO) tăng cường chi tiêu quốc phòng. Vì NATO sử dụng lượng lớn vũ khí Mỹ, một tỉ lệ lớn hợp đồng quốc phòng của các nước NATO sẽ nằm trong tay các hãng quốc phòng Mỹ.
Bên cạnh đó, Mỹ lâu nay xác định Trung Quốc là một trong những mối đe dọa chính. Trong báo cáo Chiến lược Quốc phòng 2022, Lầu Năm Góc đặt ra lo ngại về sức mạnh quân sự của Trung Quốc và gọi sự cạnh tranh giữa các cường quốc là mối đe dọa lớn nhất cho an ninh và sự ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ.
Vận động, ảnh hưởng quyết sách chi tiêu quốc phòng
9/12 thành viên Ủy ban Chiến lược Quốc phòng Mỹ có liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp tới ngành công nghiệp quốc phòng, theo một báo cáo do Dự án Giám sát chính phủ (POGO) – tổ chức giám sát độc lập phi đảng phái tại Washington chuyên điều tra và phơi bày sự lãng phí, tham nhũng và lạm quyền – công bố.
Điều này chắc chắn đã có tác động lớn tới sự cân nhắc và kết luận của Ủy ban Chiến lược Quốc phòng Mỹ.
Ngành công nghiệp vũ khí có nhiều công cụ để gây ảnh hưởng tới các quyết định về chi tiêu của Lầu Năm Góc trong tương lai.
Ngành công nghiệp này đã chi 285 triệu USD cho các khoản đóng góp cho các chiến dịch bầu cử kể từ năm 2001, trong đó đặc biệt tập trung vào các ứng cử viên tổng thống, lãnh đạo quốc hội và các thành viên của các ủy ban quân vụ ở Thượng viện và Hạ viện. Điều này được tiết lộ trong báo cáo do ông William Hartung, Giám đốc Dự án Vũ khí và An ninh tại Trung tâm Chính sách quốc tế (CIP), một tổ chức phi lợi nhuận tại Washington, công bố hồi tháng 9-2021. Đây là những người có tiếng nói nhất trong việc phê duyệt ngân sách chi tiêu quân sự.
Binh sĩ Ukraine xếp dỡ tên lửa chống tăng FGM-148 tại sân bay Boryspil (Kiev, Ukraine) hôm 11-2. Ảnh: Sergei Supinsky/AFP/GETTY IMAGES
Cũng theo ông Hartung, các nhà sản xuất vũ khí Mỹ chi 2,5 tỉ USD cho việc vận động hành lang trong hai thập niên qua, trung bình sử dụng hơn 700 nhà vận động hành lang mỗi năm trong 5 năm qua.
Một ví dụ điển hình là Tướng Joseph Dunford, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, người từng đề xuất mua tiêm kích tàng hình F-35 của hãng Lockheed Martin, đã gia nhập hội đồng quản trị của tập đoàn này chỉ bốn tháng sau khi rời quân ngũ.
Một điều đáng lưu ý khác là 4 trong 5 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ gần đây đến từ 1 trong 5 nhà thầu vũ khí hàng đầu.
Dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, ông James Mattis (thành viên hội đồng quản trị tại General Dynamics), ông Patrick Shanahan (giám đốc điều hành tại Boeing) và Mark Esper (người đứng đầu về quan hệ chính phủ tại Raytheon) đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hiện nay dưới thời Tổng thống Joe Biden – ông Lloyd Austin là thành viên hội đồng quản trị của Raytheon Technologies, theo bài viết của Hartung.
Các tập đoàn vũ khí còn gây ảnh hưởng lớn bằng việc tài trợ cho các viện chính sách hàng đầu vốn ủng hộ mạnh mẽ việc tăng ngân sách của Lầu Năm Góc song không bao giờ tiết lộ lợi ích tiền bạc đằng sau đó.
Ít nhất 1 tỉ USD trong ngân sách chính phủ Mỹ và nhà thầu quốc phòng là đổ vào 50 viện chính sách hàng đầu ở Mỹ từ năm 2014 đến năm 2019, theo ông Ben Freeman, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Ảnh hưởng nước ngoài tại CIP vào tháng 10-2020.
Tuy nhiên, tất cả chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.